- Nhiều người đau đầu, mất ngủ triền miên nhưng chủ quan chỉ uống thuốc mất ngủ mà không hề nghĩ đến trầm cảm.
Chủ quan với mất ngủ
TS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, số người bị trầm cảm trên thế giới chiếm khoảng 20% dân số, trong đó có 5% trầm cảm điển hình (biểu hiện rõ), 15% còn lại là những dạng khác. Tuy nhiên phần lớn trong số 15% này thường không được điều trị kịp thời nên lại chuyển về dạng 5%.
Tại Việt Nam hiện vẫn chưa có thống kê người bị trầm cảm, tuy nhiên TS Phương nhận định số lượng ngày càng tăng. Tại đây đang điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân, số lượng này tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai là 50 trên tổng số 200 bệnh nhân.
TS Tô Thanh Phương. (Ảnh: T.Hạnh) |
"Đáng lưu ý, tỉ lệ mất ngủ do trầm cảm ngày càng lớn. Nếu bị mất ngủ dạng này, diễn tiến sẽ ngày một nặng. Ở đây chúng tôi đã từng tiếp nhận cụ ông 12 năm trắng đêm không ngủ, có người 8 năm, 5 năm còn 1-2 năm thì nhiều vô kể", TS Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, hầu hết những bệnh nhân mất ngủ triền miên đều đến các bệnh viện đa khoa khám hoặc tin lời quảng cáo mua thuốc trị mất ngủ như Lexomil, Melatonin thay vì tìm gặp các bác sĩ tâm thần.
"Với mất ngủ gốc trầm cảm, bệnh nhân tự dùng thuốc chỉ chữa được phần ngọn. Khi uống sẽ có cảm giác êm dịu, buồn ngủ ngay nhưng không thể chữa được trầm cảm. Chưa kể Lexomil còn là chất gây nghiện, nếu lạm dụng bệnh sẽ ngày càng nặng", TS Phương phân tích.
Với Melatonin, TS Phương lưu ý, ở người bình thường, tuyến tùng sẽ tiết ra hormone melatonin để kích thích buồn ngủ, nhưng ở người trầm cảm sẽ tiết ít đi. Do đó nếu người bệnh uống nhiều Melatonin sẽ làm teo tuyến tùng, rất nguy hiểm.
"100% bệnh nhân mất ngủ khi đến chỗ chúng tôi điều trị đều đã từng uống Melatonin nhưng không hiệu quả. Loại thuốc này chỉ điều trị trầm cảm theo mùa", TS Phương nhấn mạnh.
Do đó, TS Phương khuyến cáo, với mỗi người khi bị stress vì nghề nghiệp, công việc, tình yêu, học hành... mà mất ngủ thì tốt nhất đến bác sĩ tâm thần để tư vấn, không được chủ quan.
80% bệnh nhân trầm cảm nặng có ý định tự sát
Theo TS Phương, bệnh trầm cảm gồm 3 giai đoạn: nhẹ, vừa và nặng, trong đó giai đoạn đầu rất khó phát hiện.
Ngoài mất ngủ, nhiều bệnh nhân có dấu hiệu đau lung tung khắp cơ thể, người đau lưng, đau khớp, đau tim... nhưng đến các bệnh viện đa khoa chụp chiếu không phát hiện được, chữa mãi không khỏi. Khi đến BV Tâm thần đã chuyển sang dạng trầm cảm điển hình.
Riêng trầm cảm nặng phân làm 2 loại: không loạn thần (với biểu hiện buồn thảm, ủ rũ, bi quan, chán nản) và loạn thần (hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh xui khiến như: tự tử, giết người, không ăn, bỏ nhà và nhảy lầu là nguy hiểm nhất).
"Nếu bị ảo thanh kéo dài ngoài 6 tháng là không thể chữa khỏi", TS Phương nhấn mạnh.
Số liệu thống kê cho thấy 80% bệnh nhân trầm cảm nặng bị ảo thanh định tự sát, 15% trong đó đã tự sát thành công. TS Phương kể từng có bệnh nhân ở Hòa Bình, khi xuống viện cứ liên tiếp lao đầu vào tường, buộc các bác sĩ phải áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế, lại có người định treo cổ, uống thuốc trừ sâu, tự cắt mạch máu...
Ngoài ra còn có trầm cảm ức chế (lầm lì, không muốn tiếp xúc với ai), trầm cảm kích động (hay kêu ca phàn nàn, rên rỉ, thậm chí kích động tấn công).
3 triệu chứng phát hiện sớm trầm cảm
TS Phương lưu ý, khi nhận thấy những dấu hiệu sau ở bản thân hoặc người thân, cần nghĩ ngay đến trầm cảm:
- Khí sắc giảm, buồn rầu, tình trạng buồn chán này kéo dài trên 2 tuần.
- Giảm nhiệt tình, giảm hứng thú, không còn ham muốn với những sở thích trước kia.
- Giảm năng lượng: Người mệt mỏi, làm bất cứ việc gì nhỏ nhẹ cũng thấy mệt. Mệt mỏi tăng về buổi sáng.
Ngoài ra có các triệu chứng phụ: Cảm thấy bi quan, chán nản về tương lai, tiến độ, giảm lòng tự trọng, tự tin, có những ý tưởng và hành vi tự sát, chán ăn, không muốn ăn, có những người từ chối ăn, rối loạn giấc ngủ có tính chất tăng dần...
Điều trị trầm cảm như thế nào? Theo TS Phương, trầm cảm là bệnh về cảm xúc, do đó phải kết hợp thuốc và tâm lý, trường hợp nặng có thể phải dùng sốc điện, kích từ, trong đó sự giúp đỡ của người thân đóng vai trò quan trọng. Tùy từng trường hợp, từng giai đoạn sẽ áp dụng những loại thuốc trầm cảm khác nhau. Tuy nhiên hầu hết các thuốc trầm cảm đều có tác dụng phụ không mong muốn như tác động hệ tim mạch khiến tim đập nhanh, dùng lâu có thể gây suy tim nên người già dùng nguy hiểm, tác động hệ tiết niệu gây bí tiểu rồi gây táo bón, khô miệng, rối loạn tình dục... |
Điều trị bệnh trầm cảm cần lưu ý những gì?
Bệnh trầm cảm có thể điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm, dùng tâm lý trị liệu, hay biện pháp sốc điện.
Điều trị bệnh trầm cảm bằng những cách nào?
Có nhiều cách để chữa bệnh trầm cảm, cách thông dụng nhất là dựa vào triệu chứng của bệnh để chữa.
Làm thế nào để nhận biết bệnh trầm cảm?
Trầm cảm thường gây ra những trạng thái như buồn rầu, u uất, chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống, ăn không ngon, ngủ không yên, làm việc gì cũng không xong, mặc cảm thua kém...
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm là gì?
Trầm cảm là chứng bệnh gây ra những rối loạn về tâm lý, tác động đến cảm nhận của bạn về bản thân và cuộc sống. Khi mắc bệnh trầm cảm, bạn thường nghĩ mọi việc theo hướng rất tiêu cực và cảm thấy cuộc sống vô cùng bế tắc.
Bệnh trầm cảm được hiểu như thế nào?
Trầm cảm là bệnh về tâm lý, là loại rối loạn khí sắc thường gặp trong tâm thần học. Bệnh do hoạt động của bộ não bị rối loạn gây nên tạo thành những biến đổi thất thường trong suy nghĩ hành vi và tác phong.
Xinh đẹp, nổi tiếng nhưng 4 mỹ nhân Việt từng bị trầm cảm
Đặng Thu Thảo, Bảo Thy, Hoàng Thùy, Văn Mai Hương từng có giai đoạn bị trầm cảm vì quá nhiều áp lực.
Thúy Hạnh