Cuộc gặp gỡ diễn ra trước cổng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Đã hơn 1 tháng, bé trai 3 tuổi mới được thấy mẹ, nhưng không thể sà vào lòng mẹ ôm, hôn như ở nhà. Bố của bé phải giữ thật chặt để ngăn con chạy về phía nữ điều dưỡng. Trong một thoáng, chị đã ước, giá có thể bỏ lại tất cả để được chạm vào con đôi chút. Sự nguy hiểm của dịch bệnh buộc chị phải kiềm lòng.
Sau 10 phút, chồng con chị Hạnh lên xe quay về để đảm bảo an toàn. Lúc này, cậu bé không muốn đi, vừa khóc, vừa liên tục nói: “Cho em ôm mẹ một cái thôi rồi em về. Em nhớ mẹ lắm”. Phải mất một hồi thuyết phục, bé mới chịu vẫy tay tạm biệt, cùng bố rời đi.
Câu chuyện về cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của điều dưỡng Hạnh và con trai khiến không ít người xúc động. Khoảnh khắc này đã được một đồng nghiệp của chị chứng kiến và lưu lại những hình ảnh.
Cuộc gặp gỡ đặc biệt của điều dưỡng Hạnh và con trai, được một đồng nghiệp của chị chụp lại |
Điều dưỡng Phạm Thúy Hạnh (41 tuổi) là nhân lực tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng. Từ ngày 5/5, chị được tăng cường sang cơ sở Đông Anh phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng do số ca mắc chuyển tới đây quá đông.
Bé Putin, con trai út của chị Hạnh phải xa mẹ từ ấy. Nữ điều dưỡng trước đó chưa từng vắng nhà lâu ngày, bởi vậy cậu bé rất bỡ ngỡ.
Chị Hạnh kể, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, một số nhà tài trợ có tặng quà cho con của y bác sĩ làm nhiệm vụ chống dịch tại Bệnh viện, gửi về tận nhà cho các bạn nhỏ. Hôm ấy, Putin nhận được quà, gồm gấu bông và rất nhiều bánh.
Khi gọi điện cho con, chị Hạnh thủ thỉ: “1/6 là ngày của em, mẹ nhờ các cô các bác gửi bánh về đấy. Em có thích không?”
Thế là, cậu bé òa khóc, nói: “Em không cần bánh đâu. Em chỉ cần mẹ thôi. Mẹ về với em đi”. Dỗ con mãi không được, chị Hạnh đành hứa sẽ nhờ chồng chở con lên gần bệnh viện để nhìn mẹ một chút.
Mấy hôm sau, khoảng hơn 9h tối, bố thực hiện lời hứa đưa Putin lên gặp mẹ. Lúc ấy, chị Hạnh đã kết thúc ca làm, vừa khử khuẩn xong xuôi.
“Hai mẹ con nói được vài câu ngắn ngủi rồi chỉ biết khóc. Khi lên xe về rồi, con vẫn đòi gọi điện cho tôi, vẫn thút thít nói nhớ mẹ. Tôi cứ đứng ở cổng, thẫn thờ nhìn theo bóng đèn ô tô. Thương cháu rất nhiều”, nữ điều dưỡng tâm sự.
Ở bệnh viện, khối lượng công việc lớn, cường độ rất căng thẳng. Chị Hạnh thường tan ca vào khoảng 14h chiều hoặc 21h tối. Kết thúc ca, chị vẫn ở ngoài chờ để sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp nếu cần. Bởi vậy, nữ điều dưỡng ít có thời gian trò chuyện cùng người thân ở nhà.
“Ngoài bé út 3 tuổi, tôi còn hai cháu lớn, một bạn chuẩn bị thi Đại học, một bạn học lớp 6. Thông thường, khi tan làm, về tắm rửa xong thì các con đã ngủ, hoặc đúng giờ con học nên không thể gọi. Cũng có hôm con nhớ mẹ quá, muốn nói chuyện thì tôi lại đang trong ca”, chị nói.
Do bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu đều là ca nặng, công việc của điều dưỡng Hạnh rất vất vả
Thời điểm điều dưỡng Hạnh bắt đầu vào viện chống dịch, chồng chị làm ngành cầu đường cũng cách ly ở Hà Tĩnh, các con ở cùng bà nội. Do bà đã lớn tuổi, lại mắc nhiều bệnh nên sức khỏe không tốt, ba đứa nhỏ chủ yếu dựa vào nhau.
Có hôm, con gái lớn kể, 2 giờ đêm Putin vẫn chưa ngủ, cứ vạ vật khóc đòi mẹ. Các chị phải mang quần áo của mẹ ra, gấp gọn gàng cho ôm, em mới nín và chịu ngủ.
Mỗi lần gọi cho mẹ, Putin đều hỏi: “Sao mẹ mãi không về? Hay cho em lên đó ngủ với mẹ, chứ em nhớ mẹ lắm”. Chị Hạnh lại động viên con: “Gắng ở nhà chờ mẹ, ngoan thì mẹ về sớm, không ngoan mẹ sẽ về muộn”.
Đợt dịch trước, chị cũng từng sang cơ sở Đông Anh tăng cường, nhưng chỉ ở lại 1 tuần rồi ra cách ly 2 tuần, sau đó về với gia đình. Tuy nhiên, hiện số bệnh nhân Covid-19 nặng tại Khoa Cấp cứu vẫn đông. Chị không thể hứa trước ngày về với con…
“Tối qua, tôi hết ca sớm, vừa về tới phòng nghỉ thì trời đổ mưa. Cứ bần thần nhìn ra ngoài trời, nghĩ đáng lẽ giờ này đang tắm rửa cho con, nhắc nhở con học, nấu cơm cho con. Lại càng thấy thương tụi nhỏ. Đặc thù tiếp xúc với F0, tôi và các đồng nghiệp luôn phải đứng cách xa nhau, không được trò chuyện. Lủi thủi một mình, càng suy nghĩ nhiều hơn”, chị Hạnh chia sẻ.
Những ngày gần đây, bé Putin luôn cố gắng khoe với mẹ việc mình đã ngoan, nghe lời người lớn như thế nào. Cậu bé tin đây là cách giúp mẹ sớm trở về.
“Không riêng tôi, mỗi người ở lại viện đều có những nỗi buồn, tâm tư riêng. Nhưng tôi đã chọn công việc này và yêu nó nên phải cố gắng vượt qua, chung sức với mọi người chống dịch”, nữ điều dưỡng nói.
Nguyễn Liên
Mẹ mắc Covid-19 hôn mê, bé sơ sinh được điều dưỡng vắt sữa nuôi dưỡng
Những giọt sữa đầu tiên nuôi lớn bé là từ các nữ điều dưỡng Khoa Nhi, những người cũng đang bỏ lại con chỉ mới 6,7 tháng tuổi để thực hiện nhiệm vụ chống dịch.