Aston Martin DB5 1964 – Phim Ngón tay vàng (Goldfinger)

{keywords}
Điệp viên 007 bên chiếc Aston Martin DB5 1964. Ảnh: Popularmechanics.

Trên phim ảnh, chúng ta thường quen với hình tượng điệp viên 007 sử dụng những chiếc siêu xe nổi tiếng cùng với các đồ chơi công nghệ độc đáo. Phong cách này vốn được bắt nguồn từ bộ phim Ngón tay vàng.

Trong phim, chiếc Aston Martin DB5 1964 mà James Bond sử dụng đã gây ấn tượng mạnh với khán giả. Từ đó, các nhà sản xuất quyết định duy trì cách tạo hình "James Bond sang chảnh" ở những loạt phim kế tiếp.

Chiếc Aston Martin DB5 1964 được sử dụng trong phim là mẫu xe nguyên bản, không hề được độ thêm "đồ chơi công nghệ" như vẫn thấy trên series phim 007, bởi chỉ riêng chiếc xe này đã xứng đáng được gọi là một tác phẩm nghệ thuật. Đây cũng là chiếc xe được khán giả bình chọn yêu thích số 1 trong các tác phẩm điện ảnh.

Lotus Esprit 1976 – Yêu chàng điệp viên (The Spy Who Loved Me)

{keywords}
Chiếc Lotus Esprit tàu ngầm gây ấn tượng mạnh cho khán giả xem phim. Ảnh: Pinterest


Chiếc xe được yêu thích thứ 2 tiếp tục thuộc về một chiếc xe của James Bond, chiếc Lotus Esprit 1976. Vào những năm 1970, những chiếc xe thể thao kiểu mới như Lancia Stratos và Lamborghini Countach đang làm mưa làm gió trên thị trường. Tuy nhiên, chàng điệp viên hào hoa không sử dụng chiếc nào trong hai mẫu xe đình đám này cả.

Thay vào đó, 007 chọn lái chiếc Lotus Esprit màu trắng. Và cảnh phim đáng nhớ nhất là khi James Bond điều khiển chiếc xe lao xuống biển để trốn tránh sự truy đuổi của kẻ địch, chiếc Lotus Esprit liền biến thành một chiếc tàu ngầm hoạt động dưới nước.

Vào năm ngoái, chiếc Lotus Esprit lại được giới truyền thông cho lên sóng khi một cặp vợ chồng tìm thấy chiếc xe này trong một kho chứa hàng không có người nhận. Sau đó, họ đã kiếm được món hời khi bán nó lại cho tỷ phú công nghệ Elon Musk.

Pontiac Trans Am 1977 - Smokey và tên cướp (Smokey and the Bandit)

{keywords}
Pontiac Trans Am đổi vận từ khi được đóng phim. Ảnh: Yahoofinance

Khi đạo diễn Hal Needham chọn chiếc Pontiac Trans Am 1977 để làm đạo cụ trong phim Smokey và tên cướp, ông không thể đoán được điều đó ảnh hưởng như thế nào tới số phận của chiếc xe.

Mặc dù chiếc xe này đã xuất hiện vài năm trước khi bộ phim được công chiếu, thế nhưng khi khán giả nhìn thấy những pha hành động rượt đuổi trong bộ phim, họ liền muốn sắm ngay một chiếc cho thỏa cơn thèm.

Sau khi bộ phim ra rạp, doanh số bán hàng của chiếc xe đã tăng vọt lên khoảng 54.000 chiếc trong hai năm. Người Mỹ đã phát cuồng với màu sơn của chiếc xe, mái che T-Top, và thực tế đây cũng là một chiếc xe tốt. Với sự kết hợp của nhiều yếu tố đã khiến chiếc Trans Am trở thành một huyền thoại.

Ford Coupe 1932 - Nổi loạn kiểu Mỹ (American Graffiti)

{keywords}
Ford Coupe 1932 trong phim có thiết kế bánh sau to hơn bánh trước. Ảnh: Pinterest

Vài năm trước khi bấm máy quay "Chiến tranh giữa các vì sao", đạo diễn George Lucas đã quay bộ phim "Nổi loạn kiểu Mỹ" để phản ánh những ký ức của ông về văn hóa xe hơi ở California vào những năm 1960. Bên cạnh một dàn diễn viên siêu sao như Ron Howard, Harrison Ford và Richard Dreyfus, bộ phim còn tràn ngập những chiếc xe tuyệt vời. Thế nhưng chỉ có một chiếc xe trở nên nổi tiếng.

Trong phim, chiếc xe Ford Coupe được sơn màu vàng, trang bị động cơ Chevy 327 V-8, bánh sau to hơn bánh trước để thực hiện những pha xử lý đặc biệt.

DeLorean DMC-12 1981 - Trở lại tương lai (Back to the Future)

{keywords}
DeLorean DMC-12 được yêu thích trên phim nhưng ngoài đời ít ai dám mua. Ảnh: Pinterest

Nhìn ngoại thất bên ngoài, chiếc DeLorean DMC-12 thực sự gây choáng ngợp bởi phong cách thiết kế như đến từ tương lai. Tuy nhiên, chiếc DeLorean DMC-12 không phải là một siêu xe, nó chỉ được trang bị động cơ V6 dung tích 2.9 lít, công suất 130 mã lực hết sức bình thường.

Nhưng vì "Trở lại tương lai" là một bộ phim khoa học viễn tưởng nên thông số kỹ thuật ngoài đời không quá quan trọng. Trừ việc động cơ V6 chậm chạp đã phải thay bằng động cơ V8 mượn từ chiếc Porsche 928 để có thể đạt được vận tốc 88 dặm/giờ theo kịch bản.

Dù bộ phim rất thành công trên thị trường điện ảnh nhưng trong thực tế DeLorean DMC-12 gặp phải nhiều lỗi trong quá trình sản xuất nên chiếc xe này vẫn bị các khách hàng xa lánh.

Dodge Challenger R/T 1970 - Điểm ảo (Vanishing Point)

{keywords}
Dodge Challenger R/T là một biểu tượng của dòng xe cơ bắp. Ảnh: Reddit

Chiếc Dodge Challenger R/T là một trong những biểu tượng của dòng xe cơ bắp trong thời kỳ loại xe này phát triển bùng nổ vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970. Danh tiếng của chiếc Challenger R/T càng được nâng cao thêm khi được xuất hiện trong bộ phim Điểm ảo.

Cốt truyện trong phim rất đơn giản, nhân vật Kowalski (do Barry Newman thủ vai) đặt cược rằng anh ta có thể lái xe từ Denver đến San Francisco trong vòng chưa đầy 15 giờ, đòi hỏi tốc độ trung bình của xe luôn duy trì ở mức 130 km/h. Dĩ nhiên, để thực hiện được điều này trong bộ phim có vô vàn những cảnh đua xe mạo hiểm khiến những người yêu tốc độ phấn khích.

Tuy nhiên, bộ phim có một hạt sạn lớn, trong phân cảnh cuối cùng khi chiếc xe bị phá hủy vì tai nạn giao thông, các nhà làm phim đã sử dụng một chiếc Camaro thay vì Challenger.

GT Ford Falcon 1973 - Max điên (Mad Max)

{keywords}
Bộ tăng áp trên chiếc Ford Falcon chỉ là đồ trang trí. Ảnh: Pinterest

Khi nói đến văn hóa xe hơi, người Úc cũng từng mê mẩn những chiếc xe hiệu suất cao như người Mỹ. Vì vậy, để chiều lòng người dân bản địa, hãng xe Ford đã từng chế tạo một sản phẩm dành riêng cho thị trường này, chiếc Ford Falcon.

Trong phim "Max điên", chiếc Falcon XB GT được trang bị động cơ V8 dung tích 5.8 lít. Nhưng để chiếc xe trở nên ngầu hơn, đội ngũ hóa trang đã phải dán một chiếc mũi mới lên phần đầu xe, trang trí thân xe bằng những quả pháo sáng cỡ lớn, trang bị cho chiếc xe bộ lốp kích thước đặc biệt. Chiếc Falcon XB GT còn được gắn thêm một bộ tăng áp phía trước mui xe.

Trong phim, chỉ cần ấn một nút bấm là bộ tăng áp sẽ hoạt động và chiếc xe tăng tốc vọt lên phía trước. Tuy nhiên, nhà sản xuất phim cũng tiết lộ thực chất bộ tăng áp này chỉ là đồ trang trí.

Batmobile - Người dơi xuất hiện (Batman begins)

{keywords}
Batmobile hấp dẫn bởi vì nó chính là một chiếc xe thực sự được nghiên cứu chế tạo. Ảnh: Popularmechanics.

Giống như xe hơi của James Bond, những chiếc Batmobiles của Batman cũng đã có rất nhiều phiên bản. Tuy nhiên, chiếc Batmobile trong hai bộ phim "Người dơi xuất hiện" và "Kỵ sỹ bóng đêm" do Christopher Nolan đạo diễn là phiên bản được đánh giá cao nhất về mặt kỹ thuật và hình ảnh trong những năm gần đây.

Theo các nhà làm phim, động cơ V8 350 cid mạnh mẽ trên chiếc Batmobile cung cấp năng lượng cho chiếc xe có thể đạt được vận tốc 100 km/h trong khoảng năm giây, ngay cả khi chiếc xe được trang bị bộ lốp địa hình cỡ lớn 37 inch ở phía sau. Bên cạnh đó, lốp trước được gắn với hệ thống treo độc lập. Trong khi thân xe được chế tạo từ 65 tấm carbon.

Điều làm cho Batmobiles trở nên vượt trội so với hầu hết các đạo cụ phim ngày nay đó là Batmobiles là một chiếc xe thật sự, được chế tạo một cách nghiêm túc, không phải sản phẩm trang trí chắp vá của đội ngũ hóa trang.

Dodge Charger 1970 – Quá nhanh, quá nguy hiểm (Fast and Furious)

{keywords}
Dodge Charger 1970 ngôi sao của phim điện ảnh. Ảnh: Thecarconnection

Có thể nói, chiếc Dodge Charger 1970 xứng đáng được gọi là một ngôi sao điện ảnh. Chiếc xe này từng xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng khác nhau. Đối với khán giả Việt Nam, hình ảnh chiếc Dodge Charger 1970 được gắn liền với nhân vật Vin Diesel trong loạt phim "Quá nhanh, quá nguy hiểm".

Trong phim, xe của Vin Diesel được gắn cặp lốp sau cỡ lớn, động cơ công suất khủng kết hợp với bộ siêu nạp nhô ra khỏi mui xe đầy thách thức. Chiếc xe này đã giúp nhân vật chính chiến thắng nhiều cuộc đua đường phố, thoát khỏi sự đeo bám của kẻ thù trên mọi địa hình.

Mustang 1969 – John Wick

{keywords}
Chiếc Mustang trong phim là khởi nguồn cho cuộc chiến của John Wick. Ảnh: Pinterest.

Cùng với chiếc xe buýt trong phim "Tốc độ", chiếc Mustang 1969 xuất hiện trong phim "John Wick" có lẽ là hai chiếc ô tô đánh dấu cho sự nghiệp của diễn viên Keanu Reeves. Trong phim, nhân vật John Wick sử dụng chiếc Mustang 1969 phiên bản Boss 429, tuy nhiên trên thực tế mẫu xe này rất hiếm và có giá rất cao.

Có khả năng đoàn làm phim đã sử dụng chiếc Mustang phiên bản Mach 1 để thay thế, dĩ nhiên chiếc xe này cũng rất mạnh và không kém phần phong cách.
Có thông tin cho rằng, Keanu Reeves đã thực hiện hầu hết các cảnh đua xe mà không cần nhờ đến kỹ xảo. Để làm được điều này, anh đã phải trải qua một khóa học lái xe đặc biệt.

Ngân Vũ (Popularmechanics)

Top 5 mẫu sedan “ăn xăng như ngửi” trên thị trường hiện nay

Top 5 mẫu sedan “ăn xăng như ngửi” trên thị trường hiện nay

Theo công bố về mức độ tiêu thụ nhiên liệu do Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra, rất nhiều mẫu xe sedan có mức "ăn xăng" trung bình chỉ trên dưới 5 lít/100 km.