- Bức tranh nông nghiêp, nông thôn đang trở nên ảm đạm, nông dân phải “thắt lưng buộc bụng” để sống bởi mức thu nhập và chi tiêu ngày càng sụt giảm bởi họ ngày càng phải chịu nhiều hơn các “cú sốc” từ thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường.
Làm thế nào để bức tranh nông thôn tươi sáng hơn, nông dân vượt qua được các “cú sốc”, thoát nghèo vì thế trở thành chủ đề nóng tại hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực gia đình”, được tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Thu nhập teo tóp dần
Kết quả điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Ipsard) thực hiện từ 2006 -2012, tại 12 tỉnh thành trên cả nước cho thấy, thu nhập và chi tiêu của các hộ nông thôn tăng mạnh, đạt 13 triệu đồng/người (trong số các hộ được khảo sát năm 2010), song lại giảm chỉ còn 12,7 triệu đồng/người (năm 2012). Tỷ lệ hộ nghèo không giảm, thậm chí số hộ tái nghèo còn tăng.
Thu nhập từ nông nghiệp đang sa sút do người nông dân đang phải chịu đựng những cú sốc: từ khách quan có thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường... chưa kể chủ quan do tình trạng sức khoẻ, mất việc, mất đất... khiến nông dân điêu đứng, xoay trần ứng phó.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách cho biết, như số liệu điều tra của Ipsard, hiện có 50% số hộ gia đình nông thôn chịu “cú sốc” về thu nhập; tình trạng suy thoái kinh tế khiến giá nông sản giảm mạnh đã gây ra những “cú sốc” khiến nhiều hộ nông dân khó vượt qua.
Theo ông Tuấn, các “cú sốc” mà người nông dân đang phải chịu rất đa dạng như từ thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường; ốm đau, trong gia đình có người qua đời, mất việc, mất đất, gánh nặng của các khoản đóng góp... Trung bình mỗi “cú sốc” gây thiệt hại 15-20 triệu đồng/hộ/năm. Mỗi khi gặp nạn, họ phải dùng đến những khoản tiền tích lũy, bán tài sản, rút về các khoản gửi tiết kiệm. “Thực tế, với số vốn tích lũy của hộ gia đình nông thôn hiện nay chỉ 5-8 triệu đồng/năm, có khi không đủ cho một lần đi viện, nên họ phải vay mượn từ người thân và bạn bè hoặc tín dụng. Vì vậy, có tới 45% số hộ nông dân cho biết họ đang phải nợ nần”.
Trong khi đó, hỗ trợ của chính quyền cho các hộ khi gặp cú sốc rất hạn chế. Lẽ ra, khoản tiền bảo hiểm phải là cách thức ứng phó tốt nhất cho các “vận đen” này, thế nhưng hầu hết nông dân lại chưa mua bảo hiểm, đặc biệt loại hình bảo hiểm nông nghiệp - ông Tuấn cho hay.
Để ứng phó với những cú sốc này, các hộ nông dân buộc phải cắt giảm chi tiêu. Tỷ lệ này chiếm tới 61,% ở nhóm nghèo nhất và 43,7% đối với nhóm giàu nhất. Bán đất, vay tiền, cầu cứu sự trợ giúp từ người thân, bạn bè... cũng là các giải pháp người nông dân dùng để chống đỡ các cú sốc.
Vì nghèo khó nên số tiền tích lũy được hàng năm của hộ gia đình nông thôn hiện rất thấp, chỉ khoảng 5-8 triệu đồng/hộ/năm, chiếm từ 10-15% thu nhập của hộ, phòng khi có rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, tuổi già. Rất ít tiết kiệm được giữ cho mục đích đầu tư, chỉ chiếm 15% tổng số hộ điều tra.
Điều đáng chú ý, mức độ khó khăn ngày càng tăng lên với hộ nghèo. Theo số liệu điều tra, trên 50% số hộ được điều tra phải vay nợ tín dụng. Tuy nhiên, số tiền nợ chủ yếu từ vay tư nhân, còn nguồn vay từ ngân hàng chỉ chiếm khoảng hơn 13%. Nhiều ý kiến cho rằng, tín dụng chính thức không giúp gì nhiều cho những hộ gia đình nông thôn giải quyết khó khăn.
Nhìn nhận về mức độ tăng thu nhập của hộ gia đình nông thôn đang giảm dần trong những năm trở lại đây, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng - cho biết: “Càng về sau, đặc biệt cuộc điều tra năm 2012, cho thấy tốc độ tăng về thu nhập của người nông dân càng ngày càng giảm, đặc biệt khó khăn diễn ra ở những nhóm nghèo nhất”.
Một tỷ lệ lớn nông dân đang phải “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu trong cuộc sống, nhất là nhóm dân tộc thiểu số. Cho thấy, tác dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa cao.
Cách nào giúp nông dân?
Tại hội thảo, không ít ý kiến đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong những chính sách hỗ trợ nông dân hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Vỹ, Phó Chủ tịch Hội nông dân Sóc Sơn (Hà Nội), nêu quan điểm: Nhà nước đã có rất nhiều chính sách, nhưng cần cụ thể hóa các chính hóa chính sách này, đặc biệt các chính sách phải đến với người nông dân.
“Ngoài ra, chúng ta cần phải tăng cường dịch vụ, tích cực điều tra thị trường, phòng chống hàng giả, nhất là với giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Có như vậy người dân mới có thể yên tâm sản xuất”, ông Vỹ nói.
Còn ông Nguyễn Thế Dũng, đại diện đến từ Ngân hàng Thế giới nói: Cần phải làm rõ trong số 26% hộ dân mất đất trong báo cáo nghiên cứu thì chính sách hỗ trợ như thế nào để sinh kế của người dân vẫn được đảm bảo. Thực tế cho thấy, nông dân đang nghèo đi, thời kỳ phát triển dễ dàng đã qua, giờ là thời kỳ khó khăn cần phải hỗ trợ nông dân nhiều hơn.
Theo ông Dũng, trong những chính sách hỗ chợ cho nông dân, cần làm rõ những chính sách nào đang hoạt động, chính sách nào không hoạt động, chính sách nào hướng đến người nghèo... Nếu không làm rõ vấn đề này, rất có thể xảy ra tình trạng chồng chéo chính sách, chính sách giúp cho người nghèo nhưng lại nhầm sang người giàu.
Riêng ông Phạm Quốc Doanh thì lại cho rằng các báo cáo nghiên cứu của Ipsard chỉ ra hàng loạt rủi ro nhưng lại thiếu một rủi ro quan trọng nhất đó là rủi ro về cơ chế chính sách. Theo ông Doanh, trong thời gian vừa qua có nhiều chính sách kiểu như chó chính chủ, xe chính chủ, thịt bán không quá 8 tiếng...
“Với nông dân, đừng ngồi bàn giấy, phòng lạnh để ra chính sách, nông dân thiệt thòi lắm. Những người làm chính sách phải xuống với dân, lắng nghe ý kiến của dân. Thị trường thì suốt 10 năm qua bà con luôn “cuốn theo chiều giá”. Giá lên thì chạy theo, giá xuống thì thiệt, bà con thiệt thòi đủ đường”, ông Doanh nói thêm.
Bảo Hân