Chiều 27/3, TAND TP.HCM đã thuận tình ly hôn cho vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và chia ông Vũ được hưởng 60% và bà Thảo 40% tài sản chung là các cổ phần trong các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên. Tòa yêu cầu bà Thảo giao lại toàn bộ số cổ phần cho ông Vũ và ông Vũ có trách nhiệm hoàn lại bằng tiền cho bà Thảo.

Về tài sản là tiền, vàng có giá trị là hơn 1.765 tỉ, HĐXX nhận thấy trong trường hợp không có căn cứ chứng minh tài sản đang có tranh chấp là tài sản riêng mỗi bên thì tài sản đang tranh chấp là tài sản chung nhưng có tính đến công sức đóng góp của các bên. Theo đó, Tòa giao bà Thảo tiếp tục quản lý tài sản này, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.

{keywords}
Luật sư Phan Trung Hoài. Ảnh: Zing

Ngay khi tòa vừa tuyên, bà Thảo đã gục mặt xuống, nước mắt lã chã nói với báo chí “Một bản án quá bất công với con tôi”. Suốt chặng đường từ phòng xử án ra xe, bà Thảo khóc không ngừng.

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thảo) cho hay, bà Thảo cảm thấy 'rất thất vọng với bản án' vì Tòa đánh giá về bản chất vụ án, cách xử lý có nhiều điểm không đúng. 

{keywords}
Bà Thảo thất vọng với bản án mà Tòa đã tuyên

Luật sư Hoài cho biết thêm: “Nếu nói về cá nhân tôi với tư cách luật sư thì có 3 vấn đề từ phán quyết đó. Thứ nhất là đánh giá về quá trình, công sức đóng góp của vợ chồng chỉ mới thiên theo một phía chứ còn toàn bộ lịch sử Trung Nguyên, bắt đầu từ khi thành lập tập đoàn là từ năm 1998, tức là sau khi vợ chồng kết hôn.

Bà Thảo đã tham gia đóng góp cùng với chồng để duy trì, phát triển thương hiệu, nhất là mảng về quốc tế nhưng Tòa không nói tới công sức của người vợ thì đánh giá như thế chưa được toàn diện, đầy đủ và mới chỉ chấp nhận theo phần trình bày của ông Vũ. Tuy nhiên, phần trình bày đó cũng không phù hợp với các chứng cứ về phía bà Thảo đã cung cấp.

Thứ 2 là tỉ lệ cổ phần, bà Thảo không chỉ góp vốn. Tỉ lệ góp vốn trong cổ phần của công ty là sự phân định, phân công của hai vợ chồng chứ bản thân tỉ lệ đó không phải là tỉ lệ mà giống như là ông Vũ góp nhiều hơn, bà Thảo góp ít hơn.

Bởi tổng quan chung, Công ty CP đầu tư Trung Nguyên, hai vợ chồng chiếm tới 90%, nếu xác định tài sản chung vợ chồng thì phải xác định là chia đôi. Điều này dẫn tới hệ lụy là tước bỏ quyền của không chỉ là của người vợ mà là cái quyền của cổ đông trong việc tham gia điều hành Trung Nguyên. Đó là cái quan trọng.

{keywords}
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Thứ 3 là, tại phiên tòa VKS đã có đánh giá rất là xác đáng là yêu cầu phản tố (phản tố về phần tiền mặt, vàng, ngoại tệ - PV) bản thân ông Vũ đã rút, không có một văn bản nào phủ nhận cái việc rút đó và trình tự các khoản tiền trong yêu cầu phản tố đó chưa được các bên kiểm tra, đối chiếu và hòa giải.

Tuy nhiên, Tòa lại mặc nhiên coi là tài sản chung của vợ chồng. Trong khi toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, toàn bộ số tiền trong tài khoản của bà Thảo phát sinh sau khi bà Thảo khởi kiện ly hôn cũng đã được thụ lý.

Một phán quyết như thế không bảo đảm về mặt căn cứ pháp lý và gây ảnh hưởng về mặt đánh giá, bị sai lệch làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thảo”.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói gì về vợ trước khi tòa tuyên án?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói gì về vợ trước khi tòa tuyên án?

Bên lề phiên tòa hôm qua, ông Vũ một lần nữa cho hay, muốn bà Thảo chăm lo con cái, kinh doanh gì đó nhỏ nhỏ còn để Trung Nguyên cho ông phát triển ra toàn cầu.

Đoàn Nga