Thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, trong đó phân khúc xe cá nhân tăng trên 20%. Cạnh tranh giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe sản xuất lắp ráp trong nước, ngày càng quyết liệt. Nhưng xe nội có cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách về giá với xe ngoại nhập. Đây là nhận định chung của giới chuyên môn, dựa trên điều tra thị trường và những thay đổi về chính sách với ngành ô tô sắp diễn ra.

Tập trung ưu đãi xe trong nước?

Năm 2020, một loạt chính sách quan trọng sẽ được áp dụng cho ngành ô tô. Một trong những chính sách được chờ đợi nhất chính là Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung, sửa đổi, sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua; trong đó có đề nghị ưu đãi, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện ô tô sản xuất trong nước. Như vậy, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, sử dụng càng nhiều linh kiện tại chỗ sẽ càng được hưởng ưu đãi lớn, qua đó giúp giảm giá thành.

{keywords}
Công suất lớn, sản lượng tăng sẽ mang tới nguồn cung dồi dào, nhiều mẫu xe mới ra đời cạnh tranh, giá xe sẽ hợp lý hơn nữa.

Không những thế, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với một số dòng xe ô tô đã được đề xuất nâng lên “ở mức hợp lý”. Hiện thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô có dung tích xi lanh từ 1.500cm3 trở xuống là 35%, từ 1.500-2.000cm3 là 40%, từ 2.000-2.500cm3 là 50%, từ 2.500-3.000cm3 là 60% và từ 3.000cm3 trở lên là 90-150%. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đề xuất tăng lên bao nhiêu, với những dung tích xi lanh nào, đến nay chưa cụ thể. Tuy nhiên, nếu tăng thuế thì giá xe nhập khẩu nguyên chiếc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Với xe sản xuất lắp ráp trong nước, như đã nói, do được hưởng ưu đãi miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện mua trong nước, sẽ có lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn đề nghị một số chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô như: ưu đãi thuế thu nhập DN ở mức cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô. Cùng với đó là một loạt ưu đãi đối với những dự án sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ có quy mô từ 50 nghìn xe/năm trở lên, có sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ - hộp số... được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp... Nếu tất cả những đề xuất này thành hiện thực, chắc chắn giá xe trong nước sẽ có điều kiện giảm hơn nữa. 

Cùng với đó, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu chính sách kích cầu với ô tô, theo đó, sẽ hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay mua xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Vì vậy, năm 2020, hứa hẹn giá ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục giảm.

Trong khi đó, với xe sản xuất lắp ráp trong nước, công suất sẽ tiếp tục tăng lên. Ô tô Trường Hải nâng công suất nhà máy KIA từ 20.000 xe lên 50.000 xe/năm. TC Motor đang đầu tư một nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô mới công suất 100.000 xe/năm, hoàn thành vào 2020. Ford Việt Nam đầu năm nay mở rộng nhà máy tại Hải Dương, nâng công suất lên 40.000 xe/năm. Toyota Việt Nam đang trong quá trình đầu tư nâng công suất từ 50.000 xe lên 90.000 xe. Chưa kể VinFast đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy công suất 250.000 xe/năm.

Công suất lớn, sản lượng tăng sẽ mang tới nguồn cung dồi dào, nhiều mẫu xe mới ra đời cạnh tranh, giá xe sẽ hợp lý hơn nữa.

Trả ít hơn, dùng nhiều hơn

Với xe nhập khẩu, quy định kiểm tra chất lượng theo lô sẽ được thay thế bằng kiểm tra theo kiểu loại và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, mỗi kiểu loại xe chỉ cần lấy mẫu để kiểm tra khí thải và an toàn lần đầu tiên và chấp nhận kết quả cho các lô hàng tiếp theo, nếu không có sự thay đổi về thông số kỹ thuật. Như vậy, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ thông thoáng hơn rất nhiều.

{keywords}
Những mẫu xe giá từ 500-700 triệu đồng dự báo sẽ rất nhộn nhịp và sôi động.

Với quy định mới, xe được làm thủ tục trong 7 ngày, chi phí giảm một nửa giúp giá xe có điều kiện giảm giá. Tuy nhiên, nếu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên như đã nói thì các chi phí có giảm cũng khó bù đắp lại và giá xe sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, để cạnh tranh chỉ có cách giảm tối đa chi phí, kể cả lợi nhuận để có giá bán hợp lý hơn nữa.

Riêng với dòng xe Pick up giá sẽ tiếp tục tăng do bị điều chỉnh về thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Tài chính đã đề xuất tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe Pick up lên bằng 60% thuế suất dành cho xe con cùng dung tích xi lanh. Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải có dung tích xi-lanh từ 2.500cc trở xuống là 15%, dung tích xi lanh trên 2500cc đến 3.000cc là 20% và dung tích xi-lanh trên 3.000cc là 25%. Nếu thay đổi, các dòng xe Pick up chắc chắn sẽ bị đội giá lên cao.

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, để giữ vững thị phần, các DN sẽ phải liên tục làm mới các sản phẩm của mình. Năm 2020, xu hướng của ô tô tại thị trường Việt Nam vẫn là tăng thêm nhiều tiện ích, thiết kế trẻ trung và tiết kiệm nhiên liệu. Một loạt mẫu xe mới sắp tới ra mắt sẽ được trang bị những công nghệ mới hiện đại, giá bán lại hợp lý hơn. Cùng với đó, chất lượng dịch vụ sau bán hàng sẽ được nâng cao để cạnh tranh giành khách.

Ngoài ra, nguồn cung lớn, khiến các DN sẽ phải đẩy mạnh khuyến mãi để tăng doanh số. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Cảnh thiếu hàng, làm giá sẽ không còn nữa. Những mẫu xe nằm trong khoảng giá từ 500-700 triệu đồng sẽ rất nhộn nhịp và sôi động.

Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20-30%/năm), năm 2020, ngành ô tô Việt Nam sẽ vượt qua Philippines cả về sản xuất và bán hàng.

Năm 2019 tiêu thụ ô tô Việt Nam đạt hơn 400.000 chiếc, năm 2020 dự báo sẽ đạt từ 450.000- 500.000 xe. Nếu các chính sách ưu đãi được ban hành, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tăng trưởng mạnh và cạnh tranh kéo giá giảm, doanh số tăng.

Trần Thủy