Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng chất NPE vì có ảnh hưởng tới hệ hoóc môn, hệ thần kinh con người. Đã cấm sử dụng nhưng nhà sản xuất biết mà vẫn dùng là phạm luật
Áo quần trẻ em xuất xứ Trung Quốc nhãn mác toàn chữ nước ngoài bày bán ở TP.HCM - Ảnh: Hoàng Việt |
TS Trần Hồng Côn, bộ môn công nghệ hóa học, Khoa Hóa học (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), kết quả phân tích cho thấy một nửa số mẫu chứa NPE - hợp chất gây rối loạn hoóc môn, 90% số mẫu dương tính với antimon - chất được dùng trong công nghệ sản xuất đạn dược có độc tính gần giống thạch tín và có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, chất phthalate gây giảm lượng tinh trùng, vô sinh ở nữ giới và dị dạng cơ quan sinh sản hiện diện với nồng độ cao trong 2 mẫu. Chưa hết, một mẫu được phát hiện chứa PFC, một nhóm hợp chất được cho là gây tổn hại hệ nội tiết. Các chất trên chủ yếu được dùng trong các công đoạn nhuộm, in hình trang trí và tẩy.
Theo Hòa bình xanh, Trị Lý và Thạch Sư là hai trung tâm cung cấp quần áo trẻ em lớn nhất Trung Quốc với sản phẩm được tiêu thụ trên toàn quốc và xuất sang các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ. Theo tờ USA Today, giới chức Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin trên nhưng hồi tháng 5 chính Cơ quan Giám sát chất lượng nước này từng cảnh báo cha mẹ không nên mua quần áo có màu sắc, trang trí và in ấn sặc sỡ cho con cái.
Chất cấm từ thập niên 1990
TS Trần Hồng Côn, bộ môn công nghệ hóa học, Khoa Hóa học (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết chất NPE phát hiện thấy trong quần áo Trung Quốc thực chất có tên gọi khoa học Nonyl Phenol Ethoxylate gồm các chất hoạt động bề mặt nonion có rất nhiều ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm tẩy rửa, sơn, giấy dệt, các polymer hệ nhũ tương và nhiều ứng dụng khác. Các chất hoạt động bề mặt này có tác dụng làm tăng hoạt động bề mặt, tạo khả năng tẩy rửa, thấm ướt tốt và khả năng hòa tan cũng như khả năng tạo nhũ tương tốt. TS Côn nói: “Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng chất NPE vì có ảnh hưởng tới hệ hoóc môn, hệ thần kinh con người. Đã cấm sử dụng nhưng nhà sản xuất biết mà vẫn dùng là phạm luật”.
Theo TS Trần Hồng Côn, tại VN mới chỉ có nghiên cứu về sự độc hại, một số lĩnh vực có đưa ra giới hạn hàm lượng sử dụng. Chất này trong quần áo trẻ em có ngấm vào da thịt, thôi nhiễm hay không thì VN chưa có nghiên cứu nên không thể đánh giá hết tác hại. TS Côn nhận xét một mặt cần khuyến cáo các nhà sản xuất không nên sử dụng chất này trong ngành dệt may, đặc biệt là sản xuất quần áo cho trẻ em. Mặt khác, cần khuyến cáo các phụ huynh lưu ý tránh để trẻ em ngậm, mút quần áo tránh gây độc hại.
Một bà mẹ tìm áo cho con |
Đã có bệnh nhân dị ứng
Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, thông tin rằng trong chất liệu may mặc có hóa chất nhuộm màu, nếu không phải là các hóa chất đảm bảo chất lượng thì nó có thể là yếu tố gây kích ứng, dị ứng lên bề mặt da với biểu hiện như sẩn ngứa, mẩn đỏ. Vì vậy, các sản phẩm tuy là bên ngoài nhưng nếu không rõ nguồn gốc, sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì cũng ảnh hưởng đến sức khỏe ở các mức độ khác nhau phụ thuộc vào loại hóa chất, nồng độ tồn dư, mức độ tiếp xúc và yếu tố cơ địa.
Th.S-BS Bùi Văn Khánh, Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý chất liệu vải, chất nhuộm vải có thể là yếu tố gây dị ứng dù việc xác định, khẳng định chính xác loại vải đó, chất nào trong đó gây dị ứng là rất khó. Gần đây, trung tâm có tiếp nhận bệnh nhân nam, sống tại Hà Nội bị dị ứng được chẩn đoán là có liên quan đến chất liệu áo mà bệnh nhân thường mặc. Theo bác sĩ Khánh, cũng như các hóa chất khác, chất nhuộm màu có thể gây phản ứng nặng nhẹ khác nhau mà phổ biến nhất là gây sẩn ngứa (cơ địa, viêm da tiếp xúc). Dị ứng hóa chất nhuộm trong vải may trang phục có thể biểu hiện: khó thở, có thể nổi ban toàn thân.
Không kiểm soát được
Trên thị trường VN, rất nhiều quần áo bày bán tại các chợ có xuất xứ Trung Quốc. Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công thương, cách đây vài năm, một số chi cục QLTT các địa phương cũng đã có nhiều đợt kiểm tra độc tố như chất formadehyde trong quần áo, vải vóc nhập từ Trung Quốc. Chi cục QLTT Hà Nội cũng đã phát hiện thấy chất formadehyde gây hại cho da trong quần áo Trung Quốc bày bán tại thị trường Hà Nội. Phó cục trưởng QLTT Trịnh Văn Ngọc cho hay quần áo Trung Quốc nhập vào VN theo hai con đường chính ngạch và tiểu ngạch, tuy nhiên, đường chính ngạch chỉ chiếm số lượng nhỏ so với đường tiểu ngạch.
“Biên giới của chúng ta rất dài, đặc biệt biên giới phía bắc với nhiều đường ngang ngõ tắt, việc kiểm soát hàng nhập lậu trong đó có quần áo dù được tăng cường nhưng cũng rất khó khăn. Với hàng chính ngạch, các mặt hàng phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng mới được thông quan, nhưng với hàng nhập lậu qua đường tiểu ngạch không kiểm tra được chất lượng cũng như độc tố trong quần áo”, ông Ngọc nói. Ngoài các mặt hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại sẽ được tăng cường ngăn chặn, kiểm soát trong dịp tết (theo công điện của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 19.12), Cục QLTT sắp tới có thể sẽ có chỉ đạo riêng với mặt hàng quần áo Trung Quốc. Theo đó, Chi cục QLTT các địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát với mặt hàng quần áo nhập lậu từ Trung Quốc.
Tại TP.HCM, quần áo Trung Quốc bày bán tràn lan, từ lề đường, chợ cóc, chợ truyền thống cho đến cửa hàng thời trang lớn. Dọc lề đường Cách Mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng... có rất nhiều điểm bán xôn quần áo, trong đó có quần áo trẻ em với giá rẻ. Khu vực trước chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)..., áo quần đổ đống trên miếng bạt trải tạm mặt đường, đủ kiểu với mức giá từ vài chục ngàn đến khoảng 200.000 đồng/cái. Đa phần áo quần được bán ở đây đều không rõ xuất xứ hoặc nhãn mác sơ sài, nhiều sản phẩm chỉ ghi “Made in China”, có sản phẩm chỉ ghi toàn tiếng Hoa. Không chỉ lề đường, sạp chợ, áo quần Trung Quốc còn có mặt ở các cửa hàng thời trang lớn.
Đại diện Chi cục QLTT TP.HCM cho biết chưa nắm được thông tin áo quần trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc chứa chất gây rối loạn hoóc môn, gây ngớ ngẩn. QLTT sẽ rà soát, kiểm chứng thông tin này và có biện pháp xử lý.
(Theo Thanhnien)