Sáng 5/8, lần lượt 6 chiếc xe ô tô cỡ lớn chở hơn 300 nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Đức ra sân bay Nội Bài. Đoàn công tác sẽ đáp chuyến bay vào TP.HCM lúc 13h hôm nay, sau đó đến thẳng Bệnh viện dã chiến số 13, đóng tại huyện Bình Chánh, phụ trách trung tâm hồi sức tích cực 500 giường tại cơ sở y tế này.

GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ vẫn đang diễn biến rất phức tạp, số bệnh nhân nặng và tử vong đang tăng lên từng ngày.

{keywords}

Cán bộ y tế Bệnh viện Việt Đức vẫy chào đồng nghiệp ở lại trước khi vào TP.HCM

Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai và Trung ương Huế  được giao xây dựng 3 trung tâm hồi sức quốc gia tại TP.HCM, trong đó Việt Đức chọn Bệnh viện Dã chiến số 13 ( có quy mô 3.500 giường) để xây dựng khu hồi sức tích cực 500 giường.

Khu vực hồi sức điều trị những bệnh nhân nặng và rất nặng, cần nhân lực lớn, chuyên môn cao, vì vậy bệnh viện huy động hơn 300 y, bác sĩ vào đây làm việc.

{keywords}

GS Trần Bình Giang có mặt động viên cán bộ nhân viên trước khi lên đường

{keywords}

Đồng nghiệp động viên 2 vợ chồng bác sĩ Phương có chuyến công tác bình an và hiệu quả 

“Ngay khi chúng tôi phát thông tin, đã có hàng ngàn cán bộ, thầy thuốc, đặc biệt là các bạn trẻ xung phong lên đường ngay. Chúng tôi xác định cuộc chiến còn kéo dài, phải chia ra, nên trước mắt lựa chọn hơn 300 người, trong đó 1/3 nhân lực làm việc tại các chuyên khoa hồi sức cấp cứu. Tất cả đều là những nhân viên y tế có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao”, GS Giang thông tin.

GS Giang chia sẻ, không khí ngày hôm nay giống như nhiều chục năm trước khi các thầy thuốc áo trắng của bệnh viện lên đường vào chiến trường miền Nam, nhưng chưa lần nào đông như hôm nay.

{keywords}

Vợ chồng bác sĩ Hoàng bịn rịn trước chuyến công tác đặc biệt

{keywords}

Nhân viên y tế trong đoàn công tác cắt tóc trước khi đi 

“Bản thân tôi hết sức xúc động, tự hào khi có đông anh em sẵn sàng lên đường đến thế. Tất cả đều thực sự tâm huyết, hết lòng vì người bệnh, sẵn sàng vào vùng hiểm nguy. Ngay khi vào TP.HCM, lực lượng này sẽ bắt tay vào việc ngay vì nhận và điều trị bệnh nhân sớm hơn mỗi phút, đã có thêm một số người được cứu sống”, GS Giang chia sẻ.

Vào tuần trước, GS Giang cùng PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc bệnh viện và 50 chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức đã đi tiền trạm tại Bình Chánh, lên phương án thiết kế lắp đặt trung tâm hồi sức.

Ngày 3/8, bệnh viện đã chuyển gần 10 tấn trang thiết bị máy móc vào Bệnh viện dã chiến số 13 qua đường tàu hoả để kịp thời lắp đặt.

Trong hôm qua, Bệnh viện Hữu Nghị cũng đã chi viện thêm 9 y bác sĩ cho Tiền Giang. Đoàn công tác gồm các y bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc. Như vậy, Bệnh viện Hữu Nghị đã chi viện cho các tỉnh phía Nam 45 cán bộ y tế.

{keywords}

Đợt chi viện lần 2 của Bệnh viện Hữu Nghị cho các tỉnh phía Nam

{keywords}

Đoàn công tác của Bệnh viện K chi viện cho Đồng Nai 

Đoàn công tác Bệnh viện Nhi Trung ương gồm 26 nhân viên y tế cũng đã lên đường vào hỗ trợ Vĩnh Long; Đoàn Bệnh viện K chi viện lần 2 với 11 y bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực, làm việc tại tỉnh Đồng Nai; Ngoài ra còn có đoàn Bệnh viện Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương…

Như vậy đến nay, đã có hơn 13.000 nhân viên y tế được huy động vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam hỗ trợ chống dịch. Ở tuyến trung ương, số lượng này là hơn 3.000 người, đông nhất là Bệnh viện Việt Đức, kế đó là Bệnh viện Bạch Mai với 200 nhân lực.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Thúy Hạnh

Giám đốc Bạch Mai cùng gần 200 nhân viên vào TP.HCM chống dịch

Giám đốc Bạch Mai cùng gần 200 nhân viên vào TP.HCM chống dịch

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng gần 200 nhân viên y tế dày dạn kinh nghiệm lên đường vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch Covid-19.