Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều y bác sĩ bước vào trận chiến Covid-19 khốc liệt dù chưa biết ngày về. Họ đã nuốt nước mắt vào trong, khi không thể chăm lo cho người yêu, vợ chồng lúc khó khăn nhất. Kể cả khi đón đứa con đầu lòng, họ vẫn nợ vợ một lần lên xe hoa.

Người yêu giấu tin mắc Covid-19

Từ tháng 7/2021 đến nay, điều dưỡng Trần Thị Thúy Hằng (1995) tham gia làm việc tại khu Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Quân y 175. Như rất nhiều đồng nghiệp tham gia chống dịch, đến trước Tết Nguyên đán, chị mới được gặp lại người yêu. Thế nhưng, anh chị vẫn chưa có một buổi hẹn hò thực sự sau hơn nửa năm xa cách.

“Chúng tôi phải hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang để an toàn cho mọi người. Vì tôi vẫn đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19, vẫn mang nguy cơ”, chị Hằng chia sẻ.

Chồng chưa cưới của chị, anh Phạm Tuân (1994) công tác ở một doanh nghiệp tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Quen và thương nhau suốt 6 năm, anh chị có đủ lòng tin đi qua khó khăn, dù Covid-19 khiến họ xa cách quá lâu.

{keywords}
Điều dưỡng Thúy Hằng bồi hồi khi nhớ lại thời điểm khi biết tin chồng chưa cưới mắc Covid-19.

Những ngày đầu, chị Hằng không tránh khỏi nỗi sợ hãi và luôn sẵn sàng tâm lý sẽ nhiễm Covid-19 khi chăm sóc bệnh nhân. Áp lực công việc lên đến đỉnh điểm khi TP ghi nhận hàng ngàn ca Covid-19 mỗi ngày, nhân viên y tế không có giờ nghỉ ngơi.

“Chúng tôi tranh thủ từng phút khi đêm xuống để gọi điện thoại cho người yêu, người nhà. Chỉ cần nghe tiếng alo, biết mọi người bình an là mình vui lắm rồi.

Gập ghềnh nhất trong tình yêu là xa cách, nhưng không bao giờ tôi nghĩ tình cảm của mình sẽ dừng lại…”

Tháng 10/2021, chồng chưa cưới của chị Hằng mắc Covid-19. Vì sợ chị lo lắng, anh giấu biệt cho đến khi khỏi bệnh mới nói cho chị hay. Điều này khiến chị thêm đau lòng.

“Tôi cảm thấy mình bất lực, không làm được gì cả. Mình đi chống dịch, chăm sóc cho người khác, nhưng người thân của mình mắc bệnh lại không thể kề bên.

Khi TP mở cửa, rất nhiều người thân của nhân viên y tế mắc bệnh, nhưng chúng tôi đều đang làm nhiệm vụ, đâu thể chăm sóc”.

{keywords}
Trải qua hơn nửa năm xa cách, chị Hằng và chồng sẽ về chung một nhà sau hôn lễ tập thể tại Bệnh viện Quân y 175.

Đối mặt với bệnh tật, sinh ly tử biệt tại Trung tâm Điều trị Covid-19, họ chỉ tâm nguyện hai chữ bình an. Dịch bệnh khiến mối tình 6 năm thêm động lực để gắn bó, chăm sóc nhau. Chị Thúy Hằng và chồng quyết định sẽ "về chung một nhà" trong hôn lễ tập thể tại Bệnh viện Quân y 175 tổ chức ngày 20/2 tới đây.

Quyết định chia đôi ECMO vì nghĩ về người vợ đang mang thai

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tại Bệnh viện Quân y 175 từ ngày 17/7/2021.  Anh cũng là người đề xuất chia đôi máy ECMO để cứu 2 sản phụ mắc Covid-19 nguy kịch khi bệnh viện thiếu trang thiết bị.

Anh chia sẻ, vợ anh là đồng nghiệp tại cùng bệnh viện. Ngay đỉnh dịch, vợ anh phát hiện đã có thai. 8 tuần sau, anh bước vào nơi căng thẳng nhất  - khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Khó khăn nhất là lúc điều trị cho 2 sản phụ cần thở ECMO, nhưng chỉ còn 1 máy.

{keywords}
Bác sĩ Chung và đồng nghiệp đã cứu sống 2 sản phụ mắc Covid-19. Khi đó, vợ anh cũng đang mang thai.

Khi đó anh nghĩ rất nhiều về vợ, mình sẽ làm gì nếu vợ mình rơi vào tình huống đó? Với lương tâm của thầy thuốc, anh đề xuất chia đôi máy ECMO để mang cơ hội sống cho 2 người mẹ, người vợ. Cả 2 bệnh nhân sau đó đã hồi phục và xuất viện. 

Trong khi đó, vợ anh chỉ có một mình bên ngoài, không ai chăm sóc dù mang thai và ốm nghén đến tận cuối thai kì. Không có điều kiện bồi bổ sức khỏe khi giãn cách xã hội, thai nhi rơi vào nhóm nguy cơ chậm phát triển. 

“Vợ tôi không thèm một món gì suốt thời gian mang bầu. Hình như cô ấy cũng hiểu khó khăn chung nên không dám thèm”, anh cười. Dù là người cứng rắn, quyết đoán khi làm việc, nhưng trước những thiệt thòi mà vợ con trải qua, bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung thoáng nét đau lòng. 

{keywords}
Hình cưới của 20 cặp đôi được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: BVCC

Những ngày giáp Tết Nhâm dần, bé trai Nguyễn Cảnh Hoàng Đức nặng 3kg chào đời sau những khó khăn, trắc trở mà cha mẹ đã đối mặt. Thế nhưng, vợ anh vẫn chưa một lần được lên xe hoa, dù đã chuẩn bị cho lễ cưới suốt một năm trời. 

Khi Bệnh viện Quân Y 175 lên kế hoạch tổ chức hôn lễ cho những nhân viên tham gia chống dịch, anh rất hạnh phúc vì có thể bù đắp phần nào cho vợ con. “Phụ nữ ai cũng mong một lần được mặc váy cưới và có một đám cưới tử tế. Dịch bệnh, gian khổ quá nên phải hoãn lại”, bác sĩ Chung trải lòng.

Chiều 16/2,  trong buổi chia sẻ thông tin với báo chí, Đại tá, tiến sĩ Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, nhân viên y tế đã cống hiến, hy sinh suốt 2 năm dịch Covid-19 xuất hiện. Họ đã dấn thân vào nơi nguy hiểm nhất vì bình yên của thành phố, của đất nước.

Trong đó, không ít người đã làm đăng ký kết hôn, nhưng vẫn chưa được lên xe hoa hay tổ chức đám cưới.

“Chúng tôi nghĩ rằng, phải có trách nhiệm bù đắp thiệt thòi này cho các em. Việc tổ chức lễ thành hôn cho 20 cặp vợ chồng là nhân viên y tế của bệnh viện, là sự tri ân, lời cảm ơn với cán bộ ngành y trong thời gian qua”, đại tá, tiến sĩ Trần Quốc Việt bày tỏ.

{keywords}
Một trong những cặp đôi sẽ được tổ chức đám cưới tập thể cùng đồng nghiệp Bệnh viện Quân y 175.
{keywords}
2 bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 hoãn cưới 2 lần vì dịch Covid-19.

 Linh Giao 

Sự sống từ quyết định táo bạo: Chia đôi máy ECMO

Sự sống từ quyết định táo bạo: Chia đôi máy ECMO

Chia đôi máy ECMO cho 2 bệnh nhân Covid-19 cùng sử dụng là sáng kiến táo bạo của bác sĩ để cứu sống người bệnh ở Bệnh viện 175.