TAND TP Hà Nội vừa đưa các bị cáo Vũ Tuấn Anh (SN 1971, ở Hà Nội), Hoàng Tiến Sinh (SN 1967, ở Hưng Yên), Nguyễn Văn Cừ (SN 1967, ở Bắc Ninh), Phạm Văn Thùy (SN 1973) Nguyễn Văn Lân (SN 1962, đều ở Hải Dương) ra xét xử tội Trộm cắp tài sản và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Các bị cáo đều từng có tiền án về tội Trộm cắp tài sản.
Theo cáo buộc, khoảng tháng 2/2018, qua tìm hiểu, Tuấn Anh biết chùa Bảo Lâm (ở Tiến Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) là một trong nhiều ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia có nhiều pho tượng cổ có giá trị.
Nảy sinh ý định trộm cắp tượng phật để bán lấy tiền ăn tiêu, Tuấn Anh đến chùa thăm dò, quan sát nơi để các pho tượng cổ. Anh ta gọi điện thoại cho Sinh hẹn gặp để bàn bạc kế hoạch trộm tượng phật.
Tối 18/3/2018, Sinh gọi điện thoại cho Thùy và Cừ hẹn tối cùng ngày sẽ “khoắng mẻ lớn”.
Tối hôm đó, Thùy lái xe ô tô chở Cừ và Sinh đến gần chùa Bảo Lâm rồi dừng lại. Sinh và Cừ xuống xe, cầm theo túi đựng bao tải, mũ trùm đầu, găng tay, kìm cộng lực đi bộ đến Chùa.
Cả hai trèo tường vào bên trong Chùa. Cừ đứng giữ cửa để Sinh dùng kìm cộng lực cắt đai khóa nhà chính, đi vào bên trong gian tam bảo lấy trộm 3 pho tượng Tam Thế, 1 pho tượng phật Quan âm Tọa sơn, 2 pho tượng A di đà ngồi, 1 pho tượng phật A di đà tiếp dẫn và 1 pho tượng Quan âm.
Sinh và Cừ bê 8 pho tượng này đi theo đường cửa lách bên phải, để ở trong cổng chùa rồi gọi điện thoại cho Thùy đi ô tô vào chở tượng.
Thùy lấy băng dính dán sửa biển kiểm soát xe 29B-124.91 thành 29B-164.81 và đi xe ô tô vào đỗ trước cổng chùa Bảo Lâm để đồng bọn bê 8 pho tượng xếp vào trong ô tô, rồi lái xe chở đồng bọn rút khỏi hiện trường.
Nhóm trộm bán cho Nguyễn Văn Lân 1 pho tượng A di đà ngồi, 1 pho tượng A di đà tiếp dẫn với giá 42 triệu đồng; bán cho Tuấn Anh 6 pho tượng còn lại với giá 52 triệu đồng.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân (Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam) và Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến (Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật, Bộ VHTT&DL, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia) xác định: 8 pho tượng mà các bị cáo trộm cắp tại chùa Bảo Lâm là cổ vật quốc gia, có trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Đem trả cổ vật bị đánh cắp
Ngày 4/10/2018, anh Hoàng Văn Tú (SN 1984, ở Hưng Yên) đến Công an Hà Nội giao nộp 1 pho tượng Quan Âm tọa sơn. Theo lời khai của anh Tú, khoảng tháng 4/2018, anh mua pho tượng trên tại một cửa hàng ở quận Tây Hồ với giá 22 triệu đồng.
Anh Tú mang về trưng bày tại cửa hàng của mình hôm khai trương. Những người đến dự buổi khai trương nói, pho tượng này giống pho tượng bị trộm cắp mà CQĐT đang truy tìm nên anh Tú đã tự nguyện đến giao nộp.
Ngày 21/10/2019, Công an Hà Nội đã trả lại pho tượng cho ông Nguyễn Văn Mười (Sư trụ trì Thích Viên Nguyện). Ông Mười đã nhận lại pho tượng và yêu cầu các bị cáo bồi thường 7 pho tượng đã mất là hơn 990 triệu đồng.
Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tuấn Anh 9 năm tù; Sinh và Cừ nhận 12 năm; Thùy 11 năm và Lân 42 tháng.
Bà 'trùm' Thanh Hóa cầm đầu đường dây trộm 100 tấn chó lãnh 30 tháng tù
TAND tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra xét xử bị cáo Lê Thị Phượng (35 tuổi, ngụ xã Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa) và các đồng phạm trong đường dây trộm 100 tấn chó.
T.Nhung