Sáng 8/7, kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X bước vào phiên chất vấn. Đây là phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2026.

Thiếu nhân lực, Sở Y tế đề xuất tăng 4.000 biên chế

Người đầu tiên thực hiện trả lời chất vấn là ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.

Nhiều đại biểu quan tâm dịch đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, trong khi nhân lực y tế thiếu, nhất là y tế cơ sở.

Theo đại biểu Phạm Văn Rậm, có tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, trong khi tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Ông Rậm muốn biết Sở Y tế có biện pháp gì để giữ chân họ lại. 

{keywords}
Đại biểu Tăng Hữu Phong chất vấn

Đại biểu Tăng Hữu Phong (TBT báo Sài Gòn Giải Phóng), lo lắng về việc thiếu nhân lực tại các trạm y tế xã, phường. Ông Phong cho rằng, định biên hiện nay tối thiểu 5 nhân viên, tối đa 10 nhân viên/trạm tùy vào số dân. Tuy nhiên, ông cho rằng, có những phường với số dân trên 100.000 người, thì định biên như vậy rất thiếu, quyền lợi về chăm sóc sức khỏe cho người dân không đảm bảo…

Thượng tọa Thích Minh Thành đặt vấn đề Sở Y tế có có những chính sách nào để củng cố năng lực cho các trạm y tế và hệ thống y tế đang có, như tăng vật tư, cơ số thuốc và nhân sự…

Thượng tọa cũng đặt câu hỏi, ngành y tế có tiên lượng gì về biến chủng mới hay không? Chuẩn bị ứng phó thế nào nếu đại dịch bùng phát mạnh trở lại?

{keywords}
Thượng Tọa Thích Minh Thành đặt câu hỏi về biến chủng Omicron

Trước các vấn đề mà đại biểu đặt ra, Giám đốc sở Y tế Tăng Chí Thượng thông tin, cuối tháng 10 vừa qua, toàn ngành y tế đã sơ kết công tác phòng, chống dịch, rút ra nhiều bài học. Trong đó, có việc củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở và đảm bảo nguồn nhân lực.

Theo ông, hiện nay, cả TP có chỉ số 20 bác sĩ/10.000 dân, cao nhất cả nước nhưng ở các nước phát triển, chỉ số này từ 36-62 bác sĩ/10.000 dân.

“Với con số nêu trên, trong tình hình bình thường không có vấn đề, nhưng khi dịch bùng phát như vừa qua thì rất thiếu”, ông Thượng cho biết.

Đối với y tế cơ sở, ông Thượng cũng cho hay, TP.HCM có chỉ số nhân viên y tế thấp nhất, chỉ có 2,3 nhân viên y tế/10.000 dân, trong khi tỷ lệ của cả nước là 7,42.

Qua đó, Giám đốc Sở Y tế cho biết đã trình UBND TP các đề xuất củng cố năng lực y tế toàn ngành, nhất là y tế cơ sở.

Theo đó, đề xuất về chính sách giữ chân nhân viên y tế, để họ an tâm công tác không nghỉ việc. Ttrong 8 tháng qua, đội ngũ y tế hầu như không được nghỉ ngơi, có thể nói là kiệt sức, lại có thu nhập thấp.

“Chúng tôi đề xuất làm sao bác sĩ công tác tại cơ sở được thêm 1,5 lần mức lương và các chế độ hỗ trợ khác để tăng thu nhập”, ông Thượng chia sẻ.

Về chính sách thu hút nhân viên y tế đến công tác tại các trạm y tế, Sở đã làm việc với các Trường đại học Y, đề xuất cơ chế mới. Đối với bác sĩ mới tốt nghiệp, thay vì về bệnh viện thực hành 18 tháng thì sẽ về y tế cơ sở làm việc 12 tháng, còn 6 tháng thực hành tại bệnh viện. Thứ hai, mỗi năm ước tính ít nhất 500 bác sĩ xuống trạm y tế công tác thực hành lấy chứng chỉ.

Sở Y tế cũng đề xuất UBND TP kiến nghị tăng định biên cho trạm y tế, vì theo quy định cũ thì định biên tối thiểu là 5, tối đa là 10 nhân viên/trạm y tế hiện nay là rất thiếu.

Ông Thượng ví dụ, một phường ở Bình Chánh có trên 100.000 dân, nhưng định biên vẫn giữ như cũ thì rất khó, do đó Sở Y tế đề xuất tăng gấp đôi nhân viên cho các trạm đông dân. Theo đó, Sở Y tế đề xuất cụ thể, bổ sung thêm hơn 4.000 biên chế cho ngành y tế.

Chưa xuất hiện biến chủng Omicron ở TP.HCM

Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành y tế liên tục theo dõi sát diễn tiến của biến thể Omicron. Theo ông Thượng, qua theo dõi ở các nước, người mắc nhiều nhưng chưa thấy ca nặng, diễn tiến xấu. Chuyên gia cũng cho biết, vắc xin vẫn có hiệu quả với biến chúng này nên tạm yên tâm.

{keywords}
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn 

Riêng tại TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế cho biết luôn giám sát chặt người về từ các nước có Omicron và đến nay chưa thấy xuất hiện biến chủng này tại TP.HCM. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hệ thống y tế của TP không chủ quan. TP đã dành riêng một bệnh viện dã chiến, nếu có ca mắc biến chủng mới sẽ tập trung cách ly, điều trị riêng.

Báo cáo thêm với HĐND, ông Thượng cho biết, sau khi bỏ giãn cách, số ca mắc và tử vong giảm mạnh. Tuy nhiên, từ 20/10 đến nay các chỉ số này có dấu hiệu tăng trở lại.

Hiện toàn TP chăm sóc hơn 85.000 người bệnh, trong đó hơn 66.000 F0 tại nhà. Cuối tháng 9 dịch bùng phát dữ dội, có hơn 154.000 F0.

Hiện, TP đang ở cấp độ 2, vẫn kiểm soát được dịch, nhưng tình hình vẫn lo ngại vì số ca mắc tăng.

TP tập trung đẩy mạnh tăng cường hoạt động kiểm soát dịch bệnh tại từng khu vực, địa phương; xây dựng quy trình xử lý F0 phù hợp với từng nhóm, từng khu vực; tăng cường kiểm soát người về từ nước ngoài, nhất là về từ các nước có biến chủng Omicron. TP cũng đã hoàn thiện quy chế điều trị F0 tại nhà, phân bổ thuốc điều trị, phối hợp tổ chức mạng lưới hơn 500 chuyên gia, bác sĩ tư vấn chăm sóc F0 tại nhà.

Xây dựng phòng chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19. Mới nhất, triển khai chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ, nguy cơ cao và người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc xin nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm nguy cơ tử vong.

Bệnh viện dã chiến sẵn sàng tiếp nhận F0 nhiễm biến thể Omicron

Bệnh viện dã chiến sẵn sàng tiếp nhận F0 nhiễm biến thể Omicron

Ngay khi được Sở Y tế TP.HCM điều động, Bệnh viện Da liễu đã cử nhân lực đến Bệnh viện dã chiến số 12, sẵn sàng tiếp nhận F0 nhiễm biến thể mới Omicron. 

Hồ Văn