Chỉ trong 1 tuần đầu tháng 3, hơn 2.000 xe ôtô nhập khẩu về nước với trị giá 44,42 triệu USD. Nhận định về thị trường xe nhập, lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT cho rằng, thời gian qua “cung không thiếu” nhưng một số đơn vị phân phối đã “cố tình kêu để tạo khan giả” trước tết và nay bắt đầu ồ ạt đưa xe về nước.

Việc Honda hoàn tất gần xong thủ tục cho lô gần 2.000 xe nhập các loại cũng được dự đoán sẽ góp phần kéo giảm mức giá xe trên toàn thị trường.

Các đơn vị nhập khẩu “kêu nhiều mà chẳng làm gì”

Ngày 13.3, ông Đặng Việt Hà - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết, hiện đã có nhiều đơn vị nhập khẩu xe nộp đăng ký kiểm định cho xe nhập khẩu trong đó riêng Honda Việt Nam đã làm gần xong thủ tục kiểm định. Bình luận về câu chuyện thị trường xe nhập khan hàng 2 tháng đầu năm, ông Hà khẳng định chẳng có vướng mắc trong việc thực thi các quy định của Nghị định 116 và thời gian để các DN tiến hành kiểm định không dài.

Tuy nhiên, thay vì tiến hành đăng ký hoàn tất thủ tục, nhiều đơn vị “có làm gì đâu mà chỉ kêu” khiến cơ quan chức năng ít nhiều bị áp lực vì “DN hỏi nhiều nhưng không thực hiện”. Ông Hà cũng cho rằng động thái của một số hãng xe gửi thư, công văn lên Bộ GTVT, Vụ Khoa học Công nghệ để hỏi về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) là không cần thiết vì thông tư đã hướng dẫn cụ thể và làm kéo dài thời gian. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhận định dù lượng xe nhập trong 2 tháng đầu năm rất thấp (chỉ 31 xe dưới 9 chỗ ngồi) nhưng thị trường không thiếu cung vì “xe họ nhập từ năm ngoái rất nhiều và đã đủ để bán” và “họ cứ túc tắc bán chứ không phải không có hàng để bán, chẳng qua họ không muốn bán giá thấp nên tạo khan giả”.

{keywords}
Hàng nghìn xe nhập cập cảng trong tuần đầu tháng 3.

Được biết, ngoài Honda, Ford, Toyota cũng đã nộp hồ sơ đăng ký kiểm định cho các dòng xe nhập từ Thái, Nhật, Mỹ.

Còn theo ông Trần Quang Hà - Vụ phó Vụ KHCN, Bộ GTVT việc các DN gửi giấy VTA về bộ là để tham vấn chắc chắn xem có phù hợp với quy định hay không trước khi nộp cho Cục Đăng kiểm và hiện vụ đã tham vấn cho Honda, Toyota, Ford nhập từ Mỹ và Thái Lan, Mazda, BMW, Mini, nhập từ các thị trường khác nhau. Theo quy định, xe nhập về cảng có thể tạm giải phóng hàng về bãi tập kết của DN rồi làm thủ tục đăng kiểm, kiểm định xong có kết quả xác nhận xe này đảm bảo chất lượng thì quay lại hải quan để thông quan.

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước, Honda đã hoàn tất việc nộp thuế và mang toàn bộ trên 1.000 xe ôtô về bảo quản, chờ kết quả kiểm định đồng thời cơ quan Hải quan đã chấp nhận giá khai báo tính thuế của Công ty Honda, với tổng mức thuế cho lô xe 1.054 chiếc là trên 253,5 tỉ đồng.

Đây là đơn vị đầu tiên nhập khẩu lô hàng ôtô từ ASEAN, được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, kể từ đầu năm 2018 đến nay còn các lô xe ôtô nhập khẩu khác đang chờ tại cảng hiện vẫn chưa mở tờ khai hải quan. Trước đó, thông qua nhiều kênh, một số liên doanh xe liên tục phản ứng với Nghị định 116 và cho rằng các quy định mới tạo rào cản không cho xe nhập về nước.

Xe Honda giảm giá 15%, giá các dòng xe khác có lao theo?

Dù xe vẫn ở cảng chưa hoàn tất thông quan nhưng để “giữ phần” Honda khéo léo công bố giá sớm với mức giảm trên dưới 15% so với giá trước đó. Chẳng hạn xe Honda CR-V có giá mới từ 958 triệu đồng đến 1,068 tỉ đồng, giảm gần 200 triệu so với mức giá công bố trong tháng 1, ngay trước tết tương đương với mức giảm trên dưới 15%.

Động thái này ngay lập tức khiến thị trường “đứng hình”, nhiều khách hàng dừng mua xe chờ lô xe Honda cũng như chờ các dòng xe nhập khác giảm giá theo thuế mới.

Theo anh L - nhân viên sale một đại lý của Ford tại Hà Nội - cho hay lượng khách tới hỏi xe khá ổn định nhưng “hỏi là chính và mua rất ít”, nhiều người hỏi bao giờ xe thuế 0% sẽ về và giá giảm bao nhiêu. Còn theo anh Sơn - quản lý tại đại lý Honda Mỹ Đình - ngay sau khi Honda công bố giá xe nhập mới thấp hơn, đại lý này đã có tới hơn 200 đơn hàng và hiện bắt đầu bán xe giao thông tháng 8 trong đó dòng CR-V bán tốt nhất.

Nhận định về diễn biến thị trường, ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng tiểu ban chính sách của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) - cho rằng sau khi khai thông được các vấn đề về giấy tờ thủ tục, giá xe nhập từ ASEAN đương nhiên sẽ giảm nhiều bởi việc hưởng thuế nhập khẩu 0% giúp giá xe giảm từ gốc và việc Honda áp giá thấp hơn 15% đã cho thấy điều này. Ông Tuấn cho rằng việc Honda được chấp nhận mức giá tính thuế trung bình chỉ 480 triệu đồng/xe có thể giúp liên doanh này hạ giá hơn được nữa tuy nhiên liên doanh này sẽ khó mạo hiểm bởi đã phải huy động một nguồn lực tài chính rất lớn mới mang lô xe lớn như vậy về nước một lúc.

Cùng quan điểm, một chuyên gia khác trong ngành nhận định vì nhiều lý do nên Honda buộc phải huy động lượng vốn lớn để mang xe về nhưng thị trường đang khan nên lô xe này nếu xong thủ tục sẽ “tiêu thụ nhanh”. Tuy nhiên, các đơn vị khác sẽ khó thuận lợi như vậy vì khi mang được xe về cung ứng cho thị trường thì cầu ít nhiều đã giảm và “họ sẽ phải chịu áp lực để giảm giá xe nhằm hút khách hàng”. Tương tự, các hãng xe trong nước có thể cũng sẽ phải thêm ưu đãi để tranh thị phần với xe nhập khẩu.

Thực tế thống kê của Hiệp hội sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy, doanh số bán xe con của doanh nghiệp trong nước tháng 2.2018 đã giảm 53%, riêng sản lượng xe lắp ráp trong nước cũng suy giảm 48%. Doanh số xe du lịch giảm hơn 53%, xe thương mại cũng ghi nhận giảm 55% so với tháng 1.2018. Thị trường suy giảm khiến các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất trong nước giảm nhập khẩu linh phụ kiện đối với ngành xe hơi. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2.2018 các doanh nghiệp xe hơi chi hơn 204 triệu USD nhập linh kiện về nước, giảm hơn 12% so với tháng trước, hai tháng đầu năm, các DN chỉ chi hơn 436 triệu USD nhập linh kiện, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân được cho là do nhu cầu tiêu dùng xe đã qua mùa cao điểm và khách hàng lại ngồi chờ xe không thuế.

(Theo Lao Động)