Mấy ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm về vụ giám đốc Công ty TNHH Ðại An ở thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh là Nguyễn Ngọc Minh (Minh “sâm”), trùm “xã hội đen” vừa bị bắt. Nghe tin này, hẳn nhiều người sẽ nhớ lại rằng, 4 năm trước, Nguyễn Ngọc Minh đã từng được vinh danh trong số 1.000 doanh nhân tiêu biểu của cả nước tại Ðại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Từng vào tù ra tội bởi những hoạt động phi pháp, Minh “sâm” trở lại với cộng đồng và “án binh bất động” mấy năm, sau đó bệnh giang hồ lại tái phát. Y tập hợp đám đàn em gồm những phần tử “oi khói” để thao túng trên địa bàn. Với hàng loạt việc làm ngang trái, bất chấp luật pháp nhưng y vẫn nhởn nhơ tồn tại suốt thời gian dài. Trớ trêu thay, dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cả nước bình chọn được 1.000 doanh nhân tiêu biểu để vinh danh thì y cũng lọt vào danh sách đó.
Lâu nay, có những người được nhận danh hiệu gì đó thường bị dư luận xì xào bàn tán bởi cái sự bất minh đằng sau cái danh hiệu họ được trao. Trước hết bởi bản thân người đó chưa xứng đáng được nhận vinh dự đó so với người khác; thứ hai là có nhiều điều mờ ám trong quy trình xét duyệt. Ðối với Nguyễn Ngọc Minh cũng vậy. Ðến bây giờ, khi y đã bị cơ quan pháp luật bắt giữ thì dư luận càng thấy rõ hơn cái danh hiệu doanh nhân tiêu biểu của y là cái danh hão!
Trùm xã hội đen Minh “sâm” |
Nhưng vấn đề sâu xa hơn cần phải bàn tới là tại sao Nguyễn Ngọc Minh lại lọt được vào cái danh sách 1.000 doanh nhân tiêu biểu ấy? Cả nước có hàng vạn doanh nhân, phải qua khâu sàng lọc từ cơ sở, sự thẩm định của các cơ quan chức năng và có sự thẩm định của chính quyền địa phương nữa thì người được vinh danh mới được công nhận. Vậy ở đây rõ ràng là có sự bao che, dung túng để cố tình phê duyệt một bản hồ sơ của doanh nhân như Ngọc Minh đưa lên. Cũng không loại trừ trường hợp Ngọc Minh đã “mua” được sự im lặng, đồng lõa của các nhà chức trách.
Ðã từ lâu, mọi người vẫn nói câu cửa miệng rằng, cái gì cũng có thể mua được, không mua được bằng ít tiền thì mua được bằng nhiều tiền. Ngọc Minh thu được nhiều tiền từ những việc làm bất minh nên y đã mua danh bằng nhiều tiền là thế.
Lại một vấn đề nữa đặt ra là sắp tới, Nguyễn Ngọc Minh sẽ bị pháp luật trừng trị vì những tội lỗi mà y đã gây ra, nhưng còn chuyện danh hiệu doanh nhân tiêu biểu kia thì các cơ quan hữu quan có lật lại để truy cứu trách nhiệm những người giúp y được khoác cái danh hiệu ấy hay không? Việc này rất cần phải làm sáng tỏ để cho những doanh nhân thực sự tiêu biểu và cả xã hội phân biệt rõ vàng thau. Chắc hẳn có nhiều doanh nhân sẽ giật mình khi nghe tin Minh Sâm bị bắt và nhớ lại rằng, trong đội ngũ của mình lại có một kẻ lưu manh.
Cũng nhân đây, phải nhắc lại một điều, hơn chục năm qua, nước ta đã đẻ ra nhiều loại danh hiệu quá. Riêng với doanh nhân bây giờ cũng đã có quá nhiều danh hiệu mà khó có ai nhớ nổi. Quanh năm suốt tháng, cứ mở tivi ra là đã bắt gặp lễ vinh danh trao tặng. Rồi có doanh nhân được trao rất nhiều danh hiệu, “tuần chay nào cũng có nước mắt”, một năm mấy lần lên sân khấu để “ẵm” phần thưởng.
Lại có doanh nhân lên nhận phần thưởng mà chẳng khác gì anh “Kép Tư Bền” trong câu chuyện thương tâm mà Nguyễn Công Hoan đã kể. Ðó là những người không thích ồn ào, khoa trương thành tích; họ chỉ mong cho doanh nghiệp phát triển, đời sống công nhân ngày một nâng cao. Hơn thế, có người còn méo mặt vì được vinh danh, họ đã phải đóng góp một khoản kinh phí không nhỏ gọi là “hỗ trợ” ban tổ chức chương trình. Ðã có doanh nhân kiên quyết từ chối nhận danh hiệu để dành khoản “kinh phí hỗ trợ” kia đến cuối năm làm phần thưởng cho công nhân xuất sắc của doanh nghiệp mình.
Cách đây chưa lâu, VTV tường thuật một lễ tôn vinh doanh nhân. Một điều bất ngờ với người xem là ban tổ chức buổi lễ đó bố trí cho các doanh nhân mặc áo the, đội khăn xếp; chỉ khác các cụ ngày xưa là đi giày da bóng lộn. Có người lại bảo nom cách ăn mặc ấy chẳng khác gì mấy ông lý trưởng và chánh tổng ngày xưa mà họ thường gặp trong những vở chèo cổ. Ban tổ chức nghĩ thế nào mà lại cho doanh nhân thời nay lên sân khấu nhận vinh danh đội khăn xếp, mặc áo dài hệt như các vai diễn đóng nhân vật tri huyện, xã trưởng như thế nhỉ? Có nhiều tiền tài trợ chương trình nên họ vẽ ra lắm trò thật.
Mấy chục năm trước, trong cơ chế bao cấp, người ta thường ác cảm và đả kích giám đốc. Trên báo chí xuất hiện những biếm họa, thơ châm, bình luận coi các giám đốc ai cũng xấu, cũng là kẻ tham ô. Nhưng đến bây giờ lại chuyển sang ca ngợi, tôn vinh thái quá, nào cúp, nào giải thưởng, nào bảng vàng, doanh nhân tiêu biểu. Có những loại cúp được trao cho hàng trăm người, giải thưởng doanh nhân tiêu biểu, vinh danh bảng vàng thì nhiều lắm, mà khi xướng tên, chẳng ai biết họ có danh phận gì, tiêu biểu cái gì. Và “phong trào” trao cúp, trao giải thưởng cứ nở rộ quanh năm. Hà cớ gì những thứ danh giá như vậy mà cũng theo phong trào? Chắc chắn là cũng có lợi ích nhóm ở đó!
Trao giải thưởng cho doanh nghiệp thời nay là cần thiết, nhất là khi doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách vươn lên bằng chính tài năng sức lực của mình. Nhưng phải làm sao cho xứng đáng, sao cho người được trao cũng như người không được trao đều tâm phục, khẩu phục, để người dân cùng tham gia tôn vinh doanh nghiệp qua sản phẩm của họ làm ra, nếu không, người đời lại cho rằng, có tiền thì có hết.
“Cái áo không làm nên thầy tu”. Cái gì thực chất mới quý chứ không phải cái danh hiệu, cái áo khoác bên ngoài. Những doanh nhân, doanh nghiệp có tài, có tâm, có nhiều đóng góp cho dân, cho nước, hẳn không ai muốn tự dối mình, không ai muốn lên bục vinh quang nhận những giải thưởng không xứng đáng, đứng cạnh những người không xứng đáng. Như vậy thì họ cứ mặc comple, thắt cà vạt lên nhận phần thưởng cũng thấm nhuần tinh thần dân tộc, chứ đâu phải mặc cái áo lý trưởng!
Trở lại với chuyện Ngọc Minh và cái danh hiệu doanh nhân tiêu biểu. Minh thừa biết mình không những không đủ tư cách để nhận danh hiệu đó mà còn là trùm xã hội đen đang vi phạm pháp luật. Nhưng y vẫn rắp tâm chạy chọt để được vinh danh. Bởi Minh biết rõ giá trị của danh hiệu đó là một trong những cái “bùa hộ mệnh” của y. Có những doanh nhân làm ăn bình thường, không vi phạm pháp luật như Minh nhưng cũng cố chạy lấy cái danh hiệu gì đó để tự đánh bóng mình và lòe thiên hạ. Trong các lễ vinh danh thường có các vị lãnh đạo đảng và Nhà nước đến dự và trao tặng giải thưởng. Một số doanh nhân lợi dụng cơ hội này chụp ảnh chung với lãnh đạo rồi về phóng to, treo ở nơi làm việc và gia đình. Ai yếu bóng vía nhìn thấy đã phải kính nể. Và các doanh nhân này lấy đó làm bình phong để dễ bề làm ăn vụ lợi. Với mánh khóe này, Ngọc Minh không phải là kẻ ngoại lệ.
Chính vì những lẽ trên, việc tổ chức vinh danh các doanh nhân nên chấn chỉnh lại, giảm bớt các loại danh hiệu và cần thanh lọc kỹ càng trước khi trao. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, có như thế vàng thau mới không lẫn lộn và giá trị danh hiệu mới được trân trọng!
(Theo PetroTimes)