Tại lễ tiếp nhận 21 tỷ đồng dành tặng quỹ vắc xin phòng Covid-19 ngày 5/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch Covid-19 đã lan ra 11 tỉnh, thành phố trong 9 ngày qua.

Việt Nam luôn nỗ lực phòng chống dịch, tuy nhiên muốn cuộc sống trở lại bình thường cần có vắc xin ngừa Covid-19. Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, ngành y tế.

Với nguồn vắc xin trong nước, Bộ trưởng đánh giá rất khả thi, trong đó vắc xin Nanocovax của Nanogen sắp hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, chuẩn bị bước vào giai đoạn 2.

Vắc xin thứ hai là Covivac của Ivac cũng có kết quả tiền lâm sàng khả thi, sinh miễn dịch tốt, trong tháng 2 tới sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Tương tự, vắc xin của Vabiotech cũng có nhiều hứa hẹn.

{keywords}

Vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca

Song song thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước, Bộ Y tế nỗ lực đàm phán với các đối tác trên thế giới để có nguồn vắc xin sớm nhất cung cấp cho phòng chống dịch.

Hiện Bộ Y tế đã đàm phàn và ký kết thoả thuận với AstraZeneca của Anh. Dự kiến cuối tháng 2, đầu tháng 3 tới, những lô vắc xin đầu tiên sẽ về tới Việt Nam và đến tháng 6 sẽ có khoảng 30 triệu liều cho người dân.

Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán để tăng số lượng cung ứng cho thị trường Việt Nam và tiếp tục tiếp cận với các đối tác khác của Mỹ, Nga, Trung Quốc để có thêm vắc xin phục vụ cho chương trình chống dịch Covid-19.

Ngày 1/2 vừa qua, Bộ Y tế chính thức cấp phép có điều kiện vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca (Anh) cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. Việc phê duyệt dựa trên các dữ liệu thử nghiệm an toàn của AstraZeneca đến ngày 28/1.

Phía AstraZeneca cam kết sẽ phân phối cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021 từ các nhà máy sản xuất tại Anh, Đức và Italy.

Trong biên bản ký kết, ngoài Bộ Y tế, AstraZeneca còn có bên thứ 3 là một đơn vị phân phối vắc xin tại Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện có hệ thống tiêm chủng lớn nhất nước.

VietNamNet đặt câu hỏi, trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, việc đồng ý cho một đơn vị tư nhân toàn quyền phân phối vắc xin có lo ngại độc quyền hay không, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, việc ký kết 3 bên đã đảm bảo về giá và các điều kiện khác.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, chủ trương chung là Nhà nước và nhân dân cùng làm.

“Họ làm trên tinh thần phục vụ, có thể tính thêm tiền công, tiền bảo quản vì họ có sẵn kho, tủ bảo quản sẽ thuận tiện hơn”, Thứ trưởng Thuấn nói.

So với nhiều vắc xin khác, vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca dễ bảo quản, ở nhiệt độ 2-8 độ C. Giá bán cho thị trường châu Âu khoảng 2,16 USD/mũi tiêm.

Tại Việt Nam, giá bán chưa được Bộ Y tế và đơn vị phân phối tiết lộ. Tuy nhiên theo nguồn tin của VietNamNet, giá bán không dưới 200.000 đồng/mũi.

Hiện tại, dù vắc xin chưa về nhưng phía doanh nghiệp phân phối đã bắt đầu cho người dân đặt chỗ.

Trong phụ lục phê duyệt có điều kiện vắc xin của AstraZeneca, Bộ Y tế yêu cầu hãng dược này phải phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và đào tạo của Bộ trong việc triển khai đánh giá lâm sàng tại Việt Nam về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin.

Trong pha 3 của thử nghiệm lâm sàng, vắc xin của AstraZeneca đã thử nghiệm trên hơn 17.000 người tại Anh, Brazil và Nam Phi.

Kết quả thử nghiệm chung cho biết, hiệu lực bảo vệ của vắc xin AstraZeneca đạt trên 70%. Chưa có trường hợp nặng hay nhập viện xảy ra sau 22 ngày tiêm mũi đầu tiên.

Thúy Hạnh

Việt Nam thay đổi chiến lược, cho học sinh đang cách ly tập trung về nhà

Việt Nam thay đổi chiến lược, cho học sinh đang cách ly tập trung về nhà

Bắt đầu từ hôm nay, học sinh dưới 5 tuổi thuộc diện cách ly tập trung sẽ được cách ly tại nhà, các học sinh khác được về sau 1 tuần âm tính.