Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), quý 3/2019, 5 doanh nghiệp gồm Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM có doanh số bán đạt 831.440 xe máy các loại, giảm 3,8% (tương đương với 33.518 xe) so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, đây là quý thứ 3 liên tiếp, tính từ đầu năm, sức mua xe máy tại Việt Nam sụt giảm. Cụ thể, quý 1/2019 doanh số bán xe máy giảm 6,13%, quý 2/2019 giảm 4,39% so với cùng kỳ năm 2018.
Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2019, doanh số bán xe của 5 thành viên thuộc VAMM đạt 2,335 triệu chiếc, giảm khoảng 5% ( tương đương với 117.000 xe) so với cùng kỳ 2018. Hiện 5 hãng trên chiếm 97% tổng doanh số xe máy bán ra tại thị trường Việt Nam, với gần 100 mẫu mã phiên bản. Honda Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng 1%, trong khi đối thủ chính là Yamaha Việt Nam đã sụt giảm hơn 20% kể từ hồi năm 2018.
Theo dự đoán của các DN, với tình hình như hiện nay thì cả năm 2019, doanh số bán sẽ đạt từ 3,1-3,38 triệu chiếc, tức không có tăng trưởng, hoặc tăng trưởng âm.
Doanh số bán xe máy liên tục sụt giảm. |
Qua các số liệu, có thể thấy thị trường xe máy tăng trưởng giảm dần theo từng năm. Sau 3 năm (từ 2012-2014) sụt giảm liên tiếp, đến 2015 đà tăng trưởng bắt đầu trở lại mức 4% với hơn 2,8 triệu xe bán ra. Đến năm 2016 tăng trưởng cao nhất, đạt 9,5% với 3,1 triệu xe bán ra. Sang năm 2017 tăng trưởng còn 4,8% với 3,27 triệu xe và năm 2018 tăng trưởng chỉ còn 3,5% với 3,38 triệu xe.
Đỉnh cao về doanh số bán có thể rơi vào năm 2018 với 3,38 triệu xe, tương đương với năm 2011 đạt 3,37 triệu xe, sau đó là đi ngang hoặc đi xuống.
Các DN nhận định, khoảng thời gian từ 2015-2018, thị trường xe máy tăng trưởng trở lại là do chu kỳ đổi xe mới của người tiêu dùng đồng loạt diễn ra. Cứ sau khoảng 5 năm sử dụng, tính từ thời điểm mua sắm đỉnh cao năm 2011, thì người tiêu dùng lại đổi xe. Chu kỳ này đang có xu hướng lặp lại.
Cùng với đó, xe máy điện ngày càng ra mắt nhiều mẫu mới, pin lưu trữ lâu hơn, đi xa hơn và chi phí rẻ, đang giành thị phần của xe máy chạy xăng. Cộng với xu hướng “lên đời ô tô” đang diễn ra mạnh mẽ khiến nhu cầu về xe máy không tăng nữa.
Mặc dù sức mua đang có dấu hiệu chững lại, nhưng Việt Nam vẫn đang xếp thứ 4 thế giới về tiêu thụ xe, sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Các ý kiến cho rằng, thị trường xe máy có quy mô 3 triệu chiếc/năm sẽ còn giữ trong thời gian dài và vẫn đem lại cơ hội lớn cho cho các DN. Trong đó, phân khúc xe tay ga cao cấp sẽ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của toàn thị trường xe máy.
Chẳng hạn, khảo sát tại thị trường Hà Nội trong tháng 10/2019 cho thấy, mẫu Honda SH hiện có giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá đề xuất. Tất cả các phiên bản đều tăng giá mạnh. Trong đó, phiên bản SH 150 CBS có giá bán tại các đại lý 94,5 triệu đồng, chênh tới 12,5 triệu đồng so với giá niêm yết; Phiên bản SH 150 ABS có giá 104,5 triệu đồng, chênh 14,5 triệu đồng so với giá niêm yết. Các phiên bản SH 150 màu đen mờ còn chênh tới 20 triệu đồng so với giá đề xuất. Mặc dù đội giá cao nhưng Honda SH vẫn thiếu hàng tại các đại lý.
Có giá bán thấp hơn giá công bố tại các đại lý, nhưng các sản phẩm của Piaggio Việt Nam như Vespa GTS, Vespa LX, Vespa Sprint, Vespa Yacht,... cũng được khách hàng ưa chuộng. Các mẫu xe này có giá khá cao, từ 70-150 triệu đồng, nhưng vẫn hút khách. Đại diện Piaggio Việt Nam cho biết, dòng xe Vespa có mức tăng trưởng 9% từ đầu năm đến nay.
Mặc dù vậy, vẫn có những DN gặp khó như Yamaha Việt Nam, với doanh số giảm liên tục từ 2018 đến nay. Yamaha đã tung ra thị trường nhiều mẫu xe tay ga mới để cạnh tranh với Honda, nhưng doanh số bán không tăng. Tại các đại lý xe bán chậm, giá thấp hơn giá đề xuất từ 1-2,5 triệu đồng tùy mẫu, vẫn không được khách hàng lựa chọn.
Doanh số bán của SYM cũng giảm kể từ đầu năm 2019. Một số đại lý tại Hà Nội cho hay xe bán chậm, ít khách hỏi mua, những mẫu xe số bị ế ẩm nhiều.
Tuy nhiên, Honda Việt Nam dù tăng trưởng thấp nhưng vẫn có lợi nhuận tốt. Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2019 của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), cho thấy cổ tức được chia từ Công ty Honda Việt Nam là 5.824 tỷ đồng, trong đó lãi từ sản xe máy chiếm tỷ lệ lớn. VEAM chiếm giữ 30% cổ phần tại Honda Việt Nam.
Trần Thủy