Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ô tô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỉ lệ nội địa hóa nội khối từ 40%.

Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ô tô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỉ lệ nội địa hóa nội khối từ 40%. Trong bối cảnh xe miễn thuế từ Thái Lan, Indonesia ùn ùn cập cảng thì đến nay Việt Nam vẫn chưa có cách tính tỉ lệ nội địa hóa phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực.

Cách tính tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam khác ASEAN

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay cách tính tỉ lệ nội địa hóa của các nước ASEAN để hưởng ưu đãi thuế theo ATIGA đều khác so với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước, trong khi cách tính của các nước ASEAN là theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, đối với cách tính tỉ lệ nội địa hóa nội khối ASEAN có 2 vấn đề về công thức.

{keywords}
Giấc mơ ô tô Việt xuất khẩu gặp khó vì một cách tính

Đầu tiên, những cái gì không làm trong nội khối (nhập từ bên ngoài) hoặc có làm trong nội khối nhưng chỉ sơ sơ, chưa đủ mức được gọi là làm ra thì xếp sang một bên. Khi đó chỉ còn lại những thứ được tạo ra bên trong nội khối, bao gồm cả lợi nhuận, lương công nhân, các loại chi phí phục vụ cho việc sản xuất… đều được gọi chung là phần nội khối. “Công thức tính tỉ lệ nội địa hóa nội khối ASEAN rất đơn giản. Lấy giá trị từng thứ được gọi là nội khối rồi chia cho tổng giá trị chiếc xe (bao gồm cả nội khối lẫn không nội khối) sẽ ra bao nhiêu phần trăm tỉ lệ nội địa hóa nội khối trong ASEAN”, ông Hiếu chia sẻ.

Tuy nhiên, quan trọng nhất trong việc xác định thứ nào được coi là nội khối phải được lọc ra từ quy tắc xuất xứ. Quy tắc này sẽ chỉ ra, cái nào được làm ra trong nội khối, cái nào không.

“Ví dụ, có một tấm thép nhập khẩu vào một nước trong khu vực ASEAN sau đó được dập thành khung xe. Đó gọi là vật tư chuyển thành sản phẩm và được coi là phần sản xuất nội khối. Tuy nhiên, nếu một nước chỉ nhập khung xe về sơn tĩnh điện hay tôi, luyện (tinh chế) thì bắt đầu phải xem xét tỉ lệ làm ra trong nội khối. Nếu công việc, chi phí tinh chế này đạt từ 40% trở lên trên tổng giá trị khung xe thì sẽ tính đủ là giá trị của cả khung xe vào phần nội khối. Còn nếu công việc tinh chế chỉ chiếm từ 20 - 40% thì sẽ chỉ được tính đúng giá trị công, chi phí tinh chế là giá trị nội khối. Dưới 20% sẽ không được coi là nội khối”, ông Hiếu lấy ví dụ.

Từ công thức tính trên theo ASEAN, nếu tỉ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% giá trị chiếc xe trở lên thì được gọi là xe đủ hàm lượng ASEAN, áp thuế suất 0% khi nhập khẩu theo ATIGA. Ô tô nhập khẩu về Việt Nam hay Việt Nam xuất khẩu đi ASEAN nếu muốn hưởng thuế suất ưu đãi 0% thì đều phải áp dụng theo cách tính này.

Theo nhiều ý kiến, để phù hợp với xu thế, Việt Nam cũng nên xây dựng cách tính tỉ lệ nội địa hóa ô tô theo các tiêu chuẩn chung của quốc tế để làm sao vừa khuyến khích sản xuất trong nước lẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông vì sao đến nay vẫn chưa có một cách tính tỉ lệ nội địa hóa mới? Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, đúng là Bộ đang “nợ” Nghị định 116 về quy định cách tính tỉ lệ nội địa hóa do đang phải lắng nghe ý kiến từ nhiều phía. Dự kiến, trong tuần tới chúng tôi sẽ họp lại về vấn đề này để đưa ra quyết định.

Cần sớm thay đổi cách tính tỉ lệ nội địa hóa

Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho biết, Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN của Bộ KHCN. Cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết này chủ yếu được sử dụng để làm cơ sở xác định ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Các nước ASEAN hiện nay đa số đều tính tỉ lệ nội địa hóa theo giá trị.

Vì thế, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn hướng tới xuất khẩu ô tô ra khu vực thì cách tính tại Quyết định 05 không còn phù hợp. “Chính phủ cũng đã có chủ trương đưa ra cách tính tỉ lệ nội địa hóa mới và đã giao cho Bộ Công thương, Bộ Tài chính… thực hiện. Đây cũng là vấn đề được một số doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước kiến nghị, đề xuất”, ông Hà cho biết.

Cho biết về sự cần thiết thay đổi cách tính tỉ lệ nội địa hóa ô tô hiện nay, ông Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, để đưa ra cách tính tỉ lệ nội địa hóa phù hợp trước hết phải xác định được mục tiêu là xuất khẩu hay khuyến khích doanh nghiệp nội địa hóa nhiều hơn.

Nếu xây dựng cách tính để phục vụ cho việc xuất khẩu thì phải theo cách tính thông lệ quốc tế, theo luôn công thức của ATIGA. Còn nếu như tính tỉ lệ nội địa hóa chỉ để phục vụ mục tiêu riêng trong nước thì lại phải đưa ra cách tính khác cho phù hợp với các mục tiêu.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện Nghị định số 116/2017. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trong việc kiểm tra, đánh giá tỉ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm ô tô nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước ASEAN đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi thuế suất (0%) theo Hiệp định ATIGA.

 (Theo Báo Giao thông)

Xe sang Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm thuế về 0%

Xe sang Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm thuế về 0%

Những chiếc xe sang hay siêu xe dung tích từ 3.0 lít trở lên sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 10% từ năm 2028 khi nhập từ 10 thị trường CPTPP như Nhật Bản, Canada...