Khi nào vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam được phê duyệt?
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) có 2 câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế. Một trong 2 câu hỏi liên quan đến vấn đề sản xuất vắc xin Việt Nam. Đại biểu này đặt vấn đề: “Tới đây, việc sản xuất vắc xin phòng Covid-19 của nước ta sẽ được phê duyệt, vậy xin cho biết thời gian nào vắc xin sẽ được phê duyệt, đưa vào sử dụng?”
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam có 2 đơn vị tiến hành nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19 và hiện đến giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng. Ông Long nhấn mạnh: “Về cấp phép phải theo đúng quy trình và trên nguyên tắc Bộ Y tế chỉ cắt ngắn thủ tục về mặt hành chính, vấn đề chuyên môn và an toàn phải đảm bảo, đảm bảo tối đa”.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VietNamNet |
“Bộ Y tế thành lập 2 hội đồng, hoạt động tương đối độc lập với Bộ trưởng là Hội đồng đạo đức và Hội đồng về mặt cấp phép. Hiện, 2 hội đồng liên tục làm việc với nhà sản xuất để bổ sung, tăng cường dữ liệu cũng như đảm bảo đánh giá về mặt an toàn, kết quả. Chúng tôi kỳ vọng sớm có vắc xin của Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn nhất là có vắc xin để chủ động trong lĩnh vực “cung” vắc xin. Thời gian cụ thể, chúng tôi chờ đợi hoạt động của 2 hội đồng và chúng tôi cũng tin tưởng vào hoạt động của 2 hội đồng này”, ông Long nhấn mạnh thêm.
Cũng trong phiên chất vấn, Đại biểu Văn Hạ, Quảng Nam đặt vấn đề, ngoài việc quan tâm đến giá, cử tri cũng quan tâm đến thời gian yêu cầu xét nghiệm và xét nghiệm lại. Thời gian qua, có nhiều địa phương quy định yêu cầu phải xét nghiệm lại trong 72h, có nơi 48h, thậm chí có nơi 24h. “Một anh lái xe phải nghiệm 3 lần/tuần. Ngoài việc tốn kém tài chính, vấn đề thời gian cũng rất lãng phí”, ông Hạ nhấn mạnh. “Xin Bộ Trưởng cho biết tại sao có sự khác nhau này. Bộ có hướng dẫn chung thống nhất nào không?”, đại biểu này hỏi.
Bộ Trưởng Bộ Y tế khẳng định, đây là vấn đề nhiều cử tri quan tâm. Đối với các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt Covid-19, chỉ có xét nghiệm, chúng ta mới phát hiện được có nhiễm hay không.
Với Covid-19, gần 80% người nhiễm không có triệu chứng nên Tổ chức WHO liên tục khuyến cáo các quốc gia phải xét nghiệm. Đây là điều tất cả các nước cũng thực hiện.
Ông Long thông tin: “Về thời gian có giá trị xét nghiệm, có sự khác nhau giữa các nước. Cơ bản, các nước cũng lấy mốc thời gian 72h. Với trường hợp nhập cảnh hoặc đi ra nước ngoài, người ta đều yêu cầu có kết quả xét nghiệm trong vòng 72h. Có giai đoạn, chúng ta cũng lấy mốc 72h đối với một số trường hợp”.
Về tần suất xét nghiệm, trước đây, các bộ như Bộ Y tế, Bộ GTVT có hướng dẫn xét nghiệm người đi từ vùng dịch ra bên ngoài mới xét nghiệm. Chúng ta không yêu cầu xét nghiệm ở các vùng tương đồng nhau. Ví dụ 19 tỉnh phía Nam, việc đi lại trong các tỉnh, thành phố này không phải xét nghiệm.
“Một số địa phương áp dụng mốc 72h, sau này, khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 128 Chính phủ và quyết định 4800 của Bộ Y tế, văn bản nêu rõ không yêu cầu người dân đi lại không xét nghiệm. Chúng ta chỉ xét nghiệm người dân đi từ vùng dịch về và xét nghiệm đó đối với nhân viên, cơ quan y tế. Chúng ta phải lật thế khó về chúng ta, không nên gây khó đối với người dân”, ông Long nói thêm.
Người đứng đầu ngành y tế nói, Bộ chủ trương xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm và theo địa bàn nguy cơ. Hiện nước ta không yêu cầu xét nghiệm 72h, chỉ trường hợp đi nước ngoài và đi từ vùng dịch trở về mới xét nghiệm.
Không ngăn sông cấm chợ nhưng phải đảm bảo về phòng chống dịch
Cũng trong phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng nêu vấn đề từ trung tuần tháng 10/2021 đến 10/11/2021, sau khi có Nghị quyết 128 Chính phủ và các văn bản của Bộ Y tế, do sự giao thương của các vùng và dòng người lao động ở vùng dịch về quê, các tỉnh phát sinh nhiều ổ dịch mới. Con số mắc tăng hàng ngày, vùng xanh biến thành cam, vàng gây khó khăn và lúng túng cho các tỉnh, thành trong phòng chống dịch. Đặc biệt là các địa phương có năng lực y tế còn yếu, độ phủ vắc xin thấp.
Về giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Long thông tin, khoảng 1,6 triệu người đã đi từ các tỉnh vùng dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… về các địa phương khác và cũng có hiện tượng di chuyển ngược lại.
Thời gian qua, Chính phủ có nhiều chỉ đạo nhằm đảm bảo người dân di chuyển an toàn và đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Bộ Y tế cũng tham mưu với các địa phương về phòng chống dịch với người dân về từ Bình Dương, Long An, Đồng Nai…về địa phương. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ, Bộ cũng có chỉ đạo về xét nghiệm, cách ly, yêu cầu giám sát…
“Nhưng do số lượng người về lớn nên chúng tôi đề nghị các địa phương thực hiện tinh thần chung Nghị quyết 128 là không “ngăn sông cấm chợ” nhưng đảm bảo về mặt phòng chống dịch.
Khi người dân về từ vùng dịch, địa phương cần có kế hoạch đưa đón, theo dõi, giám sát về y tế. Một số trường hợp có thể cách ly, phù hợp với tình hình của các địa phương”.
Ông Long nói thêm, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả không thể không có ca nhiễm nhưng chúng ta kiểm sát và quản lý rủi ro, nguy cơ về tử vong.
Vì vậy trong Nghị quyết 128 nêu rõ các địa phương phải tăng phủ vắc xin cho người trên 65 tuổi, 50 tuổi và củng cố hệ thống y tế khi bệnh nhân nặng phải cấp cứu, điều trị kịp thời.
Về vắc xin, tính đến 5/11, tổng số vắc xin đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là 198,8 triệu liều, đã tiếp nhận 124,7 triệu liều vắc xin và phân bổ vắc xin theo địa bàn trọng điểm. Hiện đã phân bổ hơn 110 triệu liều vắc xin cho các đơn vị, địa phương để tiêm chủng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và một số trẻ em từ 12-17 tuổi.
Cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu, trong đó 1 ứng viên đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen); 1 ứng viên đang thử nghiêm lâm sàng giai đoạn 1 (COVIVAC của Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang). Về tiêm chủng, hướng tới tỷ lệ bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% trong quý 4/2021 và đầu năm 2022. Từ quý 4 năm 2021, Bộ Y tế tiếp tục tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ. Mở rộng tiêm cho trẻ em thuộc các nhóm tuổi khác có chỉ định. |
>>> Thông tin về Vắc xin Covid-19 mới nhất
Phương Lê
Phải kê khai giá thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm
Theo Nghị định mới, trang thiết bị y tế là mặt hàng phải kê khai giá và cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.