- Bác sĩ không thể đi theo để biết bệnh nhân ăn uống thế nào nên mỗi người phải hiểu được bệnh của mình để điều chỉnh đường huyết ổn định.

Ths.BS Hồ Khải Hoàn - Phó Trưởng khoa Đái tháo đường - BV Nội tiết TƯ đã có những chia sẻ để bệnh nhân tiểu đường có thể "sống chung với lũ".

Bác sĩ Hồ Khải Hoàn kể, có bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng gầy yếu, tiều tụy. Hỏi ra thì được biết, do bị tiểu đường nên bệnh nhân này kiêng khem, không dám ăn gì. Không ăn nên không có sức chống chọi với bệnh tật và sức khỏe suy sụp, ngất xỉu phải vào viện cấp cứu.

Theo BS Hoàn, không ăn thì đường huyết không tăng dù là người bình thường hay người bị bệnh. Do đó, người bị bệnh tiểu đường không nên kiêng khem quá mức, nên ăn uống bình thường và uống thuốc, luyện tập để đường huyết ổn định ở mức cho phép.

BS Hoàn đã đưa ra 5 'công cụ' thiết yếu để những người bệnh tiểu đường sống khỏe gồm: giáo dục sức khoẻ; chế độ dinh dưỡng; hoạt động thể lực; thuốc men; các xét nghiệm kiểm tra.

1. Giáo dục sức khỏe

Theo BS Hoàn, biện pháp cơ bản nhất là các bác sĩ phải hướng dẫn cho người bệnh cách tự chăm sóc cho mình, hiểu bệnh của mình. Người bệnh cần phải học cách tự kiểm tra đường huyết, cách rèn luyện thể lực, cách ăn uống như thế nào cho phù hợp với tình trạng bệnh lý trong những thời điểm khác nhau.

Có rất nhiều cách để người bệnh có được những thông tin chính xác và đầy đủ như thông qua sách báo, ti vi hay các cơ sở tư vấn tin cậy.

Bệnh nhân tiểu đường phải lựa chọn những thông tin luôn luôn biến đổi theo thời gian mới tìm được những nhu cầu đích thực và những gì cần làm, cần tuân thủ theo. Nhờ đó, người bệnh có thể thích ứng để không ngừng nâng cao sức khoẻ cho chính mình và có đủ bản lĩnh 'sống chung với lũ'.

2. Dinh dưỡng

Hiểu rõ về căn bệnh này thì mỗi người sẽ biết tự điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tuân thủ ăn đúng bữa, dùng thuốc đúng giờ. Những chất có đường là phải kiêng tuyệt đối.

{keywords}

Theo BS Hoàn, bệnh nhân phải rất giỏi mới biết điều chỉnh liều lượng ăn, dùng thuốc và hoạt động hàng ngày. Nếu đi đám cưới, có thể sẽ bị ăn nhiều hơn hay hoạt động nhiều hơn, ăn ít hơn thì phải biết điều chỉnh việc dùng thuốc. Còn không, bệnh nhân cứ tuân thủ theo chế độ ăn, uống thuốc và tập luyện hàng ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

Người bệnh có thể dùng chế độ ăn để đạt được những yêu cầu như: giữ đường huyết, mỡ máu, huyết áp, cân nặng... ở mức như người bình thường hoặc gần như người bình thường, đảm bảo đầy đủ vitamin và khoáng chất.

3. Hoạt động thể lực

Khi ăn, đường huyết của người bệnh sẽ tăng lên, nhưng khi được dùng thuốc hoặc khi hoạt động thể lực thì đường huyết được hạ thấp xuống. Hoạt động thể lực bao gồm lao động chân tay và tập luyện TDTT.

Hoạt động thể lực sẽ giúp bệnh nhân tiêu hao lượng đường trong máu, đốt cháy và loại bỏ chất béo dư thừa trong cơ thể. Đồng thời, lưu thông tuần hoàn và ổn định chức năng hoạt động của cơ quan trong cơ thể như tim, phổi, gan...

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, người bệnh phải hiểu được nếu đi tập không may bị hạ đường huyết thì phải xử lý thế nào. Chẳng hạn, mang theo kẹo đường hỗ trợ, hay thấy dấu hiệu huyết áp tăng thì phải dừng lại,...

4. Thuốc men

BS. Hoàn cho biết, thuốc điều trị bệnh hiện nay thường dùng là thuốc tiêm (insulin) hoặc thuốc uống (sulphonylure. Metformin, Acarbo...), có thể dùng phối hợp các loại đó theo phác đồ điều trị của bác sỹ chuyên khoa.

Một số bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 không cần dùng thuốc nếu duy trì được thường xuyên đường huyết trong giới hạn bình thường bằng chế độ ăn đủ năng lượng và hoạt động thể lực hợp lý.

5. Kiểm tra

Người bệnh phải tự kiểm tra đường huyết thường xuyên theo thời gian biểu đã định. Tuy nhiên, có những khi đường huyết thất thường thì sự kiểm tra này phải thay đổi thời gian để hiệu chỉnh lại - vấn đề này nhiều khi cần có sự can thiệp của thầy thuốc.

{keywords}

Ngoài ra, kiểm tra ceton niệu, HbA1C theo định kỳ 3-6 tháng/lần để theo dõi xu hướng của việc quản lý đường huyết qua từng thời gian điều trị. Như vậy, mỗi một biện pháp kiểm soát đều có chung một mục đích là nâng cao sức khoẻ cho người bệnh.

BS Hồ Khải Hoàn nhấn mạnh, những người bệnh tiểu đường phải dùng thuốc thực chất là để ăn vì người bệnh này khác với người bình thường khác. Nếu không ăn thì đường huyết không tăng nhưng lúc đó cơ thể không có chất dinh dưỡng, không cung cấp được năng lượng cho cơ thể. Do đó, người bệnh phải có chế độ ăn uống để khỏe mạnh và điều chỉnh lượng glucose trong máu.

Theo BS Hoàn, thực tế điều trị cho các bệnh nhân tiểu đường cho thấy không dễ thực hiện được bởi thói quen ăn uống bất hợp lý, ít vận động đã "ăn sâu" vào đời sống của mỗi người. Sự kém hiểu biết về hậu quả của bệnh cũng khiến người bệnh không quyết tâm thay đổi.

Bệnh tiểu đường là một trong số các căn bệnh phổ biến hiện nay ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Vì vẫy, mỗi người cần phải nhận biết được những nguy cơ, triệu chứng để có cách phòng tránh và điều trị kịp thời.

Điều tiết khẩu phần ăn phù hợp

Chế độ ăn luôn luôn là nền tảng, kết hợp với việc dùng thuốc. Nếu bệnh nhân có chỉ định phải dùng thuốc thì phải tuyệt đối tuân thủ chế độ thuốc của bác sĩ để điều trị. Bên cạnh đó, duy trì lối sống tập luyện. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới, những người bị tiểu đường một ngày nên vận động ở mức độ trung bình 30 p/ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần.

Chế độ ăn cần cân bằng các khẩu phần thức ăn giữa các nhóm chất quan trọng như chất đường, chất béo, đạm, vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước, khoảng 2-2,5 l/ngày. Không phải ăn kiêng mà chỉ cần điều tiết các khẩu phần ăn cho phù hợp, chẳng hạn tinh bột chiếm 40-45% khẩu phần thức ăn như mỗi bữa chỉ ăn 1-1,5 bát cơm trong bữa trưa và tối. Nên tránh hoặc hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường máu cao như miến, bánh mỳ...

Việc cân bằng mức năng lượng nạp vào giữa các bữa ăn cũng rất lưu ý, vì đôi khi người Việt hay cho rằng bữa ăn sáng không quan trọng và thường bỏ bữa hoặc ăn không đủ năng lượng. Thường thì bữa ăn sáng nên chiếm khoảng 1/3 năng lượng trong 1 ngày, có thể phân bổ là bữa sáng 30%, trưa 30-40% và tối 30-40%. Cố gắng duy trì các bữa ăn đều trong ngày và không được bỏ bữa.

(TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền - Phó trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương)

Bảo Anh