Nhiều người quá bận rộn hoặc cũng có thể do thói quen nên không mấy khi quan sát chiếc xe của mình trước khi khởi hành, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Họ chỉ biết trèo lên xe, khởi động và lái đi mà không hề có sự quan sát hay kiểm tra tình trạng kỹ thuật của ô tô.
Theo một số chuyên gia lái xe an toàn, cần bỏ ngay thói quen ra xe là ngồi lên đi ngay. Thay vào đó, nên dành ra 1-2 phút để kiểm tra vòng quanh xe trước khi di chuyển.
Việc quan sát dù chỉ bằng mắt thường nhưng cũng có thể phát hiện được những vấn đề của chiếc xe và giúp bạn có một hành trình an toàn, thuận lợi hơn.
Sau đây là một số bộ phận cần “soi” trước khi cho xe di chuyển:
1. Lốp xe:
Quan sát lốp xe ô tô là việc rất quan trọng trước mỗi chuyến đi. Một chiếc xe có thể bị non hơi hoặc dính đinh từ lúc nào không biết. Nếu chiếc xe di chuyển trong tình trạng non hơi, hết hơi sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của xe.
Bằng mắt thường có thể nhận ra lốp xe có non hay bị dính đinh hay không. |
Nếu phát hiện chiếc xe có vấn đề về lốp như non hơi, có đinh găm vào,… bạn phải kịp thời bổ sung ngay bằng bơm mini hoặc đến đến gara gần nhất để xử lý triệt để trước khi ra đường trường.
2. Gầm xe
Khi quan sát quanh xe, bạn có thể “ngó” cả khu vực gầm xe xem có chướng ngại vật gì vô tình lọt vào bên trong như mảnh gỗ, gạch đá hay đinh ốc hay không. Nếu không quan sát, có thể bánh xe chèn qua những chướng ngại vật này gây khó khăn khi di chuyển.
Xe có thể bị chảy dầu, nước làm mát mà nếu không quan sát, bạn sẽ không thể biết được. |
Đồng thời bạn cần quan sát xem có vết dầu máy hay không. Nếu có, hãy kiểm tra kỹ hơn ở khoang động cơ để tìm cách khắc phục, sửa chữa. Trên thực tế, nhiều chiếc xe bị chảy dầu lâu ngày dẫn tới cạn dầu mà chủ xe không biết, gây ra những hỏng hóc nặng cho động cơ.
Quan sát gầm xe đôi khi chúng ta còn thấy cả… phân chuột, điều này chứng tỏ những “anh chí” đã trú ngụ tại khoang động cơ của bạn dẫn tới nguy cơ một số dây điện, ống dẫn nước có thể đã bị cắn.
3. Kính lái
Các kính xe, đặc biệt là phía trước kính lái và bên dưới cần gạt mưa cần phải được làm sạch trước mỗi chuyến đi |
Nếu bạn đỗ xe ngoài trời, khu vực kính lái là nơi dễ đọng rất nhiều bụi bẩn, lá cây, cành cây nhỏ. Nếu không làm sạch mà cứ thế đi luôn sẽ ảnh hưởng nhất định đến tầm quan sát. Thậm chí cành lá cây, bụi bẩn bám vào khiến gạt mưa hoạt động kém, có thể gây xước kính,…
Do đó, các chuyên gia khuyên lái xe nên có thói quen "dọn dẹp" khu vực kính lái. Công việc này chỉ mất khoảng 10-15 giây mà thôi.
4. Sơn xe
Kiểm tra tình trạng xe, nước sơn bên ngoài xem có xước xát gì không. |
Chiếc xe của bạn dù đỗ tại một nơi an toàn thì cũng có thể bị các phương tiện khác va quệt và làm xước sơn, thậm chí móp méo. Do đó, trước khi di chuyển ra khỏi bãi đỗ, bạn cần kiểm tra xem có dấu vết nào mới trên sơn xe của bạn không.
Nếu không may trên xe xuất hiện các vết móp méo hoặc tróc sơn,… bạn cần kịp thời xác minh ngay với người trông giữ để làm rõ trách nhiệm.
5. Mở nắp ca-pô
Kiểm tra khoang động cơ không quá mất thời gian nhưng nhiều người tỏ ra “ngại” khi làm điều này. Tuy vậy, trước mỗi chuyến đi xa, bạn rất nên mở nắp ca-pô ra để kiểm tra, thông thường chỉ mất khoảng 30-45 giây để quan sát bộ phận này.
Kiểm tra nắp ca-pô không mất quá nhiều thời gian nhưng nhiều người thậm chí không mở lên xem bao giờ. |
Khi mở khoang động cơ, bạn nên kiểm tra xem động cơ có dấu hiệu rò rỉ dầu hay không. Ngoài ra, nên kiểm tra mực nước làm mát, nước rửa kính,… Nếu thiếu cần bổ sung ngay. Đồng thời, nếu trong khoang máy có nhiều lá khô kẹt vào, bạn cũng nên làm sạch bởi trong khi di chuyển, nhiệt độ khoang máy rất cao có thể làm cháy lá cây, rất nguy hiểm.
Như vậy, với 5 hạng mục ở trên, chỉ mất khoảng 1-2 phút trước khi khởi hành. Bạn có thể vừa nổ máy, vừa đi xung quanh quan sát. Các chuyên gia cũng khuyên rằng, nên nổ máy khoảng 30 giây - 1 phút rồi mới sang số và cho xe di chuyển.
Sau khi "soi" một vòng quanh xe, nếu không có vấn đề gì, bạn sẽ hoàn toàn an tâm để khởi hành. Còn trong trường hợp không may có hỏng hóc bất thường thì đây là khoảng thời gian "vàng" giúp bạn khắc phục, qua đó giảm thiểu tối đa rủi ro phát sinh trên đường.
Hoàng Hiệp
Bạn nghĩ sao về câu chuyện trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Trân trọng mời bạn đọc gửi tin bài, video, hình ảnh về Ban Ô tô - xe máy, báo VietNamNet qua email: Otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải, xin trân trọng cảm ơn!
Vì sao đỗ ô tô trong hầm, bãi gửi xe luôn phải quay đầu ra ngoài?
Lùi và quay đầu ra ngoài khi đỗ xe có ưu điểm hơn nhiều so với việc "cắm đầu" vào trong. Do vậy tại nhiều hầm, bãi gửi xe luôn bắt buộc tài xế phải quay đầu ra ngoài.