- Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính báo cáo gấp về thông tin việc đưa mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung làm cho giá sữa tăng cao như phản ánh mới đây trên báo chí.

Yêu cầu này của Thủ tướng được đặt ra khi vấn đề giá sữa tăng đã gây bức xúc lâu nay chưa được giải quyết thì một quy định của Bộ Y tế đã khiến hàng loạt mặt hàng sữa được chuyển thành sản phẩm dinh dưỡng. Và bằng cách này, mặt hàng này đã lọt khỏi danh sách bình ổn giá để tha hồ tăng mà Bộ Tài chính phải bó tay.

Công bố mới đây của hải quan về giá sữa ngoại tháng 7 đã khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng: Sữa Netsle Kinder nhập 105.500 đồng, bán giá 950.000 đồng, sữa Similac Go&Grow nhập cũng 105.500 đồng, bán giá 670.000 đồng. Rẻ nhất là sữa Enfatoodler nhập 84.400 đồng nhưng cũng bán 590.000 đồng.

{keywords}

Từ trước tới nay, sữa công thức cho trẻ em đều có nồng độ đạm chỉ trong khoảng 10-17%. Nhưng quy định mới của Bộ Y tế lại yêu cầu, nồng độ đạm phải đạt 34% mới được gọi là sữa. Thế là, hàng loạt sữa công thức quen thuộc bỗng dưng biến thành “thực phẩm dinh dưỡng bổ sung…”.

Điều này cũng khiến cho quan chức Bộ Tài chính đau đầu bất lực vì có tới 14 trên tổng số 18 DN trước đây bán sữa, nay đã báo cáo đã biến thành “sản phẩm dinh dưỡng”. Và khi không còn là “sữa’ thì các sản phẩm có tên gọi mới kia nghiễm nhiên ra khỏi danh sách mặt hàng bình ổn giá.

Kéo theo, các hãng sữa không cần phải khai báo giá, đăng ký giá trước khi điều chỉnh giá. Bộ Tài chính cũng hết “công cụ” để nội soi giá vốn, giá thành trước mỗi lần tăng giá, do đó, cũng khó mà can thiệp ‘tuýt còi”, không cho tăng.

Thực tế, vấn đề sữa tăng giá một cách liên tục và phi lý đã khiến người tiêu dùng bức xúc và cơ quan quản lý lúng túng. Sau rất nhiều suy tính và tránh cãi, một phương án khả dĩ để quản lý giá sữa là đưa mặt hàng này diện phải bình ổn và các hãng sữa phải đăng ký khi tăng giá. Tuy nhiên, quy định mới này của Bộ Y tế đã vô hiệu hóa điều này. Các hãng sữa năm nào cũng tăng giá 5 – 7 lần, nhập 1 mà bán đắt 5 – 6 lần nay càng đượ thể làm tới.

Trước thực tế này, đại diện của Bộ Tài chính đang “đổ lỗi” cho Bộ Y tế vì sang tên đổi họ, còn đại diện Bộ Y tế thì vẫn quả quyết, mọi sự là phải theo “quy chuẩn”. Tất nhiên, khi dư luận quá ồn ào, một chiến dịch thanh kiểm tra sữa ngoại cũng đã được tiến hành từ ngày 15/8. Mới đây nhất, vấn đề này đã lên đến Thủ tướng và người đứng đầu chính phủ đã yêu cầu phải báo cáo gấp.

Giá rồi vẫn cứ tăng?

Từ nhiều năm nay, giá sữa năm nào cũng tăng ít thì vài lần, nhiều thì 5 – 7 lần. Mỗi khi có đợt tăng giá, Bộ Tài chính thường ráo riết lên chiến dịch thanh kiểm tra. Nhưng mọi sự quyết tâm làm cho ra nhẽ, vạch trần những bất hợp lý trong giá bán luôn chỉ ra kết quả, giá sữa tăng luôn… có lý do như giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, chi phí bao bì, thay đổi nhãn mác phát sinh lớn, rồi chi phí quảng cáo lớn… Điều này đã nên quá nhàm khiến người dân quá chán mỗi khi có báo cáo về giá sữa.

{keywords}

Một nỗ lực trong việc làm rõ giá sữa của Bộ Tài chính được nhớ tới nhiều nhất là kết quả thanh tra từ cách đây 3 năm. Tháng 12/2009, Bộ Tài chính đã công bố, nguyên nhân giá sữa cao là do chi phí bán hàng quá lớn, thường chiếm từ 60-80% chi phí giá thành sữa. Trong đó, chi phí quảng cáo tiếp thị quá cao.

Công ty Nestle có chi phí quảng cáo tiếp thị lên tới 27-38% chi phí kinh doanh. Công ty Mead Johnson Nutrition có chi phí quảng cáo tiếp thị tới 36- 53%. Ngay cả công ty phân phối cho sữa Mead Johnson Nutrition là công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến cũng có chi phí tiếp thị quàng cáo tới 42%.

Các công ty luôn đưa ra lý do đơn giản là tăng quảng cáo để cạnh tranh. Trong khi đó, ở Việt Nam, chi phí dành cho quảng cáo khống chế 10%, nhưng cũng trở nên vô nghĩa với các hãng sữa.

Những khuyến nghị yếu ớt được Bộ Tài chính đưa ra khi đó như các công ty tiết giảm giá thành, giảm chi phí bán hàng, quảng cáo để giảm giá sữa. Nhưng rốt cục, giá sữa tăng vẫn cứ tăng.

Đế tháng 2/2012, công ty sữa Nestle đã bị Bộ Tài chính tuýt còi kế hoạch tăng giá đối với 2 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là PRE NAN B NW026-1 12x400g VN và NAN AL 110 DS082-4 12x400g VN. Lý do là bởi giá nhập khẩu không tăng, có mặt hàng còn giảm giá. Khi đó, chỉ có mặt hàng sữa NAN HA NWHB019-4 12x400 g VN được tăng 12% do giá nhập khẩu sữa tăng 25% dẫn đến giá vốn nhập khẩu tăng 16%,

Tuy nhiên, đây chỉ là một kết quả hiếm hoi. Còn lại, các nhà nhập khẩu vẫn có đủ lý do và vô tư tăng giá khi muốn.

Từ nhiều năm nay, dù chính sách thuế nhập khẩu của Việt Nam ổn định, dù giá nhập khẩu có lúc thấp, giá vốn giảm nhưng giá bán lẻ sữa vẫn cứ tăng. Nhiều chủ hàng bán lẻ đã xác nhận, cứ đầu năm là các công ty sữa tăng giá và từ đầu năm 2013 đến nay, giá sữa đã tăng 3 lần.

Và việc ban hành “quy chuẩn sữa” của Bộ Y tế như một “cú hích” nhỏ, giúp cho các hãng sữa “tung hoành” mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, hồi tháng 7, Ủy ban Phát triển cải cách Trung Quốc đã công bố điều tra 9 công ty sữa về hành vi độc quyền giá. Kết quả, 6 công ty sữa nổi tiếng, trong đó, nhiều nhãn hiệu quen thuộc ở Việt Nam là Mead Johnson, Abbott, Dumex, Friesland, Fonterra và Biostime của Trung Quốc đã bị chính quyền nước này phạt 108 triệu USD vì thao túng giá.

Ở Việt Nam, hành lang pháp lý khá đầy đủ, có nhiều bộ ngành cùng tham gia quản lý nhưng các hãng sữa cứ muốn là tăng, còn cơ quan quản lý luôn đi sau để chỉ ra sự hợp lý của mỗi lần tăng giá. Và nay, thêm quy chuẩn mới của Bộ Y tế, việc quản lý thị trường sữa đã khó lại thêm rối. Và trước thực tế này, có lẽ, các hãng sữa lại cười khẩy và vui mừng khi được tự do tăng giá.

Phạm Huyền