Cây trầu bà Nam Mỹ có nguồn gốc ở đâu?
Cây Trầu Bà Nam Mỹ hay còn gọi là trầu bà lá xẻ, cây Monstera, do có tên tiếng Anh là "Monstera Deliciosa", thuộc họ ráy (Araceae). Ở Việt Nam, loại cây này còn có nhiều tên gọi, như Ráy Nam Mỹ, Trầu bà lá rách, Trầu bà Cửa Sổ, Trầu Bà chân Vịt, Trầu Bà Quý Phi,...
Đây là loại cây có xuất xứ từ châu Mỹ, vậy nên các đặc tính của cây rất thích hợp để có thể sinh trưởng và phát triển tốt tại miền Nam nước ta. Đồng thời, trầu bà nam mỹ lại là cây ít gặp phải sâu bệnh gây hại nên việc chăm sóc cây cũng đơn giản hơn rất nhiều.
Sở dĩ người ta gọi trầu bà bởi lẽ nó có hình dáng giống cây trầu, thân leo với lá hình trái tim. Trầu bà có 2 loại, loại có lá xanh và loại lá đốm vàng.
Trầu bà có hoa hình mo và cuống ngắn, với hình dáng và cách phát triển dạng thân leo nên trầu bà thích hợp với trồng trong giỏ treo để cành buông thõng trông mềm mại mà uyển chuyển. Trung bình người ta thường tiến hình tách bụi khi cây trầu bà đạt kích thước trung bình 30 cm.
Trầu bà đột biến có giá trị thực, hay chỉ là "truyền miệng"?
Cận cảnh chiếc lá của cây trầu bà đột biến. |
Trầu bà từ lâu đã được xem là loại cây đem lại may mắn, thành đạt và bình an. Được dân gian và người xưa cho là cây mang đến nhiều tài lộc, may mắn cho gia chủ. Tránh xa những điều không may mắn, xui xẻo, thị phi trong cuộc sống hàng ngày.
Vài năm trước đây, cây trầu bà xẻ lá đã được dân buôn "kháo miệng" rằng nó là dạng đột biến "cực hiếm" của cây trầu bà truyền thống, và gây sốt một thời. Mức giá cho một cây trầu bà đột biến có thể gấp hàng trăm lần so với giá trị thực.
Tuy nhiên tới nay, biến thể này được xác định thật ra chỉ là cây trầu bà gốc Nam Mỹ, với đặc điểm chung là có những chiếc lá xẻ giống những lát phô mai của Thụy Sỹ và không quá khó tìm mua.
Cây trầu bà đột biến nguyên lá màu trắng. |
Gần đây dân buôn cây cảnh "rạo rực" với những dạng đột biến của trầu bà Nam Mỹ, được cho là vô cùng hiếm như lá xuất hiện những mảng màu vàng và trắng, thay vì màu xanh như bình thường.
Bên cạnh đó, còn có thông tin cho rằng giống trầu bà đột biến này hầu như không thể nhân giống, nên các nhà sưu tập sẵn sàng trả số tiền cao để sở hữu chúng.
Tuy nhiên theo tham khảo từ một số chuyên gia về cây cảnh, đa số đều cho rằng trầu bà Nam Mỹ, cũng như trầu bà gốc Việt, vẫn có thể được nhân giống một cách bình thường, chủ yếu bằng phương pháp giâm cành (kie), như đa số loại cây cảnh khác.
Một số chuyên gia sớm nhận định rằng cơn sốt trầu bà Nam Mỹ đột biến có nhiều điểm tương đồng với cây lan đột biến - trào lưu đã khá quen thuộc với người chơi cây cảnh, và từng mang đến cái kết là cả người trồng lẫn người kinh doanh đều thua lỗ nặng khi "bong bóng" vỡ.
Bên cạnh đó, những giao dịch "tiền tỉ" được nhắc đến của trầu bà Nam Mỹ cũng chỉ được thực hiện trên mạng, không có sự kiểm chứng và tính minh bạch, nên khó được xem là chuẩn mực về giá trị thực của giống cây này. Do đó, nhà đầu tư không nên chỉ vì lòng tham, thấy người khác có lợi nhuận mà chạy theo.
Cây trầu bà có độc không?
Bên cạnh giá trị sưu tầm, trầu bà có rất nhiều tác dụng như tạo sự bắt mắt, tươi mát cho không gian, hấp thụ khí độc như khói thuốc, khí thải động cơ và máy lạnh... Nó giống như một chiếc máy lọc không khí mini trong gia đình.
Không chỉ như vậy, cây trầu bà còn là một vị thuốc giúp hỗ trợ chữa bệnh thận. Bài thuốc này được sử dụng khá nhiều trong y học cổ truyền bởi tính an toàn, hiệu quả mà cây đem lại.
Tuy nhiên, nếu trong nhà bạn có trẻ em hoặc thú cưng thì cần cân nhắc để tránh em bé hoặc thú cưng ăn phải cây, dẫn đến những điều không mong muốn.
Lý do là bởi cây trầu bà vẫn mang trong mình chất Calcium oxalate. Đây là chất gây tiêu chảy và buồn nôn, gây bỏng rát niêm mạc nhẹ khi ăn phải. Khi trồng nên nhắc nhở và để xa tầm tay của trẻ nhỏ, để tránh gây tổn thương đáng tiếc.
(Theo Dân Trí)