Bước đầu, chủ cơ sở khai mỗi ngày sản xuất từ 60 két bia giả trở lên với các nhãn hiệu Heineken, Tiger, đem bỏ mối cho nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố.

Theo hướng dẫn của bạn đọc phản ánh, chúng tôi tìm được cơ sở sản xuất bia giả nằm trong hẻm 144 Hồng Lạc, P.11, Q.Tân Bình, do ông Võ Thành Công (44 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ xuất nhập khẩu Võ Thành Công) tổ chức. Đây là đại lý bán bia hoạt động nhiều năm; đến nay đã đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên. Phía trước cơ sở thường chất đầy thùng bia các loại; 1 chiếc xe tải, 1 xe ba gác và một số xe gắn máy sẵn sàng “xuất kích” khi khách gọi đến đặt hàng.

Công nghệ làm giả

Mất nhiều tháng trời, chúng tôi mới xâm nhập được cơ sở sản xuất bia giả này, ghi hình được công đoạn sản xuất bia Heineken, Tiger giả tại đây.

Bề ngang của căn nhà khoảng 4 m, dài 20 m, chủ cơ sở sử dụng một căn phòng kín diện tích khoảng 20 m2 để làm nơi sản xuất bia giả. Công nhân của cơ sở thuê nhà gần đó ở, cứ mỗi buổi sáng vào dọn dẹp, chở hàng đi giao, thu tiền… nhưng đến 20 giờ là tập trung vào phòng kín làm bia giả.

Căn phòng chật chội chứa toàn bia chai, vỏ chai bia và 1 tủ lạnh lớn màu đỏ chứa đầy bia chai Heineken, Tiger, Sài Gòn. Đây là nguyên vật liệu phục vụ cho việc sản xuất bia thành phẩm giả. Trong căn phòng nhỏ bốc mùi cồn nồng nặc, sàn nhà nhớp nháp, 6 nam công nhân hì hục làm việc, không bao tay, không bảo hộ lao động… Tất cả công đoạn pha trộn bia, đóng nắp chai đều diễn ra tại căn phòng chật chội này.

{keywords}

{keywords}

Trước khi pha trộn, bia đều phải được ướp lạnh 6 - 7 tiếng đồng hồ để trong lúc pha ga không nổi lên nhiều tràn ra ngoài. Công nhân ngồi trên ghế đẩu (bệt dưới sàn nhà) vây quanh hình chữ nhật. Hai công nhân ở khâu đầu tiên lấy 1 chai bia Heineken hoặc Tiger và 1 vỏ chai bia cùng loại (loại 330 ml) sang chiết làm đôi, sau đó chuyền cho 2 người của khâu kế tiếp rót bia Sài Gòn vào 2 chai bia này. Sau khi công đoạn pha trộn hoàn tất, một người khác có nhiệm vụ gắn nắp vào chai bia Heineken hoặc Tiger đã được pha trộn, chuyển qua cho công nhân cuối cùng đưa lên máy dập đóng nắp chai, rồi bỏ vào thùng bia. Thành phẩm bia giả này sẽ được đưa đi làm khô trước khi bỏ cho khách hàng.

Phá án

Khoảng 10 giờ 15 ngày 18.6, trinh sát Đội 7 (PC46) bắt quả tang Thạch Mươne điều khiển xe gắn máy chở 7 két bia chai Tiger đến giao cho một quán ăn trên đường Lý Thường Kiệt, P.9, Q.Tân Bình. Kiểm tra, Mươne không xuất trình được chứng từ, hóa đơn của số bia nói trên. Qua đấu tranh, Mươne khai nhận Võ Thành Công chỉ đạo chở số bia trên giao cho quán ăn ở Q.Tân Bình. Ngay sau đó, tiến hành khám xét đại lý bia (số 144/12 Hồng Lạc, P.11, Q.Tân Bình), trinh sát thu giữ thêm 17 két bia Heineken, 20 két bia Tiger, 18 két bia Tiger Crystal, 2 két bia Sài Gòn Lager, 1 máy dập nắp chai bia, vỏ chai, nắp chai bia các loại cùng nhiều tài liệu liên quan đến việc sản xuất bia giả.

{keywords}

Tại trụ sở công an, Công khai phương thức sản xuất bia giả bằng cách mua bia Sài Gòn nhãn xanh, cho nhân viên súc rửa vỏ chai bia Heineken, Tiger đã qua sử dụng; sau đó chiết bia thật vào 1/2 chai và rót bia Sài Gòn xanh vào đầy chai, rồi đưa qua máy dập nắp. Mỗi ngày Công sản xuất được từ 60 két bia giả trở lên với các nhãn hiệu Heineken, Tiger, đem bỏ mối cho nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố với giá: bia Tiger 235.000 đồng/két, bia Tiger bạc 255.000 đồng/két, bia Heineken 310.000 đồng/két.

Ngày 19.6, Cơ quan CSĐT công an TP.HCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Võ Thành Công, Lê Văn Tuấn (35 tuổi, ngụ Bình Phước), Đỗ Quất Chí (45 tuổi, ngụ Q.8) và Thạch Mươne (23 tuổi, ngụ Trà Vinh) để điều tra làm rõ về hành vi tổ chức sản xuất, buôn bán bia giả.

Giữa năm 2012, PC46 triệt phá cơ sở sản xuất bia Heineken giả ở H.Bình Chánh do anh em Võ Đông Sơ (42 tuổi), Võ Hoàng Giang, Võ Ngọc Ẩn tổ chức. Một số người tham gia tổ chức sản xuất bia giả ở H.Bình Chánh từng là công nhân và quan hệ bà con với Võ Thành Công. Do vậy, quy trình và cách thức sản xuất của cơ sở ở H.Bình Chánh giống hệt với công thức pha trộn của cơ sở ở Q.Tân Bình.

Cách phân biệt bia giả

Theo một số công nhân từng làm việc ở cơ sở của Công, số nắp chai bia Heineken, Tiger này được cơ sở thu mua tại các quán nhậu, nhà hàng; sau đó mang về ngâm hóa chất mua ở chợ Kim Biên để tẩy rửa, rồi sấy khô. Vỏ chai bia cũng thu gom từ các nhà hàng, quán nhậu về, sau đó dùng dung dịch cồn tráng sơ phơi khô sử dụng. “Có một đầu mối chủ động cung cấp đồ khui cho nhà hàng để nhân viên khui bia nhưng nắp chai không bị móp méo, sau đó đến thu mua số nắp chai này cung cấp cho các cơ sở sản xuất bia giả”, một công nhân tiết lộ.

Cũng theo công nhân này, để nhận biết bia giả, khách hàng nhìn kỹ vào nắp chai bia đa số bị trầy xước (do máy dập nắp chai thô sơ dập), móp méo, cũ kỹ; ga của bia giảm đi rất nhiều. Đáng chú ý, bia giả phải được tiêu thụ liền trong một thời hạn ngắn, nếu không dễ bị hư. Do trước khi làm giả, bia được ướp lạnh nên hơi lạnh bốc ra đọng nước ngoài vỏ chai, trong lúc pha trộn có thể chảy vào chai bia dẫn đến không đảm bảo chất lượng như Heineken thật. Thêm vào đó, trong quá trình súc rửa chai có thể lau chùi không kỹ vẫn còn tạp chất bám bên trong… Các nguyên nhân trên khiến bia không thể để lâu được cho nên cơ sở này làm bao nhiêu là tiêu thụ bấy nhiêu. “Có không ít lần, khách hàng (nhà hàng, quán nhậu) đem bia bị chua, bốc mùi hôi, có cả dòi, lên đại lý đổi lại. Chủ cơ sở sẵn sàng đổi mà không dám nói gì”, công nhân này nói.

Số bia giả này sẽ được trà trộn vào bia thật để mang đi bỏ mối cho các quán nhậu, nhà hàng, karaoke ở các quận: 5, 10, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận…

(Theo Thanh niên)