Vì sao các ca Whitmore tăng?
Từ tháng 7 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp công bố các ca bệnh Whitmore. Trong đó, 2 ca được phát hiện ở Hòa Bình, 1 ca tại Nghệ An, 1 ở Hà Nội và 1 tại Phú Thọ. Đáng chú ý, trường hợp ở Phú Thọ là bệnh nhi mới chỉ 11 tháng tuổi.
Sự trùng hợp này khiến nhiều người đặt câu hỏi, lý do nào khiến các ca Whitmore liên tiếp xuất hiện thời gian gần đây?
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các tài liệu nghiên cứu và điều tra dịch tễ trên thế giới đều chỉ ra rằng bệnh Whitmore phân bố rải rác các mùa trong năm. Những ca bệnh ghi nhận gần đây bởi vậy có thể chỉ là sự trùng hợp xảy ra tại các địa phương khác nhau.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương |
Một giả thuyết khác, theo bác sĩ Thúy, khoảng thời gian từ tháng 7 đến cuối năm trùng với mùa mưa ở Việt Nam. Vi khuẩn gây bệnh Whitmore là trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei lại sống trong đất, bùn đất và nước có nhiễm bẩn ngoài tự nhiên.
Khi mưa nhiều, môi trường có độ ẩm lớn, tình trạng nước dềnh, nước ngập xảy ra thường xuyên khiến nguy cơ người lao động, ngay cả trẻ em tiếp xúc với bùn đất, nước ô nhiễm tăng lên, từ đó gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy cũng thông tin, vi khuẩn gây bệnh Whitmore thực tế không quá hiếm, các ca bệnh đầu tiên thậm chí đã được phát hiện ngay từ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, bệnh Whitmore rất dễ nhầm lẫn với các bệnh nhiễm khuẩn do các căn nguyên khác. Trong khi giai đoạn trước đây, nhiều cơ sở y tế không chú ý đến việc nuôi cấy vi khuẩn, sàng lọc Whitmore, từ đó dễ bỏ sót.
“Những năm gần đây, các ca bệnh Whitmore được báo cáo nhiều hơn, truyền thông lưu ý hơn nên cộng đồng dần quan tâm, các bệnh viện cũng bắt đầu chú ý đến nguyên nhân này. Tôi cho rằng đó là một trong những lý do khiến các ca bệnh có xu hướng tăng lên”, bác sĩ Thúy chia sẻ.
Trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore |
Đồng ý kiến với quan điểm trên, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, Whitmore bị lãng quên mấy chục năm nay mặc dù vẫn âm thầm gây bệnh cho người bằng các dấu hiệu nhiễm khuẩn.
Thời gian gần đây, các Labo xét nghiệm đã chú trọng nhiều hơn đến việc tìm Whitmore. Bởi vậy, trong số các bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm khuẩn, ngày càng tìm được nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài ra, kỹ thuật xét nghiệm tại nhiều cơ sở y tế ngày càng hiện đại. Từ năm 2015 đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình được sự hỗ trợ của Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội về các bộ xét nghiệm tìm Whitmore. Đó là một trong những lý do giúp các ca bệnh tại tỉnh này (trong đó có 2 ca mới ghi nhận) sớm được phát hiện.
“Có thể nói, số ca bệnh Whitmore được phát hiện đến nay mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, khi trong một thời gian quá dài, chúng ta rất ít quan tâm đến Whitmore.
Sẽ không ngạc nhiên nếu trong thời gian tới, số ca bệnh Whitmore trong cả nước sẽ được phát hiện nhiều hơn, sớm hơn. Lúc đó tôi tin là tỷ lệ biến chứng và tử vong do bệnh này sẽ giảm xuống”, bác sĩ Tình chia sẻ.
Hiểu đúng về bệnh Whitmore
Bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên, có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi, từ trẻ em cho đến người già.
Người lao động chân tay, nông dân, người thường xuyên tiếp xúc với bùn, đất và môi trường nước nhiễm bẩn là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc Whitmore cao nhất. Ngoài ra, nhóm người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, gout, người suy giảm miễn dịch, bệnh nhân ung thư phải dùng hóa chất, bệnh nhân phải dùng corticoid kéo dài,... cũng dễ mắc bệnh, có nguy cơ diễn tiến nặng.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập vào cơ thể con người chủ yếu qua da, vết thương hở trên da, niêm mạc, do con người tiếp xúc với đất, bùn đất, nước nhiễm bẩn có chứa vi khuẩn. Tỷ lệ lây nhiễm ít hơn do hít phải các bụi đất, giọt nước li ti bay trong không khí có chứa vi khuẩn. Các giả thuyết lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người hiện có bằng chứng cụ thể.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy nhấn mạnh, tương tự ca mới ghi nhận ở Phú Thọ, các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng từng điều trị cho một số trường hợp tuổi rất nhỏ, thậm chí chỉ 7 tháng tuổi đã mắc bệnh.
Lứa tuổi này dù chưa thể tiếp xúc với khu vực đất, nước nhiễm bẩn ngoài môi trường, tuy nhiên sàn nhà, đồ chơi nhiễm bẩn hoặc các hạt bụi đất trong không khí có chưa vi khuẩn Burkholderia pseudomallei mà trẻ hít phải hay nuốt phải, cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh Whitmore.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh Whitmore rất đa dạng, từ sốt, các ổ viêm nhiễm khu trú trên da, viêm tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), viêm phế quản phổi, viêm đường tiết niệu, viêm thận hoặc nặng hơn nữa là các áp xe ở 1 số tạng như gan, thận, phổi,... Những thể bệnh này thường kéo dài, dễ bỏ sót do nhầm với các bệnh khác.
Một ca Whitmore được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình |
Khi đến viện, nhiều trường hợp vì thế đã ở trong tình trạng rất nặng như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Thúy cho hay, hiện chưa có vaccine phòng vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Tuy nhiên, bệnh này có thuốc kháng sinh điều trị đặc hiệu, có thể điều trị khỏi khi phát hiện kịp thời.
Để phòng bệnh Whitmore, người dân nên lưu ý vấn đề vệ sinh và an toàn lao động. Khi làm việc ở các môi trường có nguy cơ cao, cần sử dụng đồ bảo hộ như ủng, găng tay và băng vết thương ở vị trí da trầy xước (nếu có). Nếu không may tiếp xúc môi trường nhiễm bẩn khi có vết thương, cần lập tức sơ cứu, sát khuẩn đúng quy trình, tránh phát triển thành bệnh.
Đặc biệt, do bệnh Whitmore không có biểu hiện đặc trưng ở giai đoạn đầu, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác nhau, ngay khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe như viêm tấy, sốt,…người dân cần đi khám sớm tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Nguyễn Liên
Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.
Hòa Bình phát hiện thêm 1 ca Whitmore
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình vừa phát hiện và điều trị kịp thời 1 ca bệnh Whitmore, có biến chứng sốc nhiễm khuẩn - suy đa tạng.