Theo TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong khi đó, kháng sinh không có tác dụng chống lại virus.

Mặc dù một số bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị bằng kháng sinh, nhưng đó là biện pháp dùng để điều trị các nhiễm trùng cơ hội hay còn gọi là biến chứng do nhiễm khuẩn bội nhiễm. Với các trường hợp này, việc dùng kháng sinh phải được khuyến nghị bởi thầy thuốc, dựa trên tình trạng lâm sàng của người bệnh.

“Tình trạng kháng thuốc có xu hướng tiếp tục gia tăng do việc sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh trong đại dịch Covid-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo”, TS Thái nói.

Theo ông, hơn 1 năm qua, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam, vấn đề nâng cao hiểu biết, nhận thức của mọi tầng lớp người dân về sử dụng thuốc kháng sinh theo nguyên tắc 5 đúng (đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian) càng cần thiết được nâng cao.

“Sở Y tế các cấp, từ Trung ương đến địa phương cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao, tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý góp phần vào công cuộc phòng chống kháng thuốc, trong điều trị và cho tương lai”, TS Thái nhấn mạnh.

TS cho biết, năm 2021, Việt Nam đối phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế liên tục cập nhật và ban hành hướng dẫn về chẩn đoán điều trị, trong đó có nội dung sử dụng thuốc kháng sinh điều trị bội nhiễm.

Bộ Y tế đã tích cực triển khai "Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện". Thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chiến lược phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2022-2026.

Kháng kháng sinh (AMR) là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Tình trạng này xảy ra khi các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng.

Kháng kháng sinh gây ra bởi sử dụng thuốc chưa hợp lý, ví dụ dùng kháng sinh cho các nguyên nhân do virus như cảm lạnh, cúm hoặc sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn thuốc được kê cho người khác, tự mua thuốc kháng sinh để sử dụng, dùng thuốc kém chất lượng, kê đơn chưa hợp lý…

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn chưa hiệu quả có thể dẫn đến sự phát triển và lan rộng của tình trạng kháng thuốc.

Tại Việt Nam, thuốc kháng sinh chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị của người bệnh. Đáng chú ý, nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng là một phần nguyên nhân của các bệnh hô hấp phổ biến như viêm xoang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi cộng đồng… với tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng tăng, làm gia tăng tỷ lệ tử vong dẫn đến nhiều gánh nặng về điều trị y tế và tổn thất kinh tế.

Một số yếu tố khác cũng dẫn đến sự lan rộng của kháng kháng sinh, như tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, thiếu thiết bị xét nghiệm vi sinh, thiếu nhân viên được đào tạo chính quy về vi sinh và dược lâm sàng.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Hồng Phúc - Nguyễn Liên

TP.HCM chấn chỉnh tình trạng người dân khó tiếp cận túi thuốc C

TP.HCM chấn chỉnh tình trạng người dân khó tiếp cận túi thuốc C

Sở Y tế TP.HCM xác nhận, có tình trạng F0 chưa tiếp cận được túi thuốc C. Một số cán bộ y tế chưa làm tròn trách nhiệm với các F0 trên địa bàn.