Năm 2018, anh Tùng và chị Huyền kết hôn. Tuy nhiên, sau cưới, vợ chồng anh Tùng vẫn phải đi thuê trọ căn phòng nhỏ ở Văn Quán, Hà Đông với giá 2,5 triệu đồng/tháng. “Mỗi tháng ngoài tiền phòng trọ, điện nước ra cũng mất gần 3 triệu đồng. Chưa kể, hai vợ chồng ăn tiêu, sinh hoạt, xăng xe,... mỗi tháng tiêu hết khoảng 10 triệu đồng”.

Trong khi đó, thu nhập của vợ chồng anh Tùng mỗi tháng chỉ khoảng 15 triệu. Thời kỳ đầu sau cưới, anh Tùng để ra được 5 triệu/tháng. Tuy nhiên, vài tháng sau, từ ngày chị Huyền có bầu và sinh con, do thường xuyên phải thăm khám, bồi dưỡng nên số tiền lương 15 triệu/tháng cũng hết sạch. 

“Coi như mỗi tháng nhà mình chẳng để ra được đồng nào. Song mình cũng có cổ phẩn đồng thời tham gia các dự án làm thêm ở một công ty của người bạn nên hàng tháng mình được chia cổ tức thêm khoảng 10-12 triệu đồng nữa. Tính ra 1 năm cũng có hơn 100 triệu tiền cổ tức này. Ngoài ra, vợ chồng mình chẳng có nguồn thu nhập nào khác”, anh Tùng kể.

{keywords}
Vì khao khát có nhà riêng thoát cảnh ở trọ, vợ chồng anh Tùng quyết định mua chung cư khi trong tay chỉ có 200 triệu đồng

Dù chưa có nhiều tiền nhưng vợ chồng anh Tùng luôn khao khát được sở hữu một căn nhà chung cư để an sinh. Vì thế, sau cưới 6 tháng, vợ chồng anh Tùng quyết định chọn mua căn nhà chung cư 70m2, 2 phòng ngủ với giá 1,5 tỷ đồng ở khu vực Vạn Phúc, Hà Đông khi trong tay chỉ có đúng 200 triệu đồng.

“Đó là tiền hồi môn sau cưới và tiền tiết kiệm vợ chồng để dành được. Bố mẹ hai bên cũng hỗ trợ thêm 300 triệu nữa. Vì thế, hai vợ chồng có 500 triệu. Số tiền 1 tỷ còn lại, mình phải vay ngân hàng hoàn toàn trong thời hạn 20 năm với lãi suất 10,5%/năm.

“Tụi mình vay ngân hàng trong vòng 240 tháng với lãi suất ưu đãi trong 12 tháng đầu tiên là 8,29%/năm, lãi suất sau thời gian ưu đãi là 10,5%/năm. Tổng số tiền lãi và gốc mình phải thanh toán hàng tháng cho ngân hàng khoảng 12,4 triệu đồng. Mình nghĩ mỗi tháng có tiền cổ tức và tư vấn thêm, ngoài ra vợ chồng cố tiết kiệm 5 triệu/tháng thì việc trả nợ cũng trong tầm tay”.

Sau khi mua, vợ chồng anh chuyển về sinh sống tại căn hộ. Hàng tháng, anh Tùng không phải mất tiền thuê trọ nữa nên tiết kiệm được 5 triệu đồng. Cộng với tiền cổ tức và làm thêm, anh Tùng cũng đủ trả tiền ngân hàng.

Song, vừa nhận nhà được 5-6 tháng thì cậu con trai mới sinh lại bị vàng da bệnh lý. “Ban đầu vợ chồng tôi cứ nghĩ con vàng da sinh lý vì vẫn bú và ngủ tốt nên không nghĩ lại nguy hiểm đến vậy. Đưa vào viện khám thì con bị vàng da bệnh lý, kèm lá lách to do bị nhiễm trùng. Việc điều trị của con hàng ngày khá tốn kém. Vợ chồng mình cố gắng tằn tiện song không đủ, phải vay mượn thêm của người thân, họ hàng hơn trăm triệu đồng”. 

{keywords}
Cuối cùng, vợ chồng anh phải bán nhà để trả nợ và tất toán với ngân hàng (ảnh minh họa)

Chưa kể, cổ tức mỗi tháng của anh Tùng cũng không cố định vì phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. “Mỗi tháng cầm cổ tức và làm thêm thì mới biết chính xác được con số bao nhiêu. Có tháng thì được 5-7 triệu. Có tháng được 10 triệu, 12 triệu. Vì thế việc trả ngân hàng cũng trồi sụt. Có tháng mình phải vay mượn thêm đồng nghiệp, người thân để trả ngân hàng, có tháng thì đủ trả. Nói chung mệt mỏi vô cùng vì mua nhà xong, nợ cứ chồng nợ”.

Có những lúc ngân hàng thúc giục, người thân đòi nợ khiến anh Tùng như kiệt sức phải giật gấu vá vai khắp nơi. Lúc nào vợ chồng anh cũng căng thẳng về tiền bạc. Nhiều lúc không biết xoay đâu tiền, anh phải vay lãi ngày để trả nợ ngân hàng. Cuối cùng, sau hơn một năm mua chung cư, vợ chồng anh Tùng quyết định bán nhà để trả nợ.

“Khi rao bán chung cư, chúng tôi chỉ bán được 1,5 tỷ đúng bằng giá thời điểm mua. Khách đến xem nhà đều không trả hơn vì bảo ở chung cư càng ở càng xuống cấp. Hơn nữa, chung cư lại ở Hà Đông nên việc đi lại vào thành phố chưa tiện lắm. Dù không được giá nhưng mình vẫn quyết bán để trả nợ ngân hàng và để không phải căng thẳng vì tiền bạc”, anh Tùng thú nhận.

Có tiền bán nhà, anh Tùng tất toán nốt cho ngân hàng. Anh cũng trả nợ người thân tiền vay mượn chữa vàng da cho con và vay mượn trả ngân hàng thêm khoảng 140 triệu nữa.

“Sau khi trả hết nợ ngân hàng và người thân, tiền thừa còn lại, mình để đó phòng những biến cố hoặc lấy đó làm vốn làm ăn sau này. Giờ nghĩ tới chuyện mua nhà mình vẫn còn hãi. Vợ chồng đúng là quá liều lĩnh mua nhà khi chưa lên kế hoạch trước, chưa có phương án dự phòng về tiền bạc. Do đó, việc bị vỡ trận và phải bán đi sớm trả nợ là điều khó tránh”.

Nhìn lại hành trình mua nhà quá ngắn ngủi của mình, anh Tùng cho rằng, trước khi ra quyết định cần tính toán tài chính thật kỹ. Số tiền mua nhà phải là số tiền đã có trong tay, chứ không phải là số tiền sắp nhận được hoặc chưa chắc chắn. Đặc biệt, phải tính được các phương án dự phòng cho các trường hợp biến cố có thể xảy ra, có như vậy mới không gặp rủi ro và mệt mỏi vì nợ nần.

Thảo Nguyên