Cửa sổ trời
Cửa sổ trời, hay nóc xe làm từ kính, được thiết kế với mục đích cho phép các dòng xe mui kín có thể nhận được thêm ánh sáng hoặc không khí tự nhiên khi di chuyển. Các nhà sản xuất thường nói rằng trang bị này sẽ tăng thêm tiện ích và sự thoải mái cho người dùng.
Cửa sổ trời trước đây vốn chỉ xuất hiện trên các dòng xe hạng sang đòi hỏi tính tiện nghi cao cấp. Ngày nay, trang bị này ngày càng phổ biến ở xe phổ thông và được xem là một tính năng để thu hút khách hàng, tăng tính cạnh tranh với các đối thủ. Chẳng hạn, phiên bản Hyundai Accent cao cấp giá hơn 500 triệu cũng đã có cửa sổ trời.
Tuy vậy, cửa sổ trời chỉ thực sự phát huy tác dụng ở những nơi có tiết trời mát mẻ và không khí trong lành. Trong khi đó, hầu hết ô tô tại Việt Nam được sử dụng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nắng nóng cũng như môi trường nhiều khói bụi khiến cửa sổ trời bộc lộ nhiều hạn chế.
Trước hết, xe có trang bị cửa sổ trời cách nhiệt kém hơn xe mui kín. Khi dừng, đỗ hoặc chạy dưới trời nắng gắt, cửa sổ trời sẽ khiến nội thất nhận nhiều nhiệt lượng bởi vật liệu kính không cản ánh sáng và nhiệt độ tốt.
Từ đó, cabin sẽ nóng bức hơn thông thường, kém thoải mái người dùng cần mở điều hòa phải to hơn để duy trì nhiệt độ bên trong xe ở mức thoải mái. Nhiều người dùng sau khi mua xe đã phải dán thêm phim cách nhiệt hoặc lắp thêm các tấm cách nhiệt cho cửa sổ trời để giảm nhiệt cho xe vào mùa nắng nóng.
Ngay cả khi tiết trời mát mẻ và dễ chịu, cũng ít khi cửa sổ trời được các chủ xe tại Việt Nam dùng đến. Nếu vừa mở cửa sổ trời vừa chạy sẽ khiến cabin bị gió lùa gây ù và ồn, cộng thêm cát bụi cuốn vào làm bẩn nội thất.
Ngoài ra, tiếp xúc trực tiếp với nắng và nhiệt độ cao lâu ngày sẽ khiến cho các gioăng cao su cửa sổ trời bị lão hóa, chai cứng và không còn khít, kín như ban đầu. Nếu người dùng không chú ý chăm sóc, thay thế chi tiết gioăng cao su này có thể khiến cabin bị lọt cát bụi, hay thậm chí là thấm nước mưa gây hư hại nội thất.
Nhìn chung, cửa sổ trời thường chỉ được sử dụng khi lái xe vào buổi tối ở những đoạn đường vắng xe, hoặc chạy xe với tốc độ chậm trên đèo, dọc bờ biển khi trời không nắng gắt.
Thanh giá nóc
Nhiều dòng ô tô trên thị trường được trang bị giá nóc (baga mui) ngay từ khi xuất xưởng. Hầu hết trang bị này có sẵn ở các dòng xe gầm cao như crossover, SUV hay bán tải. Vẫn có một vài xe gầm thấp được lắp sẵn giá nóc, chẳng hạn như Mazda3 Sport hay VinFast Fadil tại Việt Nam.
Bên cạnh tác dụng phụ là giúp xe trông đẹp hơn, giá nóc là chi tiết để chủ xe có thể lắp thêm phụ kiện thùng hoặc khay chở đồ phía trên nóc xe. Nhờ đó, người dùng có mang theo những vật dụng cồng kềnh, vật dụng dã ngoại hoặc chở đồ đạc, hành lý khi xe đi đủ người, cốp xe hạn chế.
Trang bị này tuy có ích nhưng còn tồn tại một vài hạn chế nhất định nên không nhiều chủ xe mặn mà sử dụng. Thùng chở đồ hoặc hành lý chất trên nóc không chỉ khiến xe nặng hơn đáng kể mà còn tạo thêm lực cản gió, từ đó khiến xe vận hành tốn nhiên liệu hơn thông thường.
Khoa Phạm, một người chơi bộ môn chèo ván đứng ở TP.HCM chia sẻ: "Tôi thường xuyên đi dã ngoại, cần mang theo nhiều hành trang thì baga phụ lắp thêm trên nóc rất cần thiết. Tuy nhiên đồ nặng để trên nóc ảnh hưởng đến cảm giác lái của xe, nhất là lúc vào cua cảm giác xe thân lắc ngang nhiều hơn vì trọng tâm bị thay đổi khi không chở đồ".
Ngoài ra, việc để đồ đạc và hàng hóa trên nóc xe cần được thực hiện kỹ càng để tránh trường hợp rơi rớt lúc xe đang chạy, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác đi trên đường.
Bật tắt động cơ tự động
Để tối ưu khả năng tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm, các nhà sản xuất đã trang bị cho xe hơi chức năng bật tắt động cơ tự động. Nguyên lý hoạt động cơ bản là khi người lái đạp phanh và dừng xe, động cơ sẽ tắt và tự khởi động lại khi bàn đạp phanh được nhả.
Tùy theo hãng xe mà tên gọi của chức năng này sẽ khác nhau. Mercedes-Benz gọi là Eco Start/Stop, BMW gọi là Auto Start Stop, Mazda gọi là i-Stop trong khi Audi gọi đây là Automatic Start/Stop.
Đối với điều kiện giao thông đô thị ở Việt Nam, chức năng bật tắt động cơ tự động ít được người lái sử dụng. Lý do chính được các chủ xe đưa ra là đường phố đông đúc và tắc nghẽn khiến xe phải dừng liên tục, động cơ được tắt và đề nổ nhiều lần không cần thiết về lâu dài sẽ giảm độ bền của ắc-quy và cụm mô-tơ khởi động. Cùng với đó, khi được dừng hoạt động thì điều hòa được thiết lập tắt hoặc giảm công suất tùy theo các dòng xe khác nhau.
Ở các dòng xe mới hiện nay, hầu hết dòng xe có chức năng bật tắt động cơ tự động ngày nay đều được nhà sản xuất trang bị kèm nút tắt để người lái chủ động dùng hoặc không dùng chức năng này tùy theo điều kiện di chuyển.
Anh Minh Quân, một người dùng Mazda2 tại Hà Nội chia sẻ việc đầu tiên anh làm trước khi bắt đầu lái xe đi làm hàng ngày là tắt chức năng bật tắt động cơ tự động i-Stop để tránh hại bình ắc-quy. Thậm chí, anh duy trì thói quen này ngay cả lúc sử dụng xe đi xa.
Theo Zingnews
Bật đèn xe máy 24/24h: Thực nghiệm chứng minh mới thuyết phục được dân
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kỹ thuật ô tô, quy định bật đèn xe máy 24/24h có nhiều lợi ích hơn cho an toàn giao thông. Vấn đề còn lại đáng băn khoăn là việc bật đèn cốt thay cho đèn nhận diện.