- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp không phải lên kế hoạch sản xuất bao nhiêu tấn lúa, tấn cá... mà là tạo ra hệ thống, khuôn khổ có thể phản ứng năng động trước những biến động, thách thức của thị trường.

Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định như vậy tại Hội nghị về Tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam, diễn ra chiều 6/6, tại Hà Nội. Ông nhấn mạnh, việc tái cơ cấu ngành cần bắt đầu từ ngay bây giờ, mà Đề án tái cơ cấu ngành chính là một cách đặt vấn đề, cách tiếp cận và định hướng đúng đắn.

Chủ động nhập cuộc

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT (IPSARD)IPSARD, nhận xét, trong điều kiện khó khăn, xuất phát điểm thấp, động lực duy nhất khiến nông nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc, có thể coi là hoàng kim trong thập niên 90, nhờ có chính sách thuận lợi. Nhưng, giải pháp này giờ đã hết tác dụng và đã đến ngưỡng. Nông nghiệp Việt Nam không bứt phá lên được như Thái Lan mà cứ phát triển “bình bình”. Chúng ta không rút được lao động ra khỏi nông nghiệp. Năng suất lao động thấp. Tăng trưởng chững lại.

Vì vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng không thể giải quyết được vấn đề nếu ngành cứ chạy theo tình huống, và cần có một giải pháp căn cơ. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Bộ xây dựng, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chính là bước “đột phá về tư duy” và “chỉ ra cách thức tạo ra động lực tăng trưởng của ngành” - bà Nguyễn Lan Hương, chuyên viên của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) tại Việt Nam, nhận xét.

{keywords}

Sau khi nêu ra những hạn chế và sự cần thiết phải tái cơ cấu, đề án đưa ra 3 phương án chiến lược phát triển ngành nông nghiệp trong tương lai. Phương án 1 là “không có sự thay đổi lớn”, chấp nhận tình trạng hiện nay. Phương án 2 là “quản lý rủi ro và cải thiện” nghĩa là vẫn giữ mô hình như hiện nay nhưng xác định được những rủi ro, thách thức mà ngành sẽ phải đối mặt. Phương án 3 là “chủ động tái cơ cấu”.

Chủ động tức là thay đổi từ trong nhận thức, không chỉ đơn giản để quản lý rủi ro mà còn có sự thay đổi trong mô hình quản lý nhà nước và đối tượng ưu tiên nguồn lực đầu tư. Phương án 3 được coi là ưu việt nhất và được ngành nông nghiệp chọn làm đích phấn đấu.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Lan Hương góp ý, đề án cần nhấn mạnh hơn đến đầu tư công của Chính phủ, làm sao để đạt 2 mục tiêu ưu tiên là mở đường cho các khối kinh tế phát triển và lưu ý đến giá trị môi trường, công bằng xã hội.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Nhà nước chỉ nên quản lý đối với cơ cấu hạ tầng, ký kết các hiệp định hợp tác quốc tế, quy hoạch hay xây dựng khuôn khổ pháp lý và ban hành các tiêu chuẩn, còn nên xây dựng các đối tác công - tư trong bảo vệ môi trường, khuyến nông, thông tin thị trường, nghiên cứu, kiểm dịch...

Mặc dù đã đưa ra được mục tiêu, giải pháp và chương trình khung tái cơ cấu các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp... song ông Lê Văn Bầm, quyền Vụ trưởng Vụ KH-CN và Môi trường (Bộ NN-PTNT) lại cho rằng, 3 vấn đề lớn được đưa ra trong đề án là tái cư cấu ngành, lĩnh vực và trong nội bộ ngành, nhưng báo cáo vẫn chưa thấy được cái mới. Chẳng hạn, phát triển cà phê, lúa gạo giờ Việt Nam nên tập trung tăng số lượng hay chất lượng (vì các nước xung quanh như Thái Lan, Myanmar, Campuchia... đang chạy theo số lượng) hay chúng ta hiện đang nhập cả triệu tấn ngô, đỗ tương, Bộ có lưu ý về sản phẩm thay thế không? Rồi việc tái cơ cấu sản xuất thuộc các vùng kinh tế trên cả nước ra sao (7 vùng) gắn liền với các sản phẩm chủ lực như thế nào, làm gì để tái cơ cấu các thành phần kinh tế...

Tạo ra guồng máy mới

Tuy thừa nhận đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới là ý tưởng tổng quát, bước đầu, chưa hoàn chỉnh, song, do tính cấp thiết của nó, Bộ trưởng Cao Đức Phát mong muốn Vụ Kế hoạch - đơn vị soạn thảo đề án - sớm hoàn chỉnh và báo cáo Bộ để trình Chính phủ ban hành trước ngày 20/6. “Tháng sau ngành xây dựng kế hoạch phát triển năm 2014, nếu không có sự điều chỉnh chúng ta lại rập khuôn theo cách cũ” ông nói.

Cũng chính vì tính cấp thiết của nó, ông yêu cầu các tổng cục, cục, vụ của Bộ phải xây dựng đề án hoặc kế hoạch tổng thể thực hiện chủ trương tái cơ cấu, “nộp bài” trước ngày 30/7. Từ đó, Bộ có căn cứ để chỉ đạo địa phương triển khai. Đồng thời, cần rà soát lại quy hoạch, trong đó dự kiến các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư cũng như những đề xuất điều chỉnh về chính sách, về cơ cấu tổ chức quản lý Nhà nước.

Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ triển khai ngay một số biện pháp cấp thiết, cụ thể như: Cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo theo hướng giảm diện tích trồng lúa vùng khô hạn (khoảng 200.000ha) để trồng ngô, đỗ tương... Thay đổi quan niệm về chính sách bảo vệ đất lúa (đất này không chỉ để trồng lúa mà hoàn toàn có thể trồng ngô, khoai, đỗ tương, rau, cây ăn quả... tuỳ theo diễn biến thị trường, miễn là không làm giảm năng lực sản xuất).

Trong chăn nuôi, tập trung giảm giá thành, tránh lỗ. Với thuỷ sản, sẽ lựa chọn, đề xuất vùng ưu tiên phát triển và giải pháp, chiến lược triển khai. Sẽ khuyến khích trồng rừng kinh tế, lấy gỗ lớn để chế biến tiêu dùng trong nước...

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp không phải đưa ra kế hoạch làm ra bao nhiêu tấn lúa, tấn cá... , mà là tạo một hệ thống, khuôn khổ có thể phản ứng năng động trước những biến động, thách thức của thị trường; tức là tạo ra một guồng máy để làm ra những sản phẩm ấy, nhằm đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường.

Ngọc Hà