Theo cáo trạng của VKSND huyện Tam Dương, bị cáo Lê Hồng Nhung (SN 1969, trú TP Vĩnh Yên) là cổ đông của công ty đã lợi dụng tín nhiệm, chỉ đạo các bị cáo để chiếm đoạt số tiền hơn 600 triệu đồng từ việc bán hơn 1 triệu viên gạch. 

Bị truy tố với vai trò đồng phạm, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xác định ông Phạm Văn Thảo (SN 1957, trú huyện Tam Dương, bảo vệ công ty) đã giúp sức bị cáo Lê Hồng Nhung khi bỏ ngoài sổ bảo vệ các chuyến xe gạch ra vào gây thiệt hại hơn 200 triệu đồng. 

Từ việc làm trên, cáo trạng thể hiện ông Thảo được hưởng lợi 900 nghìn đồng từ bà Nhung và bị truy tố tội "lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo điểm a, khoản 3, điều 175 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. 

Không thể vì 900 nghìn mà đánh đổi danh dự bản thân

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông Thảo trực tiếp tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc 1979. Qua các lớp đào tạo sỹ quan, ông giữ quân hàm đại úy, được tặng thưởng Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3 và gần 40 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Trong thư kêu oan, ông Thảo cho biết, những năm tháng về hưu, muốn giúp gia đình trang trải thêm cuộc sống nên đã làm bảo vệ tại công ty Hồng Phương rồi nhận kết cục bị truy tố tội danh chiếm đoạt tài sản. 

{keywords}
Camera an ninh ghi lại cảnh 1 buổi mâu thuẫn giữa các cổ đông

Ông cho biết, bắt đầu làm bảo vệ từ năm 2017, công việc hàng ngày vẫn diễn ra suôn sẻ cho đến khi có cổ đông mới là bà Nguyễn Thị Chấp (SN 1971, quê Hà Nội) xuất hiện. 

"Khi bà Chấp tham gia vào hoạt động của công ty với tư cách cổ đông lớn nhất, nội bộ công ty bắt đầu nảy sinh lục đục. Công việc làm ăn từ đó sa sút và đứng trên bờ vực phá sản. Nhiều cuộc họp tại công ty xảy ra cãi vã, là bảo vệ tôi nhiều lần vào can ngăn nhưng bất thành", ông Thảo kể.

Đầu 11/2017, công ty làm ăn thua lỗ, mâu thuẫn các cổ đông lên đỉnh điểm, giám đốc lúc bấy giờ là ông Thêm không thể chỉ đạo điều hành công ty. 

"Công ty nợ tiền điện, lương công nhân nhiều ngày, họ kéo đến để đòi quyền lợi. Ông Thêm đã gọi bà Chấp đến để họp bàn chuyện góp tiền thì tại đây lại xảy ra cãi vã rồi bà Chấp bỏ về mà không đóng góp gì dẫn đến việc công ty bị dừng hoạt động nhiều ngày", ông Thảo nói.

Theo ông, khi công ty hoạt động trở lại, bà Nhung xuống phòng bảo vệ và thông tin việc từ nay bà Chấp không tham gia đóng góp, mọi hoạt động và công nợ của công ty là 1 mình bà Nhung quán xuyến nên dặn bảo vệ chăm nom công ty cẩn thận, tránh mất mát.

"Quá trình làm việc, bà Nhung có đưa tiền cho tôi thành nhiều đợt, mỗi đợt mấy chục nghìn và nói rằng đây là số tiền để đi lễ tại điện thờ. Cộng dồn các đợt khoảng 900 nghìn.

Sau này khi bị truy tố, tôi ngỡ ngàng không hiểu vì sao cơ quan tố tụng lại cho rằng số tiền này tôi có được từ việc tiếp tay cho bà Nhung chiếm đoạt tài sản của công ty", lời ông Thảo.

Ông nghẹn ngào: "Trở về từ cuộc chiến khốc liệt, tôi không ngờ lại có ngày chịu oan uổng như vậy. Không thể nào tôi vì 900 nghìn mà đánh đổi danh dự bản thân, gia đình".

Lời khai được ghi sẵn?

Nói về trình tự tố tụng của công an huyện Tam Dương, ông Thảo cho rằng lời khai của mình thời điểm làm việc với điều tra viên là chưa khách quan. 

Cụ thể, trong đơn ông cho rằng bản ghi lời khai của ông do điều tra viên Hoàng Đức H. ghi sẵn để ông ký vào. 

"Ông H. đã 4 lần xuống nhà riêng của tôi để lấy lời khai, việc này có vợ, con tôi chứng kiến. Lần cuối, ông H. xuống và đưa 1 biên bản ghi lời khai ghi sẵn và bảo tôi ký. Vì quá mệt mỏi trong quá trình làm việc, tôi đành ký", lời ông Thảo.

Tại phiên tòa xét xử vụ án ngày 12/11, điều tra viên Hoàng Đức H. được tòa mời đến. Tại phiên tòa, ông H. phủ nhận những việc làm trên và cho biết "đã làm đúng theo quy định của pháp luật".

{keywords}
Phiên tòa xét xử vụ án chiều 12/11

Với nhiệm vụ bảo vệ, ông Thảo cho rằng thống kê các xe ra vào và số gạch mà kết luận điều tra đưa ra cần phải xem xét lại. 

"Trong công ty còn có xưởng than sạch đều ra vào chung 1 cổng và bịt kín bạt khi đi ra. Ngoài ra, nhiều gạch bị hỏng, kém chất lượng, công ty cho người dân đến chở về để đổ nền mặt đường. Nếu nói các chuyến xe ra vào đều chở gạch thì không đúng", ông Thảo nói.

Người lính với 15 năm gắn bó trong quân ngũ kêu oan: "Bản thân tôi là bảo vệ, làm đúng, đủ theo chỉ đạo của công ty, không gây mất mát bất cứ thứ gì. Việc bị truy tố khiến tôi suy sụp vì quá oan khuất". 

Luật sư Đào Ngọc Lý (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, cơ quan tố tụng huyện Tam Dương đã hình sự hóa một mối quan hệ dân sự. 

Ngoài ra, trong vụ án xử tội chiếm đoạt tài sản mà đến nay không xác định được bị hại khi công ty Hồng Phương không tồn tại, không còn địa chỉ, không bộ máy. 

"Thời điểm khởi tố, công ty đã không tồn tại. Việc ông Thảo tự nộp 900 nghìn theo yêu cầu của cơ quan điều tra, tuy nhiên số tiền này giờ biết khắc phục cho ai vẫn là điều bi hài của vụ án", ông Lý nêu bất cập. 

Được biết, TAND huyện Tam Dương tuyên trả hồ sơ, chuyển VKSND tỉnh thụ lí giải quyết.

Đoàn Bổng  

Phiên tòa ở Vĩnh Phúc xử vụ án chiếm đoạt mà chưa tìm ra bị hại?

Phiên tòa ở Vĩnh Phúc xử vụ án chiếm đoạt mà chưa tìm ra bị hại?

Bà Nhung (SN 1969, trú TP Vĩnh Yên) bức xúc khi cơ quan tố tụng huyện Tam Dương đã hình sự hóa một vụ án dân sự mà bản thân bà là bị cáo.