Cựu chỉ huy chi nhánh CIA ở Milan, vốn đã bị một tòa án Italia kết tội bắt cóc một nghi phạm khủng bố, vừa bị bắt giữ ở Panama. 

TIN BÀI KHÁC:



{keywords}
Giáo sĩ Hassan Mustafa Osama Nasr.

Các nhà chức trách Italia cho hay, Robert Seldon Lady đã bị tuyên 9 năm tù giam vì vai trò của ông này trong vụ bắt giữ một giáo sĩ Ai Cập ở Milan năm 2003. Giáo sĩ Hassan Mustafa Osama Nasr, còn được biết đến là Abu Omar, được cho là đã được di chuyển bằng máy bay tới Ai Cập và bị tra tấn.

Lady bị kết án vắng mặt cùng với 22 người Mỹ khác vì vai trò của họ trong vụ việc. Tuy nhiên, các nhà chức trách Italia đến nay vẫn nỗ lực truy bắt trên phạm vi quốc tế đối với vị cựu chỉ huy CIA.

CIA cho biết, cơ quan này chưa có bình luận tức thời nào về vụ bắt giữ. Trong khi đó, các nhà chức trách Panama khẳng định họ không hay biết về sự việc.

Panama và Italia không có hiệp ước dẫn độ, vậy nên chưa rõ liệu ông Lady có bị đưa tới Italia để thụ án hay không.

Được biết, Lady bị bắt gần biên giới Panama với Costa Rica. Truyền thông Italia đưa tin, một lệnh truy nã quốc tế đã được Bộ trưởng Tư pháp thời chính quyền trước đó của Italia theo đuổi từ tháng 12/2012.

Một công tố viên về vụ Lady nói rằng lệnh truy nã của Interpol cho thấy quyết tâm của Italia trong việc dẫn độ được ông này về.

Hassan Mustafa Osama Nasr, bị Mỹ coi là một nghi phạm khủng bố, đã bị bắt cóc trên một con phố Milan hồi tháng 2/2003 và được thuyên chuyển giữa các căn cứ quân sự Mỹ ở Italia và Đức trước khi được đưa tới Ai Cập. 

Năm 2009, 22 điệp vụ CIA, bao gồm Lady, và một phi công không lực đã bị kết án về tội bắt cóc vị giáo sĩ. Các mức án của họ đã được tòa thượng thẩm Italia giữ nguyên. Sau đó, vào tháng 2 năm nay, thêm 3 người Mỹ khác, bao gồm chỉ huy chi nhánh CIA tại Rome Jeffrey Castelli, cũng bị một tòa phúc thẩm Italia kết tội.

Không ai trong số 26 bị cáo có mặt tại tòa án Italia khi xét xử và chỉ 2 người có liên hệ với luật sư của họ. Theo hãng tin AP, một loạt tên tuổi trong danh sách bị kết án chỉ là biệt danh.

Thông tin cho biết, năm 2007, Lady đã vội vã về Mỹ khi các phiên tranh tụng ở Milan bắt đầu để quyết định liệu có đưa 23 người Mỹ ra xét xử hay không. Cựu chỉ huy CIA ở Milan này cho biết ông đã phản đối đề xuất bắt cóc vị giáo sĩ nhưng ý kiến của ông đã bị gạt bỏ. 

Thanh Hảo (Theo BBC)