Ắc quy bị cạn

Lỗi về hệ thống điện phổ biến nhất trên xe hơi đó là ắc quy xe bị cạn kiệt. Đây là bộ đầu tiên cần kiểm tra khi xe không có điện và khó khởi động.

{keywords}
Nên kiểm tra ắc quy định kỳ 4-6 tháng/lần. Ảnh: mechanicbase

Khi khởi động, động cơ cần lấy năng lượng từ ắc quy. Vì vậy khi ắc quy sắp cạn, nó không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình, dẫn đến động cơ mất nhiều thời gian hơn để khởi động. Trong tình huống này, bạn sẽ nghe thấy tiếng máy kêu chậm hơn bình thường. Hoặc khi ắc quy bị cạn kiệt hoàn toàn, bạn sẽ không nghe thấy tiếng động cơ.

Ngoài ra, các thiết bị khác hoạt động bằng nguồn điện trên xe cũng có dấu hiệu trục trặc. Do điện yếu, đèn pha sẽ không sáng như cũ, bảng điều khiển mờ hơn, loa bị rè v.v…

Điều kiện thời tiết cực đoan như quá nóng hoặc quá lạnh cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ của ắc quy. Bạn nên tránh làm ắc quy cạn quá sâu trước khi sạc lại, việc này làm ắc quy nhanh bị “chai” và rút ngắn thời gian sử dụng.

Để theo dõi tình trạng sức khỏe của ắc quy, bạn có thể sắm một bộ đồng hồ đo điện để kiểm tra định kỳ. Ắc quy tốt trong tình trạng được sạc đầy sẽ có điện áp 12,6 volt trở lên. Khi điện áp giảm xuống còn 12,2 Volt nghĩa là ắc quy đã bị chai, chỉ còn 50 % dung lượng. Nếu điện áp ở mức dưới 12 Volt, ắc quy đã bị hỏng hoàn toàn và cần mua bộ mới để thay thế.

Cực ắc quy bị lỏng, ăn mòn

Một vấn đề thường gặp khác đối với hệ thống điện đó là cực ắc quy bị ăn mòn, lỏng lẻo. Qua thời gian, cực ắc quy sẽ bị ăn mòn bởi hóa chất, làm giảm khả năng dẫn điện.

Sự cố này sẽ dẫn đến hiện tượng động cơ khởi động chậm, đèn không sáng nên thường bị nhầm với trường hợp cạn ắc quy. Nếu không tìm hiểu kỹ, chủ xe sẽ phải thay ắc quy không cần thiết, gây tốn kém.

{keywords}
Cực ắc quy bị ăn mòn vì hóa chất. Ảnh: Goauto

Dấu hiệu cực ắc quy bị mòn rất dễ nhận biết. Các cực ắc quy sẽ có một lớp bột màu trắng, xanh lá cây bao phủ. Việc vệ sinh cực ắc quy rất đơn giản và có thể tự làm ở nhà. Bạn chỉ việc tháo kết nối ở cực âm ắc quy, sau đó đến cực dương, rồi tiến hành vệ sinh bằng bàn chải, nước hoặc dung dịch tẩy rửa mua từ cửa hàng.

Máy phát điện bị hỏng

Nếu ắc quy của bạn còn mới mà xe vẫn gặp hiện tượng đề khó nổ thì khả năng cao máy phát điện trên xe đã bị hỏng.

Máy phát điện chính là nguồn sạc của cả chiếc xe. Nó tạo ra năng lượng điện từ cơ năng của động cơ. Điện phát ra được sử dụng để sạc cho ắc quy, vận hành các thiết bị điện như đèn táp lô, đèn trần, điều hòa nhiệt độ…Khi máy phát điện hoạt động ổn định, tuổi thọ của ắc quy sẽ được tối ưu. Điện áp sạc quá thấp hoặc quá cao đều ảnh hưởng đến tuổi thọ của ắc quy.

Bạn nên kiểm tra máy phát điện định kỳ từ 4-6 tháng/lần. Hãy nổ máy, tắt tất cả các thiết bị điện và đo điện áp đầu ra của máy phát. Nếu đo được điện áp từ 13,1 đến 14,6 Volt nghĩa là máy phát điện đang hoạt động tốt. Điện áp cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng này đều không tốt cho xe.

Bộ khởi động bị lỗi

Bộ khởi động (củ đề) là một linh kiện giúp khởi động động cơ ô tô. Nó nhận năng lượng điện từ ắc quy để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Khi bộ khởi động bị lỗi, bạn sẽ không nghe thấy tiếng kêu tách khi vặn khóa điện. Trong trường hợp này bạn nên kiểm tra tất cả kết nối từ ắc quy tới bộ khởi động, sử dụng giấy nhám hoặc bàn chải để làm sạch các giắc nối.

Một lý do khác khiến củ đề không hoạt động là bánh răng bị kẹt. Khi đó, động cơ không nổ máy nhưng đèn pha, kính gạt nước vẫn hoạt động.

Bugi bị lỗi

Bugi là một linh kiện khác trên xe hơi sẽ bị hao mòn sau thời gian sử dụng. Các nhà sản xuất ô tô thường khuyên bạn nên thay thế bugi sau quãng đường sử dụng khoảng 50.000 đến 80.000 km.

{keywords}
Đầu bugi bị cháy đen sau thời gian hoạt động. Ảnh: Wheeljoint

Ngoài hiện tượng xe khó khởi động, lỗi về bugi còn có thể dẫn đến các hậu quả hỏng hóc nghiêm trọng hơn như hỏng xi-lanh động cơ, thay thế rất tốn kém. Nếu có thể, khi thay bugi, bạn cũng nên thay luôn dây bugi mới để đảm bảo xe hoạt động ổn định.

Chập điện

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chập điện trên xe hơi, có thể do hỏng giắc nối, hỏng rơ le, bóng đèn bị cháy….,hoặc trong quá trình lắp đặt thiết bị mới, bảo dưỡng ô tô cũng có thể làm bong lớp vỏ cách điện các dây dẫn và gây ra chập điện.

Nhìn chung, chi phí sửa chữa chập điện thường không quá tốn kém nhưng phần khó nhất là xác định vị trí bị chập điện. Đôi lúc, thợ sửa chữa sẽ phải tháo tung chiếc xe để tìm nguyên nhân.

Ngân Vũ (theo CarfromJapan)

Bạn hài lòng hay thất vọng với chiếc xe đầu tiên của mình? Hãy chia sẻ câu chuyện mua ô tô lần đầu tiên của mình tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

 

Tốn hàng chục triệu để khắc phục ôtô ngập nước

Tốn hàng chục triệu để khắc phục ôtô ngập nước

Hệ thống điện là phần chịu ảnh hưởng đáng kể nhất khi ôtô bị ngập, bên cạnh nguy cơ động cơ thủy kích và nội thất bị lọt nước.