Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp biến thể Omicron vào nhóm gây lo ngại. Tuy nhiên, sự hiểu biết về chủng virus SARS-CoV-2 này vẫn còn rất hạn chế.

Các nhà khoa học mới xác định được khoảng 100 mẫu bệnh phẩm nhiễm Omicron trong khi số ca nhiễm Delta được xác định qua giải trình tự gen là 2,8 triệu.

Bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, thông tin: “Chúng tôi chưa biết nhiều về Omicron. Những gì chúng tôi biết là biến thể đó có một số lượng lớn các đột biến, có thể tác động đến cách thức hoạt động của virus”.

“Sẽ mất một vài tuần để chúng tôi hiểu biến thể này có tác động gì", bà Kerkhove nói thêm.

Katelyn Jetelina, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng UTHealth, cho rằng nhiều nhà khoa học đang hy vọng có câu trả lời sớm hơn thế.

{keywords}

Bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19. Ảnh: AP

Omicron chứa một vài đột biến mới

Các nhà nghiên cứu Nam Phi đã xác định trường hợp nhiễm Omicron đầu tiên vào ngày 9/11, sau đó báo cáo biến thể này cho WHO vào ngày 24/11. Các nhà khoa học hy vọng, họ đã phát hiện ra biến thể ở giai đoạn đầu, vì phần lớn các trường hợp được ghi nhận vẫn tập trung ở miền nam châu Phi.

Nhà dịch tễ học Jetelina nhận định: “Nam Phi có một trong những hệ thống giám sát bộ gen tốt nhất trên thế giới, vì vậy chúng tôi biết rằng họ liên tục theo dõi virus SARS-CoV-2. Việc chỉ phát hiện 100 ca mắc ở Nam Phi thực sự cho chúng tôi hy vọng đây mới là giai đoạn bắt đầu của sự lây lan".

Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho thấy Omicron có khả năng lây cao so với các biến thể khác. Đầu tiên, số ca Covid-19 ở Nam Phi đã tăng mạnh trong vài tuần qua. Số ca mắc trung bình hằng ngày đã tăng gấp 13 lần kể từ khi biến thể này được phát hiện vào ngày 9/11, từ khoảng 275 lên 3.700 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới chỉ xác định được 100 ca nhiễm Omicron qua giải trình tự gen. 

Omicron cũng chứa một số đột biến được tìm thấy trong các biến thể khác - bao gồm Delta và Alpha - có thể giúp nó lây lan, làm cho vắc xin kém hiệu quả hơn hoặc dẫn đến bệnh nặng hơn.

Biến thể mới cũng mang một số đột biến không quen thuộc. “Có một số đột biến mà chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào. Vì vậy, những câu hỏi đầu tiên là: Đây là đột biến gì? Chúng ta có cần phải lo lắng về chúng hay không?", bà Jetelina bày tỏ.

Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định được 32 đột biến trên protein gai của biến thể Omicron. 

Chưa cần thiết phải hoảng sợ

Số lượng đột biến cao hơn chưa chắc làm cho một biến thể nguy hiểm, dễ lây truyền hoặc gây ra thách thức lớn hơn đối với vắc xin so với các biến thể gây lo ngại khác.

Bà Jetelina chia sẻ: “Chúng tôi vẫn chưa biết liệu biến thể mới này có cạnh tranh được với Delta hay né được vắc xin hay không".

Các nhà khoa học vẫn đang chờ đợi các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để xác định hiệu quả của kháng thể virus SARS-CoV-2 - từ vắc xin hoặc từng nhiễm Covid-19 - chống lại Omicron.

Họ cũng theo dõi biến thể này lây lan như thế nào trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Mới 24% dân số ở Nam Phi tiêm đủ 2 mũi.

Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, chia sẻ thông điệp: “Virus tiến hóa và có nhiều biến thể. Đó không phải là ngày tận thế. Bầu trời không sụp đổ. Có ý kiến rằng chúng ta chờ đợi các biến thể mới. Tôi không muốn mọi người dành cả đời để lo lắng về điều đó mỗi ngày".

An Yên (Theo Insider)

Cần 2 tuần đánh giá hiệu quả của vắc xin với biến thể lạ Omicron

Cần 2 tuần đánh giá hiệu quả của vắc xin với biến thể lạ Omicron

Hãng dược BioNtech cho biết cần 2 tuần để xác định hiệu quả của vắc xin Covid-19 chống lại biến thể Omicron mới xuất hiện ở Nam Phi.