Sáng 18/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 về việc chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19, bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm và việc tiếp cận nguồn vắc xin thế giới cũng như đầu tư nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.
Sẽ tiêm song song miễn phí và dịch vụ
Thường trực Ban chỉ đạo nhấn mạnh, Việt Nam chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, do đó tất cả các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng phải tích cực, chủ động vào cuộc. Các địa phương có trách nhiệm tổ chức tiêm vắc xin theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không tình trạng có vắc xin nhưng tiêm chậm.
Bộ Y tế cần sớm có văn bản bổ sung các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng bao gồm những người làm việc trong cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ… nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép.
Sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên xong và đạt miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế sẽ chuẩn bị cho các giai đoạn sau, khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng miễn phí và tiêm dịch vụ.
Thường trực Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất rà soát, có chỉ đạo cụ thể về việc tạo điều kiện tối đa chính quyền địa phương, doanh nghiệp nếu có đầu mối tiếp cận, mua được vắc xin thì đưa về Việt Nam thật nhanh.
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua do nguồn vắc xin về Việt Nam hạn chế, đã có hàng trăm đề nghị, hàng chục doanh nghiệp xin được nhập khẩu vắc xin. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, tất cả các nguồn cung vắc xin đều đã có tiếp xúc trực tiếp với Bộ Y tế.
Vì vậy, Bộ Y tế lưu ý những tổ chức, cá nhân khi tiếp xúc với các đơn vị trung gian chào bán vắc xin cần thận trọng, chỉ làm việc khi nhà cung cấp trung gian có giấy ủy quyền chính thức của nhà sản xuất.
Đối với việc nhập khẩu vắc xin của TP.HCM, căn cứ đề nghị, nhu cầu của thành phố, Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc với nhà cung cấp được ủy quyền chính thức từ nhà sản xuất và thành phố.
Bộ Y tế và các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm vẫn còn tình trạng tranh mua vắc xin trên thế giới, nhất là trước tháng 10/2021. Do đó các địa phương, doanh nghiệp phải hết sức cân nhắc, thận trọng khi tiếp cận thông tin về nguồn vắc xin tránh tình trạng nhà sản xuất cam kết bán nhưng không giao vắc xin trong năm 2021 mà chuyển sang 2022.
Trong khi theo dự kiến, thị trường vắc xin Covid-19 năm 2022 sẽ có thay đổi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc tiêm vắc xin Covid-19 phải theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không để có vắc xin mà tiêm chậm. Ảnh VGP
Phấn đấu cuối năm 2021 đạt miễn dịch cộng đồng
Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vắc xin Covid-19 trong nước, nếu đạt kết quả thử nghiệm tốt, trong tình trạng khan hiếm vắc xin, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua việc cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện các cơ chế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất vắc xin trong nước không chỉ phục vụ nhiệm vụ chống dịch, mà còn phát triển công nghiệp vắc xin, hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu vắc xin.
Hiện tại Nanocovax của công ty Nanogen đang là ứng viên vắc xin Covid-19 nội sáng giá nhất khi đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3, theo sau là Covivac của IVAC chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vắc xin quy mô lớn đi vào hoạt động.
Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện gia công, đóng ống dự kiến bắt đầu cuối tháng 7/2021.
Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ thống nhất chủ trương, một mặt tận dụng, tiếp cận tất cả nguồn cung vắc xin trên thế giới, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021 đạt miễn dịch cộng đồng.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang tranh thủ tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin trên thế giới. Ngoài 3 nguồn chính thức mua của Astra Zeneca, Sputnik V của Nga và Pfizer, dự kiến sẽ tiếp nhận thêm một số loại vắc xin đã được WHO cấp phép lưu hành khẩn cấp, trong đó có 3 loại vắc xin Astra Zeneca sản xuất tại Hàn Quốc, Ấn Độ và châu Âu; Johnson & Johnson; Moderna; SinoPharm; SinoVac; Pfizer qua Chương trình COVAX Facility.
Vài ngày tới, Việt Nam cũng tiếp tục nhận viện trợ vắc xin từ Trung Quốc tài trợ.
Thúy Hạnh
4 điều chưa từng có trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất lịch sử
Việt Nam sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho 70 triệu dân, phấn đấu đặt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.