Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19. Hai hiện tượng này gặp ở một số trường hợp sau tiêm vắc xin AstraZeneca và Johnson&Johnson.
Bộ Y tế khẳng định, giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch sau tiêm vắc xin là biến cố nặng hiếm xảy ra, gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi. Theo Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), tỉ lệ gặp biến chứng chiếm 1-4 ca/1 triệu người tiêm.
Các biểu hiện lâm sàng thường gặp từ ngày 4 - 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong 2 tuần đầu.
Bộ Y tế yêu cầu, tại các trạm y tế, ngay khi phát hiện người tiêm có 1 trong 6 dấu hiệu sau, cần lập tức chuyển người bệnh lên tuyến cao hơn: Đau đầu dai dẳng, dữ dội; các triệu chứng thần kinh khu trú; co giật, nhìn mờ hoặc nhìn đôi; khó thở hoặc đau ngực (gợi ý thuyên tắc phổi hoặc hội chứng vành cấp); đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa); đau, phù chi dưới (gợi ý huyết khối tĩnh mạch sâu).
Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: Thanh Tùng
Ở các tuyến cao hơn, bệnh nhân được làm thêm xét nghiệm đếm tiểu cầu, xét nghiệm đông máu, xét nghiệm định lượng D-dimer, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, X-quang, siêu âm…
Tại bệnh viện tuyến quận, huyện hoặc tuyến tỉnh, nếu thấy vượt quá khả năng chẩn đoán, điều trị cần hội chẩn với các chuyên gia cấp cao hơn hoặc chuyển tuyến lên Trung ương.
Theo Bộ Y tế, một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp khiến hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể bất thường, kháng lại yếu tố 4 tiểu cầu (PF4). Do đó sau tiêm vắc xin, các kháng thể đó kích hoạt tiểu cầu quá mức dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu, gây ra cả đông máu và chảy máu bất thường.
Đến sáng 23/4, Viêt Nam đã tiêm vắc xin Covid-19 cho hơn 128.000 người tại 25 tỉnh, thành phố và lực lượng công an, quân đội.
Bộ Y tế yêu cầu, trước ngày 5/5, toàn bộ các tỉnh thành phải tiêm xong hơn 800.000 liều vắc xin AstraZeneca do Covax hỗ trợ.
Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp đông máu sau tiêm vắc xin Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam triển khai tiêm và theo dõi thận trọng hơn các nước, quy định khám sàng lọc, đối tượng trì hoãn tiêm, chống chỉ định tiêm mở rộng hơn các nước, người tiêm được theo dõi tại chỗ 30 phút và tiếp tục theo dõi sau 24 giờ nên tỉ lệ phản ứng sau tiêm thấp hơn.
Theo dõi các trường hợp sau tiêm cho thấy, 33% có phản ứng thông thường sau tiêm, hầu hết là đau, nóng đỏ, ngứa tại vị trí tiêm, một số trường hợp sốt nhẹ, tuy nhiên đều hết sau 1-2 ngày. 1% gặp phản ứng quá mức, tuy nhiên cả 5 ca đều đã bình phục sau khi xử trí đúng phác đồ.
Thúy Hạnh
Sáu người Thái Lan phản ứng giống đột quỵ sau tiêm vắc xin Covid-19 của Trung Quốc
Các trường hợp ở Thái Lan có cảm giác tê bì ở tay chân, buồn ngủ, đã hồi phục sau khi được điều trị.