Hơn 40% xe máy đã sử dụng qua hai thập kỷ

Chị Nguyễn Thị Lành (42 tuổi, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) làm nghề vận chuyển và bán buôn rau quả tại chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm đến nay đã hơn 15 năm. Đồng hành cùng chị trong ngần ấy thời gian là chiếc xe máy cũ hiệu SYM Angel đời 1996 được bố chị "hồi môn" từ lúc đi lấy chồng.

Sáng nào cũng vậy, cứ 3 giờ sáng, chị Lành cùng chiếc xe của mình chở gần 1 tạ rau củ quả từ nhà vượt hơn 20 km ra chợ Phùng Khoang, đều như vắt chanh.

Chị Lành cho biết, chiếc xe đã trên 20 năm tuổi và đã xuống cấp, xộc xệch nhiều, tuy vậy chị cũng rất ít khi đem đi sửa chữa, bảo dưỡng.

“Xe cũ nên có khói đen xì, mùi khét. Nhiều người cũng bảo nên đổi xe, thế nhưng tôi chủ yếu đi vào ban đêm, đường vắng nên kệ, xe vẫn chạy tốt là được.”, chị Lành chia sẻ với VietNamNet.

Đã sở hữu một chiếc Honda Wave khá mới nhưng anh Trần Văn Tùng (32 tuổi, quê Nam Định) cho biết, anh vẫn sử dụng chiếc Honda Dream cũ đời 1992 để chở sắt thép, vật liệu xây dựng cho một số đại lý tại quận Hà Đông, Hà Nội.

“Khi nào đi chơi, về quê thì tôi dùng chiếc Wave mới. Còn đi làm thì dùng xe cũ rẻ tiền cho tiện, có vứt lăn lóc không sợ bị lấy trộm. Bao giờ thành phố cấm xe cũ thì lại tính tiếp”, anh Tùng nói.

Theo tìm hiểu, những “đồng nghiệp” của chị Lành, anh Tùng cũng thường sử dụng những dòng xe máy cũ như vậy để mưu sinh. Trong đó, những chiếc xe thông dụng nhất là Sym Star, Angel; Honda Dream, Wave, Cub; Loncin; Lifan;… đều đã được sử dụng trên dưới 20 năm, thậm chí có chiếc đã 30 năm.

Hầu hết các xe máy cũ này không còn giữ được hình dạng ban đầu, được bỏ yếm, chế thêm giá chở hàng, chân chống phụ, khung sắt,... và nhiều trong số đó nhả khói mù mịt khi ra đường.

{keywords}
Với đặc thù về giao thông, xe máy vẫn là phương tiện được người dân sử dụng nhiều nhất tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, xe máy đang là phương tiện giao thông chủ yếu tại Việt Nam, chiếm khoảng trên 80%. Riêng TP. Hà Nội hiện có khoảng 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000, chiếm trên 40%.

Thông tin từ tọa đàm "Báo động về ô nhiễm không khí tại Việt Nam"  tổ chức tại TP. HCM vào ngày 19/4/2019 cho biết, lượng xe máy là 8,1 chiếc, trong đó cũng có xấp xỉ 40% là xe máy trên 20 năm tuổi.

Chưa kể, tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM luôn có một số lượng đông đảo xe máy ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông.

Khí thải từ các phương tiện giao thông mà chủ yếu là xe máy chứa rất nhiều loại khí độc hại như CO, HC, Nox,…ảnh hưởng đến chất lượng không khí và là một trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.

Kết quả nghiên cứu về phát thải từng nguồn gây ô nhiễm không khí của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP. HCM) được công bố năm 2019 cho thấy, khí thải từ xe máy phát thải 29% Nox; 65,4%  NMVOC; 90% khí CO và 37,7% bụi.

Cũng tại buổi tọa đàm: "Báo động về ô nhiễm không khí tại Việt Nam" trên, PGS.TS. Hồ Quốc Bằng - Trưởng phòng Ô nhiễm không khí - Viện Môi trường và Tài nguyên đã công bố một loạt nghiên cứu, đồng thời khẳng định: “ Xe gắn máy là phương tiện phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất”.

{keywords}
 Kết quả nghiên cứu vào năm 2019 của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

Cần có sự kiểm soát, thay thế xe cũ

Nhằm hạn chế phát thải các khí độc hại gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn, góp phần bảo vệ môi trường, ngay từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Lộ trình cụ thể được quy định tại Điều 4 của Quyết định 49/2011/QĐ-TTg nêu rõ, các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 từ ngày 01/01/2017.

Năm 2019, tại Thông báo số 273/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP. Hà Nội, TP. HCM và các đô thị trực thuộc trung ương nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải và kiểm định an toàn kỹ thuật đối với mô tô, xe máy.

Như vậy, việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đã và đang được Chính phủ và các địa phương thực hiện. Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã chính thức giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất đề xuất chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố".

Nếu chương trình trên được triển khai, Hà Nội sẽ là thành phố đầu tiên tiến hành đo kiểm khí thải xe máy rộng rãi, hơn nữa còn hỗ trợ người dân trong việc đổi xe máy cũ sang xe máy mới tới 4 triệu đồng. Ước có 5000 xe được hỗ trợ trong quý IV năm nay.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, chương trình trên đang được đơn vị này thống nhất và sẽ có đề xuất chính thức với UBND TP. Hà Nội trước 15/9 tới. Nếu được chấp thuận sẽ triển khai ngay trong tháng 9.

{keywords}
Từ cuối tháng 9, những chiếc xe cũ có thể được các nhà sản xuất thu lại để xử lý. Thay vào đó, người dân được hưởng hỗ trợ để sở hữu một chiếc xe mới.

Trao đổi với VietNamNet, GS.TS. Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, nếu được thực hiện, đây sẽ là chủ trương tốt hướng tới việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông, cụ thể là xe máy cũ.

“Hiện nay, đa số những người sử dụng xe máy cũ để đi lại, chuyên chở là những người có thu nhập thấp. Chương trình này này không chỉ hướng đến việc cải thiện môi trường mà còn hướng sự ưu tiên đến một số đối tượng cần được quan tâm trong xã hội”.

Tuy nhiên, GS.TS. Sùa cũng nhận định, so với số lượng khổng lồ là gần 6 triệu xe máy hàng ngày xả thải ra không khí thì số lượng xe được đổi đổi của chương trình thực sự là “không thấm vào đâu”.

Vị chuyên gia giao thông này cho rằng, việc đổi xe máy sang xe máy về bản chất vẫn là sử dụng động cơ đốt trong, cùng một tác nhân xả thải ra không khí. Những chiếc xe theo thời gian cũ đi sẽ vẫn có hại cho môi trường, do đó cần tính toán dài hơi hơn.

“Thay vì hỗ trợ người dân đổi từ xe máy cũ sang xe máy mới, Thành phố có thể chỉ đạo các đơn vị tổ chức ưu tiên đổi sang những dòng xe thân thiện với môi trường hơn như xe điện”, GS.TS. Từ Sỹ Sùa gợi ý.

Hoàng Hiệp

Bạn có đồng tình với đề xuất hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới như trên? Hãy bình luận dưới bài viết này. Mọi tin bài, video cộng tác xin gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Hà Nội dự kiến đổi xe máy cũ lấy xe mới, hỗ trợ đến 4 triệu đồng

Hà Nội dự kiến đổi xe máy cũ lấy xe mới, hỗ trợ đến 4 triệu đồng

Những chiếc xe máy cũ trên 18 năm tuổi tại Hà Nội nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ bằng một khoản tiền để đổi sang xe mới.