Thông tin của Sở Công Thương cho biết tại TP.HCM, các sản phẩm của Asanzo được phân phối tại khoảng 143 điểm bán của hệ thống bán lẻ như điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Điện máy xanh,... các cửa hàng bán lẻ truyền thống (chủ yếu tập trung ở khu vực chuyên kinh doanh mặt hàng điện tử như Nhật Tảo, Hùng Vương) và các kênh thương mại trực tuyến như Shopee, Sendo, Lazada,...

Các sản phẩm mà Asanzo đăng ký sản xuất, kinh doanh là các mặt hàng điện gia dụng (như tivi thông minh, bếp hồng ngoại, bình đun nước, lò nướng, nồi cơm điện, lò vi sóng, máy xay sinh tố, bàn ủi), điện lạnh (máy lạnh, quạt, quạt làm mát) và điện tử (điện thoại di động).

Theo Sở Công Thương, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp ngày 20/10/2016.

{keywords}
Ông Tam có buổi gặp gỡ một số báo chí vào ngày 23/6 vừa qua

Cho đến nay, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM chưa nhận được đơn thư khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng về sản phẩm của Asanzo. Các hoạt động khuyến mãi sản phẩm Asanzo đều thực hiện theo thủ tục thông báo khuyến mãi theo quy định, hình thức khuyến mãi chủ yếu là "Mua hàng tặng hàng".

Sở Công Thương cho hay sẽ tiếp tục phối hợp Cục Quản lý thị trường, các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của Asanzo. 

Trước đó, Cục Hải Quan TP.HCM có văn bản trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 22/5, cho biết hiện nay chưa có căn cứ để xác định địa chỉ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng Trung Quốc cung cấp cho Asanzo là không có thật hoặc giám đốc "ảo".

Ngoài ra, Sở đã đề nghị Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao TP.HCM báo cáo cụ thể về danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao" do hội cấp cho Công ty Asanzo. 

Trước đó, vào ngày 21/6, Hội “Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao” đã tước danh hiệu của Asanzo. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội, Hội quyết định tước quyền sử dụng nhãn hiệu HVNCLC với Asanzo, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn tử tế.

Chia sẻ trên trang cá nhân mạng xã hội, bà Hạnh cho biết thêm hồ sơ kinh doanh mà Asanzo cung cấp cho Hội là không đúng với thực tế, “thể hiện sự cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của Asanzo, cũng là vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp đã cam kết khi nhận”.

Điều tra mới đây của báo Tuổi Trẻ đặt ra nghi vấn một số công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa,... về dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.

Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch tập đoàn Asanzo phản hồi rằng sản phẩm Asanzo không phải “made in Việt Nam” mà là “xuất xứ tại Việt Nam”, điều này cũng được ghi rõ trên bao bì sản phẩm.  Mới đây, tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 23/6, ông Tam cho biết đối với sản phẩm tivi, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, 30% còn lại Asanzo tự làm như: thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote.

Dũng Nguyễn