Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính vừa trình xin ký kiến các thành viên Chính Phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự thủ tục kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là dự thảo mới nhất, được xây dựng sau nhiều ý kiến góp ý từ các Bộ, Hiệp hội liên quan.

Tại buổi góp ý ngày 26/11, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng, dự thảo mới hầu như không tiếp thu những ý kiến góp ý trước đó của các Bộ và các Hiệp hội, có rất nhiều điểm bất cập, không phù hợp thực tế.

{keywords}
Đại diện Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tại buổi góp ý sự thảo Nghị định kiểm tra ATTP hàng hóa nhập khẩu

Theo dự thảo, cơ quan kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao/chỉ định hoặc cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo phương thức kiểm tra chặt, thông thường.

Cùng với đó, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng trừ phương tiện nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm.

Sử dụng thông tin truy xuất nguồn gốc, thông tin về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan các nước để phân tích, đánh giá rủi ro của hàng hóa, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu...

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng, dự thảo Nghị định đã tạo ra sự phân biệt đối xử sâu sắc giữa thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.

Cụ thể, thực phẩm nhập khẩu chỉ cần 1 doanh nghiệp đăng ký bản công bố trên hệ thống của Tổng cục Hải quan xây dựng, các doanh nghiệp khác khi nhận sản phẩm này không phải thực hiện việc đăng ký bản công bố. “Quy định này nếu được thông qua sẽ là mối nguy lớn cho việc truy xuất nguồn gốc đối với các cơ quan quản lý vì không biết tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm về loại thực phẩm đó”, PGS Đáng nhấn mạnh.

Ông phân tích, quy trình tiếp nhận đăng ký bản công bố đối với thực phẩm theo dự thảo Nghị định là quá lỏng lẻo, vì cơ quan Hải quan không có chuyên môn để phân tích các mối nguy trong phiếu kết quả kiểm nghiệm, công bố về công dụng... dẫn đến tình trạng thực phẩm nhập khẩu có thể công bố đủ loại công dụng (trong đó có cả công dụng chữa bệnh). Trong khi đó, thực phẩm sản xuất trong nước phải kiểm soát rất chặt các mối nguy, kiểm soát việc công bố công dụng.

“Đây là bất bình đẳng lớn đối với thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm nhập khẩu, có thể dẫn đến việc “bóp chết” các doanh nghiệp trong nước”, PGS Đáng nói.

{keywords}
PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam

Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam chỉ ra một số điểm mà dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính đưa ra không phù hợp thực tế, thậm chí trái với các luật hiện hành, cần phải điều chỉnh lại.

Thứ nhất, vấn đề kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cần có chuyên môn, nghiệp vụ sâu về chuyên ngành để nắm được thành phần nguyên liệu, mức độ tinh khiết, độ ổn định về hàm lượng, tính chất suốt đời sống sản phẩm cũng như phải phân tích được các chất ô nhiễm, sự tác động của thực phẩm tới sức khỏe, bệnh tật.

Cơ quan hải quan không thể quản lý và thực hiện được nội dung này mà chỉ có hệ thống y tế, hệ thống nông nghiệp đã thực hiện ở nước ta vài chục năm nay.

Thứ hai, vấn đề phân tích nguy cơ (đánh giá nguy cơ, kiểm soát nguy cơ và truyền thông nguy cơ), theo PGS Đáng, đánh giá nguy cơ bao gồm nhận diện xác định mối nguy, mô tả đặc điểm mối nguy, lượng giá sự phơi nhiễm và mô tả đặc điểm nguy cơ. Thực hiện nội dung này cũng chỉ có ngành y tế và ngành nông nghiệp làm được, không phải hải quan.

Thứ ba, vấn đề công bố hợp quy, công bố hợp chuẩn đã được đề cập trong Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn; Luật an toàn thực phẩm và chỉ có ngành y tế, ngành nông nghiệp thực hiện từ vài chục năm qua. Vì vậy, không nên đề cập trong Nghị định này.

Thứ tư, theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, các nội dung của dự thảo Nghị định này còn trái với Luật An toàn thực; Luật chất lượng; Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn; Luật thú y. Đặc biệt, nó trái với Quyết định số 38 của Thủ tướng.

Cụ thể, Quyết định số 38 chỉ giao Hải quan xây dựng Nghị định về kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay tên dự thảo Nghị định: “Quy định cơ chế quản lý” đã sai với nhiệm vụ được giao, vì quản lý an toàn thực phẩm bao gồm rất nhiều nội dung: Quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn; đăng ký công bố; kiểm nghiệm; ghi nhãn; quảng cáo, thanh tra, kiểm tra, điều kiện cơ sở sản xuất... Trong đó, việc kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu chỉ là một nội dung rất nhỏ về quản lý an toàn thực phẩm.

Mặt khác, Quyết định số 38 chỉ giao Tổng cục Hải quan xây dựng và đề xuất mô hình kiểm tra hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định lại hướng dẫn cả Đăng ký bản công bố và Tự công bố đối với thực phẩm nhập khẩu.

Thứ năm, PGS Trần Đáng nhấn mạnh, nếu dự thảo này được ban hành sẽ gây rất nhiều hậu quả như nguy cơ về các mầm bệnh gây bệnh ô nhiễm vào thực phẩm mà không kiểm soát được; thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng sẽ tràn vào nước ta, nhất là tràn vào qua biên giới.

“Cơ quan hải quan bản chất là cơ quan kiểm soát nhập lậu và đánh thuế. Cần có sự phân công công việc đúng như bản chất của nghề nghiệp, tránh chồng chéo, phân công không đúng và làm không đúng sẽ gây rối loạn xã hội, rối loạn kinh tế và đời sống nhân dân”, đại diện Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam bày tỏ ý kiến.

Tại buổi góp ý, Hiệp hội thực phẩm chức năng kiến nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan chưa thông qua dự thảo Nghị định trên và đề nghị Bộ Tài chính chỉnh sửa để giải quyết những bất cập.

Nguyễn Liên

Sức khỏe 4 học sinh sốc phản vệ sau tiêm vắc xin Covid-19 ở Bắc Giang đã ổn định

Sức khỏe 4 học sinh sốc phản vệ sau tiêm vắc xin Covid-19 ở Bắc Giang đã ổn định

Hiện sức khỏe của các trẻ đều đã ổn định. 2 học sinh diễn tiến nặng hơn vẫn được theo dõi tại Bệnh viện Bạch Mai, còn 2 cháu điều trị tại Trung tâm Y tế huyện đã được xuất viện về nhà.