Cách đây 35 năm, tại một số địa bàn của tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) bỗng xuất hiện chất uranium, một loại hợp chất cực hiếm và cực độc, vốn chỉ dùng để sản xuất, chế tạo bom nguyên tử. Điều đáng quan ngại là loại hóa chất này lại được một số kẻ cơ hội hám lời, lén lút ngấm ngầm mua bán trong cộng đồng, gây ra những đe dọa khôn lường.

Trước tình hình đó, Ty Công an Nghệ Tĩnh đã xác lập chuyên án và trong suốt hơn 4 năm trời, 27 trinh sát trong Ban chuyên án đã thầm lặng đấu tranh, thu gom vật chứng để triệt xóa đường dây buôn bán “thần chết” này.

Mùa xuân năm 1978, đất nước sau những ngày thống nhất đang cùng lúc đối mặt với muôn vàn khó khăn, vừa tập trung xây dựng lại đất nước, vừa lo đấu tranh với âm mưu gây hấn của các phần tử ở hai đầu đất nước. Giữa lúc đó, thông qua công tác trinh sát, phát hiện tại một số địa phương trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh một số đối tượng lén lút với nhau để buôn bán uranium, một loại hợp chất cực hiếm và cực độc, vốn chỉ dùng để sản xuất, chế tạo bom nguyên tử.

Chuyên án không bí số

Trước tình trạng đó, để ngăn chặn, đấu tranh và triệt xóa, lãnh đạo Ty Công an Nghệ Tĩnh đã quyết định thành lập Ban chuyên án, do ông Nguyễn Văn Hợi, Phó trưởng Công an thị xã Hà Tĩnh (nay là Công an thành phố Hà Tĩnh) làm Trưởng ban, 27 cán bộ, chiến sỹ khác cùng tham gia.

Do tính chất đặc biệt của vụ án nên theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Chuyên án này chỉ đấu tranh để thu hồi chứ không xử phạt, không khởi tố, không bắt giam, không truy tố. Do vậy, chuyên án cũng không bí số, hoạt động đánh án theo tính chất tự do. Trong suốt hơn 4 năm trời, 27 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh thầm lặng, anh em chiến sĩ trong chuyên án đánh liên miên, âm thầm trước khi có thêm các đơn vị phối hợp tham gia của lực lượng đánh án Bộ Công an.

Theo trí nhớ của ông Hợi, trong quá trình làm việc và trinh sát, đơn vị được thông báo có một loại gọi là “hàng vô giá”, có yếu tố liên quan đến nước ngoài và được bán cho các đối tượng là người nước ngoài. Khi được giao nhiệm vụ, các trinh sát chỉ được biết đó là đồng đen, sau này tìm hiểu ra đó chính là đồng lửa, hay còn gọi là uranium.

{keywords}

Ông Hợi với nhừng hồ sơ, sổ sách còn sót lại của chuyên án.

Quá trình tiếp cận sau đó, khi phá được vụ đầu tiên, lần theo manh mối lời khai của những người liên quan, Ban chuyên án mới biết có sự đứng đằng sau của Mỹ và lúc này, mọi người mới biết được sự nghiêm trọng của vụ việc, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhận thức được tính quan trọng của chuyên án.

Cho đến bây giờ, khi chuyên án đã kết thúc 35 năm, nhưng những người đánh án như ông Nguyễn Văn Hợi vẫn không biết “đồng lửa” xuất phát từ đâu lại trôi nổi về Nghệ Tĩnh, chỉ nhớ rằng các đối tượng tham gia buôn bán khai nhận “hàng” từ miền Nam ra. Lúc bấy giờ, chỉ duy nhất tại Đà Lạt là có lò phản ứng hạt nhân ở Việt Nam, nên mọi người tin rằng, uranium đã xuất phát từ đây, không hiểu bằng cách nào đó đã rò rỉ ra bên ngoài và được nhiều người lén lút mua bán.

1.500 ngày đánh án thầm lặng

Ông Nguyễn Văn Hợi, nay đã nghỉ hưu tại TP Hà Tĩnh kể lại, từ năm 1978 đến 1982, Ban chuyên án đã bắt 11 vụ buôn bán đồng đen, thu giữ 48kg tang vật. Do tính chất quan trọng của vụ án nên thu giữ được cục đồng đen nào đưa về thu giấu trong nhà như báu vật, chỉ sợ sểnh ra là bị trộm mất thì sẽ mang trọng tội với quốc gia.

Bản thân ông và đồng đội ngày đó đã ăn ngủ với những khối uranium khổng lồ, có trọng lượng 4-5kg, với đủ loại hình thù, từ lục lăng đến hình tam giác, hình thang. Thậm chí, đề phòng bị trộm, cướp, những người đánh án còn ôm trong người lúc ngủ mà không nghĩ đến hậu quả. Tang vật thu giữ được, ôm ra ngoài tỉnh ở thị xã Vinh giao, sau đó được giao cho Bộ Công an.

Trong trí nhớ của ông Hợi, Bộ Công an cử hai đồng chí tên Thu và Tú, Công an Nghệ An đích thân Trưởng phòng Kinh tế vào phối hợp với Ban chuyên án để đấu tranh, đánh án. Bản thân ông tham gia từ đầu đến khi kết thúc chuyên án, trong suốt 4 năm trời, từ năm 1978 đến hết năm 1982. Theo ông khốc liệt và chủ yếu nhất vẫn là trong khoảng 3 năm đầu.

Vụ đầu tiên, Ban chuyên án theo dõi và bố trí, bắt tại nhà khách Giao Tế (Vinh). Đáng nhớ nhất là năm 1981, Ban chuyên án bắt 3 vụ lớn, thu giữ 15,3kg. Trong đó, đối tượng như Dương Quang Bính, bác sỹ thuộc Bệnh viện II, câu kết với Đặng Duy Lập ở huyện Hương Khê, thu giữ 5kg tang vật; vụ bắt Nguyễn Bá Lộc, trú xã Thạch Kim; Bùi Công Dự, trú xã Thạch Việt và Phạm Công Tịnh, trú Ấp Bắc, thu 5,3kg và bắt Trần Duy Tuyết, trú phường Bắc Hà thu 5kg.

Thành phần tham gia buôn bán đủ các loại đối tượng, đây là thứ hàng “vô giá” nên đủ mọi tầng lớp tham gia, từ con buôn đến người lao động tự do, thậm chí cả một bộ phận cán bộ công chức, y bác sỹ cũng bỏ việc lén lút đi buôn. Cũng chính bởi thành phần phức tạp như vậy nên quá trình đánh án, lần ra các đối tượng trong đường dây gặp rất nhiều khó khăn. Bằng biện pháp nghiệp vụ, mất rất nhiều thời gian lần theo dấu vết từ rất nhiều mối quan hệ, nút thắt của vụ án mới được tháo gỡ.

Lúc bấy giờ, để đổi lấy một cục “đồng lửa”, phải chuẩn bị cả một bì tiền. Lúc ấy, Nhà nước còn nghèo, để tạo lòng tin từ những kẻ đang giữ đồng lửa, để có một lúc mấy bì tiền, Ban chuyên án phải nghĩ đến mẹo trà trộn tiền thật lẫn tiền giả để đánh lừa. Quá trình câu nhử, đánh án diễn ra vô cũng khó khăn, trinh sát trong ban chuyên án phải đánh từ Nam Đàn, đánh về Vinh, lên Đức Thọ rồi xuống đê La Giang mới dụ được đối tượng vào vòng vây.

Bấy giờ, phương tiện nghiệp vụ tham gia đánh án còn rất thô sơ, Ban chuyên án được ưu tiên một chiếc xe môtô và một chiếc xe Uoát, nhưng phải thường xuyên ngụy trang. Có những vụ, phải mất mấy ngày liền để đeo bám các đối tượng, chỉ sợ sơ sểnh ra là mất dấu. Có khi, tình thế cấp bách, trinh sát phải đối kháng tay đôi với đối tượng, rất mạo hiểm, có lúc súng đọ súng, trước khi giao dịch chúng rút súng đặt trước bàn để thị uy, đe dọa. Do “đồng lửa” quá đắt giá nên chúng rất liều lĩnh, sẵn sàng xả súng để bảo vệ khi có biến xảy ra. Lúc này, trách nhiệm đè nặng lên vai trinh sát, phần lo sợ mất tiền, phần nữa để tuột mất nguồn hàng, cái nào mất cũng rất hệ trọng.

Âm thầm cống hiến, lặng lẽ hi sinh

Đến đầu năm 1981, vấn nạn đồng đen trên địa bàn Nghệ Tĩnh cơ bản đã được thu gom, triệt xóa và với những thành tích đó, ngày 1/3/1981, Công an thị xã Hà Tĩnh vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng II do Nhà nước tặng thưởng. 35 năm sau ngày chuyên án khởi động, những người tham gia đánh án ngày đó đến nay kẻ mất người còn. Theo ông Hợi, một phần vì tuổi già sức yếu, phần nữa là bởi ảnh hưởng của nhiễm xạ trong quá trình đánh bắt, bảo quản uranium.

Sau này, biết được sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ tham gia chuyên án bị ảnh hưởng, Bộ Công an đã cử đoàn công tác vào công an tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để làm việc, trực tiếp gặp gỡ đối với số cán bộ, chiến sĩ có quá trình tham gia chuyên án và tiếp xúc với tang vật “đồng lửa”, nắm rõ tình hình sức khoẻ, bệnh tật của họ.

Sau đó, 27 đồng chí đã được Bộ phối hợp với Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, Viện Quân y 103 để xác định nguyên nhân, tình trạng bệnh tật. Để sự hy sinh của những người tham gia trong chuyên án không bị lãng quên, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục theo dõi diễn biến sức khỏe, quan tâm và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ theo đúng quy định.

Hiện tại, đa phần những người tham gia chuyên án đã nghỉ hưu, một số người đã mất vì bệnh tật hiểm nghèo, nhưng mỗi lần có dịp ôn lại ký ức một thời hoa lửa, những người chiến sỹ CAND năm xưa không khỏi tự hào về chiến tích của một thời, dù công trạng ấy không được hồ sơ, sổ sách ghi lại và chiến công ấy cũng được rất ít người biết đến.

(Theo CAND)