Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại nước ta đánh dấu bằng ca bệnh 2857 ở Yên Bái (lây từ chuyên gia trong khu cách ly) vào ngày 27/4. Đến nay, đợt dịch thứ 4 này đã lan ra 31 tỉnh, thành phố với 2.348 ca trong nước từ nhiều nguồn lây nhiễm, trong khi 3 tháng đợt dịch lần 3 Việt Nam mới ghi nhận 910 ca trong nước..

Điểm khác biệt trong đợt dịch lần này, Việt Nam phải ứng phó cùng lúc với 2 biến chủng đến từ Ấn Độ và Anh, trong đó hầu hết các ổ dịch lớn tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… đều nhiễm biến chủng Ấn Độ.

Biến chủng B.1.167 từ Ấn Độ mang đột biến kép nên vừa có khả năng lây lan nhanh, vừa có khả năng chống lại hiệu quả của vắc xin. Đến nay, dù chưa rõ lây nhanh hơn các chủng cũ bao nhiêu %, song người ta nhận thấy biến chủng Ấn Độ lan tràn nhanh hơn hẳn.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng đánh giá: “Chủng mới lây lan rất nhanh, chỉ sau 1-2 ngày đã bùng lên như ổ dịch ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

{keywords}

SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, riêng chủng Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn hẳn các chủng từng biết

Qua theo dõi các chùm ca bệnh, GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng kết luận, biến chủng mới có tốc độ lây nhiễm rất nhanh.

"Trong báo cáo của Bộ Y tế, có những trường hợp mới tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng, nồng độ virus trong hầu họng nhân lên đủ lớn để xét nghiệm ra dương tính”, GS Tuấn nói.

Bằng chứng, 2 ca bệnh 3669 và 3674 ở Hà Nội có thời gian ủ bệnh chỉ hơn 24 tiếng. Đây là 2 F1 của bệnh nhân 3634, cựu giám đốc Hacinco.

Sáng 11/5, 2 bệnh nhân cùng tham gia buổi giới thiệu dự án bất động sản mới với bệnh nhân 3634. Đến chiều 12/5, 2 người được lấy mẫu, tối cùng ngày cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 2 ca bệnh 3669 và 3674 được Bộ Y tế công bố vào sáng 13/5. Kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh nhân của cựu giám đốc Hacinco nhiễm biến chủng Ấn Độ.

GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, thời kỳ ủ bệnh trung bình của SARS-CoV-2 từ 3-7 ngày, một số trường hợp kéo dài hơn.

“Tuy nhiên nếu xuất hiện ca bệnh dương tính chỉ sau hơn 1 ngày cũng là điều đáng lưu ý. Dù vậy các dữ kiện sẽ cần thế giới cùng nghiên cứu và thống kê thêm”, GS Kính nói.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, một bệnh nhân cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 chỉ sau hơn 24 giờ tiếp xúc với nguồn lây là điều rất hiếm. Trong trường hợp này này cần xem xét thêm một số yếu tố.

Thứ nhất, không loại trừ trường hợp bệnh nhân có thể lây từ nguồn khác ngoài cộng đồng.

Thứ hai, bệnh nhân có thể từng tiếp xúc với ca bệnh 3634 từ trước nhưng không nhớ.

“Trường hợp này để có câu trả lời chính xác cần giải trình tự gene cả 3 ca bệnh. Nếu lây nhiễm từ nhau thì kết quả sẽ phát hiện ra ngay, chính xác như khi chúng ta giải trình tự ADN để xác định thân nhân”, PGS Nhung phân tích.

Thực tế, virus SARS-CoV-2 biến đổi không ngừng, hiện đã xác định được hơn 4.000 biến thể. Khi dịch càng lan rộng, khả năng virus đột biến càng cao. Dù vậy, virus có đột biến ra sao thì việc ngăn chặn dịch từ người này sang người kia bằng cách tuân thủ 5K + vắc xin vẫn là yếu tố quyết định.

Tin mừng nữa là vắc xin Pfizer, Moderna và AstraZeneca đều có thể chống được các biến chủng đến từ Anh, Ấn Độ.

Thúy Hạnh

Bốn biến thể nCoV lây lan nhanh, có 3 loại xuất hiện ở Việt Nam

Bốn biến thể nCoV lây lan nhanh, có 3 loại xuất hiện ở Việt Nam

Các biến thể SARS-CoV-2 được tìm thấy lần đầu ở Anh, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ có thể lây lan nhanh hơn hoặc khiến người bệnh trở nặng.