Tình trạng khan hiếm khẩu trang khiến cho nhiều người mua hàng online rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Chị Nguyễn Thanh Nga (Linh Đàm, Hà Nội) cho hay, từ khi biết dịch bệnh corona bùng phát, chị đã đặt mua 2 hộp khẩu trang trên Lazada của shop Safety Mart với giá gần 150 nghìn đồng từ ngày 26/1. Theo dự kiến, đơn hàng của chị sẽ được giao vào ngày 30/1.

Tuy nhiên, tới đầu tháng 2, đơn hàng của chị vẫn đang trong tình trạng chờ xử lý. Sốt ruột với đơn hàng dù đã thanh toán hết rồi, chị liên hệ với đơn vị bán hàng thì nhận được câu trả lời “sản phẩm đang hết”. Theo lý giải của người bán, do đang hết hàng nên không thể giao được cho khách và khoảng 7-10 ngày nữa hàng về họ sẽ gửi và đảm bảo giữ nguyên giá. Shop này cũng đề nghị khách hàng huỷ đơn.

Bức xúc với cách bán hàng của shop này, chị Nga cho rằng, shop có tình trạng gian dối bởi khi mua vẫn thông báo còn sản phẩm. "Bên Trung Quốc đang thiếu khẩu trang thì làm gì họ nhập về Việt Nam, vậy khách hàng phải chờ bao lâu?", chị Nga phản ánh. Trong khi đó, Shop Safety Mart hứa sau 15 thông quan sẽ điều hàng về gấp và giao cho khách.

{keywords}
Mua khẩu trang online hẹn nửa tháng giao hàng

Tương tự như vậy, anh Minh Sơn (Hải Dương) phản ánh, đặt mua trên Tiki ngày 27/1 của shop Luxury Mart với giá 379 nghìn đồng. Tuy nhiên, sau đó sản phẩm tiếp tục delay giao hàng tới tận 10/2. “Tưởng mua thương mại điện tử cho tiện, giao nhanh, ai ngờ cứ chậm trễ như này thì thà mua ở ngoài còn hơn”, anh Sơn bức xúc.

Không chỉ tình trạng trên, mà nhiều shop còn tự tăng giá bán. Khảo sát trên các ứng dụng mua sắm, và trang thương mại điện tử, mặt hàng khẩu trang hiện đang bán với giá khá cao.

Đơn cử như Shopee, chủ shop dore japan còn "hét giá" khẩu trang nhãn hiệu trên là 3 triệu đồng/hộp 50 chiếc, hộp 100 chiếc giá 5,5 triệu đồng. Mức giá này gấp khoảng 22 lần so với ngày thường. Ngay sau khi bị phản ánh, shop này đã không còn xuất hiện trên ứng dụng của Shopee.

Bên cạnh các trang thương mại điện tử, app mua sắm thì một bộ phận kinh doanh online cũng đang lo lắng trước dịch bệnh corona khiến tình hình vận chuyển có thể bị ảnh hưởng, dẫn tới hàng từ Trung Quốc không về, kinh doanh gặp khó khăn.

Chị Thu Hương (chủ một shop kinh doanh đồ gia đình) cho hay, chị chuyên đặt sản phẩm trên mạng của Trung Quốc về Việt Nam bán. Theo chị Hương, phần lớn dân kinh doanh online đều nhập nguồn hàng từ Trung Quốc do giá rẻ và mẫu mã đa dạng.

Tuy nhiên, từ đầu năm khi dịch bệnh corona phức tạp, các đơn vị vận chuyển chậm dẫn tới nhiều đơn hàng của chị bị huỷ bỏ. “Với tình hình như hiện nay, chắc mình phải đổi hướng sang nhập hàng Thái”, chị cho hay.

{keywords}
Gian hàng hét giá 5,5 triệu đã bị khoá

Tương tự, chị Hải, chủ shop quần áo thời trang tại Hà Đông, cũng đang lo lắng. Chị chuyên nhập hàng từ Trung Quốc về bán, tình hình kinh doanh đang gặp khó khăn do nguồn hàng về hạn chế. Chị Hải chia sẻ nhiều khả năng sẽ phải tạm dừng, chờ ổn định mới mở lại shop.

Đại diện nhiều đơn vị thương mại điện tử cho biết đang kiểm tra lại tình hình giá cả và nguồn cung khẩu trang của các cửa hàng. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các cửa hàng ngoài thị trường đang thiếu khẩu trang thì kênh online cũng có thể rơi vào cảnh tương tự. Phía Tiki cho biết, khẩu trang Unicharm 3D và 3M tạm hết hàng do lượng khách đặt mua những ngày qua tăng gấp 10 lần bình thường.

Các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình dịch virus corana để đảm bảo các đơn hàng, không gây phiền toái cho khách hàng. Các shop niêm yết giá không đúng sẽ bị chặn lại.

Theo Lazada, đơn vị này có những biện pháp nội bộ để đảm bảo nguồn cung và giá bán hợp lý đối với những mặt hàng thiết yếu như khẩu trang và chất khử trùng.

Để tránh hiện tượng các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng dịch bệnh do virus corona gây ra để thu gom hàng hóa là các trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe người dân chuyển ra nước ngoài bán kiếm lời, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chính thức tạm dừng chấp nhận, vận chuyển ra nước ngoài các mặt hàng khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay y tế từ ngày 1/2/2020.

Duy Anh