6.427 trường hợp F0 nặng, nguy kịch

Theo Bộ Y tế, đến ngày 3/1, cả nước ghi nhận 1.778.976 ca mắc, đã có 1.397.157 người khỏi bệnh, 32.831 ca tử vong.

Từ giai đoạn 4 đến nay, cả nước có 1.394.340 người đã khỏi bệnh (chiếm 78,5%). Hiện nay, chúng ta đang điều trị, giám sát 348.987 trường hợp, trong đó có 6.427 trường hợp nặng, nguy kịch.

Việt Nam cũng đã tiếp nhận hơn 195 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Trong số này, Bộ Y tế đã phân bổ 113 đợt với tổng số 176,8 triệu liều, còn khoảng 18,2 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin.

Đến hết ngày 2/1, cả nước đã tiêm 153.596.950 liều, tỷ lệ sử dụng đạt 86,8% số vắc xin phân bổ 113 đợt.

Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Thời gian qua, số ca cộng đồng và tử vong cao do một số nguyên nhân. Các ca tử vong tập trung chủ yếu ở người cao tuổi, người có bệnh nền chưa tiêm đủ vắc xin. Báo cáo của các tỉnh, thành phố như TP.HCM, 93% người tử vong trên 70 tuổi, có bệnh nền, phần lớn có từ 2 bệnh nền trở lên.

Đồng thời, Bộ cũng đưa ra một số nguyên nhân khiến ca cộng đồng và tử vong cao. Đó là sau khi thực hiện Nghị quyết 128, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại nhiều. Bên cạnh đó, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh khiến số ca mắc tiếp tục tăng. Đặc biệt, một số người có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K cũng khiến số ca mắc cộng đồng, số tử vong tăng.

“Những người tiêm vắc xin giai đoạn đầu miễn dịch sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian”, cũng là một nguyên nhân được Bộ Y tế nêu.

Ngoài ra, ngành y tế cũng nhấn mạnh, bắt đầu từ ngày 1/1 mở cửa chuyến bay thương mại, du khách đi du lịch Việt Nam, người Việt từ nước ngoài về đón Tết…. nguy cơ xâm nhập biến thể Omicron trong cộng đồng là điều được dự báo trước.

Tổ chức tốt điều trị F0 tại nhà, tránh dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải

Bộ Y tế nhận định, một số hoạt động trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và tiêm vắc xin.

Đặc biệt, giai đoạn tới, thời tiết chuyển mùa Đông-Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ lây lan của biến thể mới. Bên cạnh đó, có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số đơn vị, người dân trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch sau một thời gian dài nới lỏng giãn cách xã hội sẽ dẫn đến ca mắc tăng.

Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát biến thể mới omicron.

Trong đó, tập trung vào tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục đánh giá cấp độ dịch nhằm có các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp, từng bước mở cửa cho các hoạt động đi lại, giao thương, phục hồi sản xuất.

Người dân phải được đảm bảo tiếp cận y tế từ sớm, từ xa. Ngành y tế nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động sẵn sàng về trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, oxy…

Bộ nhấn mạnh: “Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các thể mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao, đặc biệt chú ý công tác phòng chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp”.

Ngành y tế cũng cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1 năm 2022 và tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022. Tiến hành “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động để vận động người dân và tiến hành tiêm vắc xin; không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm thể đầy đủ (kể cả mũi tăng cường), đặc biệt những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Ngành y tế và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cho nhân viên y tế và chính quyền cơ sở để tổ chức tốt điều trị tại nhà, tại cơ sở cho F0 có nguy cơ thấp và trung bình; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Thường xuyên rà soát cập nhật các cấp độ dịch bám sát với thực tế tình hình dịch, trong trường hợp cần thiết tăng cường một số biện pháp phòng chống dịch; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết trong dịp lễ tết đầu năm 2022; tuy nhiên phải đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn Covid- 19.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, quan tâm đến tình trạng sức khoẻ, tâm lý và có các hình thức động viên, khen thưởng và bảo đảm các chế độ, chính sách cho nhân viên y tế và những người trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19.

Ngọc Trang

Căng thẳng điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại ICU lớn nhất miền Bắc

Căng thẳng điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại ICU lớn nhất miền Bắc

Từng có thời gian chi viện, chống dịch tại Bình Dương, PGS.TS Hải cho biết, F0 nặng, nguy kịch giai đoạn này khác với giai đoạn dịch bùng phát trước đây. Vì vậy phương pháp điều trị cũng thay đổi để phù hợp, hiệu quả hơn.