Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp nợ nần chồng chất, không có khả năng thanh toán dẫn đến tình trạng làm liều bán trộm hàng hóa thế chấp cũng như chây ỳ, lảng tránh tìm mọi cách không chịu trả nợ ngân hàng.
Theo các chuyên gia, tình trạng nợ xấu của các ngân hàng gia tăng một phần do các ngân hàng nới lỏng, thậm chí dễ dãi bỏ qua các tiêu chuẩn quy định để cho các doanh nghiệp vay tiền. Cũng có không ít doanh nghiệp chủ động tìm mọi cách khai thác các lỗ hổng tín dụng của ngân hàng để chiếm đoạt vốn, tìm mọi cách không chịu trả tiền vay.
Mắc kẹt với nợ khó đòi
Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp nợ nần chồng chất, không có khả năng thanh toán dẫn đến tình trạng làm liều bán trộm hàng hóa thế chấp cũng như chây ỳ, lảng tránh tìm mọi cách không chịu trả nợ ngân hàng. Trao đổi với PV, đại diện Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) cho biết, cũng đang mắc kẹt với trường hợp Công ty Sunhome, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gia dụng dùng gas, chây ì, chiếm dụng vốn vay lên tới hơn 13 tỷ đồng.
Do hoạt động kinh doanh khó khăn, công ty trên phải thế chấp bằng hàng hóa là các thiết bị nhà bếp như bếp gas, bếp điện từ, máy hút khói, máy rửa chén, nồi cơm điện, chảo chống dính, lò nướng....
Ngân hàng phải cử nhân viên, thuê công ty bảo vệ canh chừng hàng hóa của Inox châu Âu (Hà Tây) đề phòng công ty bán trộm hàng thế chấp. |
Sau khi có thông tin khách hàng đang gặp khó khăn, nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện thu hồi vốn, Maritime Bank đã thực hiện gia hạn nợ quá hạn cho doanh nghiệp này tới 28/2/2013 đồng thời điều chỉnh lãi suất và xem xét tái hỗ trợ vốn khi công ty có phương án kinh doanh khả thi.
Tuy nhiên, đến nay, dù được cơ cấu nợ nhiều lần, gia hạn lãi vay nhưng Sunhome vẫn “lờ” chuyện trả nợ theo cam kết, bất hợp tác với Maritime Bank trong việc xử lý tài sản thế chấp đang ngày càng xuống giá do “lỗi mốt” để làm khó chủ nợ.
“Các cán bộ tín dụng của ngân hàng đã liên hệ với lãnh đạo công ty để tìm hiểu vụ việc và tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn nhưng Tổng giám đốc của Sunhome là ông Ngô Ngọc Long không hề hồi âm. Tìm đến trụ sở công ty ở 168E, đường D2, phường 25, quận Bình Thạnh, nhân viên ở đây chỉ cho biết tổng giám đốc chưa đến hoặc không có ở công ty. Các nhân viên cũng không cho biết thêm thông tin gì”, một lãnh đạo của ngân hàng cho biết.
“Khi tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sụt giảm nhanh chóng, vòng quay vốn chậm lại nhưng việc phải tiếp tục duy trì trả nợ, trả lãi cho các ngân hàng rồi với một loại chi phí sản xuất, kinh doanh khác … dẫn đến doanh nghiệp nhanh chóng rơi vào tình trạng tê liệt. Vì lòng tham phát triển nóng doanh nghiệp đã tự đẩy mình vào thế khó”, một chuyên gia phân tích. |
Lần tìm thông tin qua các đối tác của Sunhome, cán bộ ngân hàng được biết công ty này hiện đã thành lập công ty khác tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương chuyên phân phối sản phẩm bếp gas và thiết bị nhà bếp mang thương hiệu Sunhome. “Việc làm này của Sunhome có khả năng là để mở công ty mới nhằm chiếm dụng vốn của các ngân hàng và đối tác. Thời gian qua, Sunhome vẫn xuất kho bán hàng là chính những các sản phẩm đã thế chấp cho chi nhánh một ngân hàng khác ở Phú Nhuận”, đại diện ngân hàng Maritime cho biết
Đại diện một ngân hàng TMCP có trụ sở ở TPHCM cũng cho biết, đang gặp khó khăn và phải nhờ cơ quan pháp luật can thiệp để đòi số nợ quá hạn từ gần một năm rưỡi nay với tổng số tiền gốc và lãi lên tới hơn 97,8 tỷ đồng mà Công ty Cổ phần Giấy Minh Thắng (quận 11, TPHCM) đang nợ của ngân hàng này. Không chỉ bị doanh nghiệp nợ tiền dây dưa không chịu thanh toán, ngân hàng này còn bị chính một ngân hàng khác chây ỳ, dây dưa không thanh toán hợp đồng bảo lãnh với tổng số nợ lên tới hơn 400 tỷ đồng. Vụ việc cũng đã phải đưa ra tòa để nhờ can thiệp.
Không chỉ chây ỳ không chịu trả tiền cho ngân hàng, nhiều doanh nghiệp còn dùng chiêu bán trộm tài sản thế chấp của ngân hàng rồi biến mất. Mới đây nhất, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM đã phải phát thông báo truy tìm giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trâm Cường vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng BIDV-chi nhánh Bắc Sài Gòn. Theo đó, sau khi ký hợp đồng và được giải ngân 8 tỷ đồng, lãnh đạo doanh nghiệp này đã bán hết toàn bộ hàng nhưng không chuyển tiền thu được về tài khoản tiền gửi mở tại ngân hàng và cũng không hoàn trả số tiền giải ngân theo thỏa thuận. Với hình thức này, Công ty TNHH Trâm Cường chiếm đoạt của Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bắc Sài Gòn số tiền 6,5 tỷ đồng.
Chết vì phát triển nóng
Trao đổi với PV, một lãnh đạo ngân hàng đề nghị không nêu tên nhận định, việc doanh nghiệp cố tình chây ỳ để gây sức ép với chủ nợ, khiến họ phải xuống nước (giảm nợ, gia hạn, thậm chí tái hỗ trợ vốn...) là việc khá phổ biến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, cách làm này là bước đi sai lầm, bởi nếu ngân hàng đưa vụ việc ra tòa khởi kiện đòi nợ hay nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất bởi mất uy tín, bị đối tác, các nhà bán lẻ “ép” trong lúc khó khăn, dễ dẫn đến cái chết của một thương hiệu tốt.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, việc một số doanh nghiệp Việt Nam sau một thời gian phát triển ban đầu tốt đã đặt mục tiêu tăng trưởng một cách nhanh chóng bằng việc mạo hiểm sử dụng nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp chiếm đến 70-80% từ nguồn vốn vay các ngân hàng.
(Theo Tiền phong)