Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, virus gây bệnh SARS-CoV-2 đã đột biến nhiều lần, với một số chủng có khả năng lây nhiễm và gây tử vong cao hơn những chủng khác.
Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại 4 biến thể đáng lo ngại gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta. Bốn chủng khác gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda được xếp vào biến thể cần quan tâm.
Trong những tuần gần đây, sự lây lan nhanh chóng của chủng Lambda, lần đầu tiên được phát hiện ở Peru, đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia.
Lambda hiện là biến thể thống trị ở Peru, quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới. Ngoài ra, chủng Lambda cũng lây lan sang 30 quốc gia khác bao gồm Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador, Vương quốc Anh, Mỹ, Nhật...
Chủng Lambda lần đầu phát hiện ở Peru. Ảnh: Reuters
Nguồn gốc
Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào tháng 12/2020. Trong 3 tháng qua, Lambda đã phát triển, chiếm 80% tổng số ca bệnh ở Peru.
Pablo Tsukayama, Tiến sĩ về vi sinh phân tử tại Đại học Cayetano Heredia ở Lima, là một trong những người ghi lại sự xuất hiện của Lambda. “Ban đầu, chủng virus này không thu hút nhiều sự chú ý. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục xử lý mẫu. Đến tháng 3, biến thể này đã nằm trong 50% số mẫu ở Lima. Đến tháng 4, nó đã nằm trong 80% các mẫu ở Peru”, ông Tsukayama nói.
“Sự tăng vọt từ 1% lên 50% là dấu hiệu ban đầu cho thấy đây là một biến thể dễ lây truyền hơn”.
Chủng Lambda đã lan sang các nước nào
Chủng virus SARS-CoV-2 này đã lan sang khoảng 30 nước gồm Brazil, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha, Mỹ, Nhật...
Việc giải trình tự bộ gene đã xác định được hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh Covid-19 do biến thể Lambda gây ra ở Mỹ. Con số này kém xa so với sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Delta - khoảng 83% các trường hợp mắc mới ở Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho biết họ vẫn đang theo dõi chặt chẽ biến thể Lambda.
Đặc điểm của biến thể Lambda
Nghiên cứu gần đây của Đại học New York ghi nhận một số đột biến trong protein gai của chủng virus Lambda. Đó có thể là lý do khiến biến thể này tăng khả năng lây truyền và có nguy cơ làm giảm khả năng bảo vệ của các loại vắc xin hiện nay.
Theo nhà virus học Ricardo Soto-Rifo thuộc Viện Khoa học Y sinh của Đại học Chile, đột biến L452Q trong biến thể Lambda tương tự như một đột biến trong biến thể Delta được cho đã góp phần vào tỷ lệ lây nhiễm cao.
Nhưng ông Soto-Rifo cũng nhận định: “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thể biết tác động thực sự của những đột biến này là gì, vì đây là một chủng chủ yếu xuất hiện ở Nam Mỹ. Điều đó khiến chúng tôi gặp bất lợi, vì chúng tôi không có các nguồn lực để thực hiện các nghiên cứu cần thiết".
Chúng ta có nên lo lắng?
Tiến sĩ Roselyn Lemus-Martin, người có bằng tiến sĩ về sinh học phân tử và tế bào tại Đại học Oxford, cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi thực sự lo ngại. Chúng tôi nghĩ rằng Lambda có thể trở nên dễ lây lan hơn Delta”.
“Nhưng ngay bây giờ, chẳng hạn như ở Mỹ, chúng tôi thấy rằng Delta tiếp tục là dòng nổi trội và Lambda không lây lan nhanh chóng ở các khu vực khác”.
Nhưng Tiến sĩ Tsukayama tại Đại học Cayetano Heredia ở Lima vẫn thận trọng. Ông cho biết khả năng nghiên cứu của Peru để đo lường ảnh hưởng của Lambda còn hạn chế. Điều này khiến việc đánh giá mức độ lan truyền của biến thể trở nên khó khăn hơn.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
An Yên (Theo Aljazeera)
Sáng 10/8 có thêm 5.149 ca Covid-19, tiêm chủng gần 10 triệu liều
Sáng 10/8, Việt Nam ghi nhận thêm 5.149 ca Covid-19, nâng tổng số mắc cả nước lên gần 225.000 ca. Tin vui, tốc độ tiêm chủng đang tiếp tục được đẩy nhanh.
Hà Nội thêm 14 ca Covid-19, có 3 người phát hiện tại cộng đồng
Sáng 10/8, Hà Nội ghi nhận 14 trường hợp mắc Covid-19 tại 5 quận, huyện, tuy nhiên chỉ có 3 trường hợp tại cộng đồng.
Lý do biến thể Delta lây lan với tốc độ siêu nhanh
Delta - đó là từ trong tâm trí của mọi người khi nói đến đại dịch Covid-19 vào thời điểm hiện nay.