Dự kiến lập 400 giường tại Bệnh viện dã chiến Hà Tiên
Sáng 20/4, trao đổi với VietNamNet, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, Hà Văn Phúc, cho biết, Bệnh viện dã chiến Hà Tiên có thể tăng lên 400 giường bệnh.
“Dự kiến của Kiên Giang là bố trí khoảng 400 giường tại Bệnh viện dã chiến Hà Tiên. Ngày 18/4, Bộ Y tế cũng đề nghị tỉnh chuẩn bị 300-500 giường, đây cũng là con số dự tính của tỉnh”, ông Phúc nói.
Đoàn công tác của Bộ Y tế thăm và kiểm tra tại Hà Tiên (Kiên Giang) hôm 18/4 |
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, những người về từ Campuchia sẽ được cách ly, điều trị ngay tại TP Hà Tiên, không cho đi sâu vào đất liền.
"Khoảng 2 tháng trước, khi thấy tình dịch bệnh ở Campuchia phức tạp, Sở Y tế đã trình xin chủ trương Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập bệnh viện dã chiến, đề phòng người từ bên kia biên kia biên giới ào về có chỗ cách ly, điều trị.
Chúng tôi dự kiến thực hiện 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, số lượng bệnh nhân ít sẽ được điều trị tại Trung tâm y tế Hà Tiên.
Giai đoạn 2, số lượng người bệnh nhiều hơn sẽ sử dụng 50 giường tại Trung tâm y tế Hà Tiên điều trị trường hợp nặng; 200 giường tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhẹ, bệnh không triệu chứng.
Giai đoạn 3, số lượng người bệnh nhiều hơn nữa, tình trạng phức tạp sẽ tăng lên 400 giường tại Bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhẹ và không triệu chứng. Còn nhiều hơn nữa sẽ lấy toàn bộ trung tâm Y tế Hà Tiên để điều trị cho người bệnh”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cho biết, hiện tình dịch bệnh trên địa bàn Kiên Giang được kiểm soát tốt. Dự kiến vài ngày tới, Bệnh viện dã chiến Hà Tiên sẽ hoàn thành, hiện chỉ còn làm các khu chức năng để gắn máy móc điều trị bệnh.
Nhiều người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về
Hôm 18/4, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Lưu Trung, cho biết, khó khăn lớn nhất của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch hiện nay là tình hình nhập cảnh qua biên giới tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Cổng thông tin Kiên Giang
|
Số lượng người dân Việt Nam sang Campuchia làm ăn, sinh sống ước gần 12.000 người, đa số là lao động tự do, xuất cảnh trái phép làm việc tại các tụ điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, casino...
Từ ngày 20/2 đến nay, hơn 1.300 người nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Ngoài ra, các lực lượng chức năng đã phát hiện hàng chục vụ nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh với hơn 140 người.
Bên cạnh đó, điều kiện làm việc của cán bộ, chiến sĩ ở các chốt biên phòng còn nhiều khó khăn, chưa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên bộ và trên biển.
Năng lực xét nghiệm Covid-19 của Kiên Giang chưa đạt yêu cầu. Hiện tại, tỉnh chỉ có 3 máy xét nghiệm Covid-19, công suất tối đa 600 mẫu/ngày nên chưa đảm bảo để phục vụ xét nghiệm rộng nhằm truy vết nhanh chóng theo chỉ đạo của Bộ Y tế với năng lực xét nghiệm 1.000 đến 1.500 mẫu/ngày.
Dự trữ sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y yế tiêu hao và phương tiện phòng hộ cũng chưa đảm bảo.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang, Mai Văn Huỳnh, cho rằng, Kiên Giang vẫn đang đảm bảo kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh.
Trước diễn biễn phức tạp của các nước trong khu vực, nhất là Campuchia, Kiên Giang là tỉnh có nguy cơ rất cao có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tăng cường năng lực xét nghiệm cho TP Hà Tiên để chủ động sàng lọc, tránh lây lan trên diện rộng.
Cùng với đó hỗ trợ năng lực điều trị cho tỉnh trong tình huống kiều bào từ Campuchia về nước tăng cao.
Ưu tiên phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 cho tỉnh Kiên Giang trong những đợt tiếp theo để tiêm ngừa cho lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, đội ngũ tình nguyện viên ở Phú Quốc và Hà Tiên.
Đồng thời triển khai tiêm ngừa vắc xin cho tất cả người dân Phú Quốc để kích cầu du lịch.
Xem xét hỗ trợ cho Kiên Giang 2 máy Real time RT-PCR và vật tư, sinh phẩm để xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. Ngoài ra cấp thêm cho Kiên Giang 20.000 test nhanh chẩn đoán và 10 triệu đôi găng tay y tế.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, với đường biên giới dài, bờ biển rộng và khoảng cách gần, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại Kiên Giang là rất cao trong thời gian tới đây, khi nước bạn nới lỏng giãn cách xã hội và người Việt trở về từ Campuchia tăng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Kiên Giang cần chủ động đưa ra tình trạng báo động cao hơn và chuẩn bị cho tất cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra như: vấn đề dịch trong cộng đồng, số ca mắc tăng cao.
Chuẩn bị các kịch bản cho trường hợp cách ly trên diện rộng, nhanh và phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về các biện pháp phòng, chống dịch.
Xem việc ngăn chặn, kiểm soát biên giới trên bộ và trên biển là giải pháp tiên quyết trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời tăng cường vận động, tuyên truyền để mỗi người dân trở thành cộng tác viên trong phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Viện Pasteur TP HCM, các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ Kiên Giang nâng cao công tác xét nghiệm cho TP Hà Tiên, Rạch Giá, nhằm tầm soát người nhiễm bệnh ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam...
Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cường 'lá chắn' chống dịch Covid-19 cho Kiên Giang
Sáng 19/4, đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường đến Kiên Giang hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thiện Chí