Như một thông lệ, những ngày cuối năm tại làng bánh chưng Tranh Khúc (thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại trở nên hối hả, tất bật hơn bao giờ hết. Từ cổng làng đi vào, đâu đâu cũng thấy mùi hương của lá dong, gạo nếp. Cứ như thế, suốt bao năm qua, Tết luôn "gõ cửa" làng Tranh Khúc sớm hơn so với những nơi khác.
Không chỉ người làng hối hả, những chuyến xe chở theo nguyên liệu để gói bánh và chở bánh từ làng đi phân phối cũng vào ra tấp nập.
Không rõ truyền thống làm bánh chưng đó có ở nơi đây từ khi nào, chỉ biết cha truyền con nối, các hộ gia đình cứ thế giữ gìn và phát triển công việc của dòng họ đến tận ngày nay.
Cũng giống như hàng trăm hộ gói bánh chưng trong làng, xưởng bánh gia đình chị Trần Thị Vân Thùy (43 tuổi) đã đỏ lửa từ những ngày đầu tháng Chạp. |
Mỗi ngày, hơn 10 người thợ cho ra lò gói trên dưới 7000 chiếc bánh. Càng dịp cận Tết, khối lượng bánh gói càng lớn, làm quên ăn quên ngủ mới đủ giao cho khách. |
Hầu hết những người thợ tại xưởng bánh của chị Thùy đều là anh chị em trong gia đình, tiếp nối nghề truyền thống của các ông bà, bố mẹ để lại. Công đoạn nào trong việc tạo nên một chiếc bánh chưng ở Tranh Khúc cũng đều quan trọng.
Chị Thùy cho biết thêm, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng bánh đặt từ các tổ chức như trường học, công ty… giảm tới 70% so với năm ngoái.
Bên cạnh nguyên liệu, kỹ thuật gói, bí quyết để tạo nên những chiếc bánh ngon nức tiếng nằm ở sự tỉ mỉ, và cái "tâm" của những người dân ở làng.
Lá dong để gói bánh chưng Tranh Khúc phải là loại lá nếp của vựa lá nổi tiếng Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội), bởi lá dong tẻ dễ bị nát, không đảm bảo được độ xanh của bánh. Tuyển chọn lá bản to, màu xanh mướt, không bị sâu, rách. Ngoài ra, có năm chị Thùy còn phải đặt mua thêm lá dong rừng ở tận Nghệ An, Hà Tĩnh.
Gạo gói bánh cũng phải là loại ngon nhất, gạo nếp cái hoa vàng. Để bánh có màu xanh đẹp mắt và thơm, chị Thùy trộn gạo với nước lá giềng. |
Với đỗ xanh, phải chọn loại đỗ xanh tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng thì bánh sẽ thơm ngon hơn. Đỗ xanh xay vỡ, ngâm trong nước chừng 1-2 giờ rồi đãi sạch vỏ xanh, nấu chín, đánh tơi để làm nhân bánh.
Thịt được lựa chọn là loại thịt sấn, nửa nạc nửa mỡ, ướp gia vị, hạt tiêu kĩ càng vừa đủ. |
Tỷ lệ thông thường là 8 phần gạo, 2 phần đỗ, 2-3 miếng thịt nạc lẫn mỡ. |
Lá dong nếp, gạo ngon, nhân bánh được ướp gia vị vừa đủ, tay người gói khéo léo, thì bánh chưng ra lò mới xanh đẹp, dẻo. Chị Thùy (áo đỏ bìa trái) chỉ mất chưa đến 30 giây để hoàn thiện một chiếc bánh, trung bình mỗi ngày chị gói được 2000 chiếc. |
Chị Hiền về làng Tranh Khúc làm dâu cũng theo nghề truyền thống của gia đình: "Ngoài bánh chưng xanh, chúng tôi cũng nhận những đơn hàng đặc biệt như bánh chưng ngọt, bánh chưng gấc với ý nghĩa may mắn, bánh chưng gói bằng gạo lứt cho những người ăn kiêng, bánh nhân thịt ngan, cá hồi..." |
Từ chục năm trở lại đây, người làng Tranh Khúc đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm hệ thống nồi hơi, công suất lớn, bỏ hẳn việc đun củi. Máy móc khiến việc luộc bánh đỡ vất vả, bánh chín đều, không phải ngồi canh bánh xuyên đêm, lo lửa to lửa nhỏ.
Khâu xếp bánh vào nồi cũng rất quan trọng, chèn bánh không được quá chặt, bánh sẽ không chín được, hoặc nhân bánh sẽ bị sống. |
Ngoài ra, nhiều xưởng còn có hệ thống máy cẩu giúp quá trình đưa bánh ra vào nồi hơi thuận tiện hơn. |
Mỗi nồi luộc được 800-1000 chiếc bánh, luộc liên tục từ 9 đến 12 thì bánh mới rền. |
Để bảo quản bánh sau khi sản phẩm ra lò các cơ sở ở đây đầu tư máy hút ép chân không, dán nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày gói và hạn sử dụng để người tiêu dùng yên tâm hơn.
Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán của người Việt dù mâm cao cỗ đầy đến đâu nhưng cũng không thể thiếu cặp bánh chưng, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiên tổ, cha, ông.
(Theo Dân trí)
Chợ lá dong nổi tiếng Sài thành, nằm vỉa hè hóng một mùa Tết lịch sử
Tiểu thương ăn, ngủ ngay trên vỉa hè để tiện bán lá dong cho Tết Nguyên đán. Họ còn phải thuê chỗ đi vệ sinh và tắm rửa hàng ngày trong nhà dân. Tuy nhiên, lá dong năm nay có nguy cơ "ế".