Bộ Y tế vừa ban hành “Hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” áp dụng thống nhất tại tất cả các địa phương trên cả nước.

Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 đang bùng phát, việc phân loại nguy cơ sẽ giúp hệ thống y tế tránh áp lực quá tải, lúng túng trong điều trị, xác định đúng nhu cầu điều trị và tiết kiệm nguồn lực của ngành y tế, xã hội.

Trước đó, ngày 31/7, Bộ Y tế đã ban hành Tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 trong bối cảnh các ca Covid-19 tăng nhanh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng phân loại nguy cơ và xử trí, cách ly, chuyển viện điều trị đang có sự thiếu nhất quán giữa các địa phương. Vì vậy, chỉnh sửa tiêu chí phân loại nguy cơ và định hướng xử trí, cách ly, điều trị phù hợp với tình hình mới là việc cần thiết.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Điều này giúp người nhiễm SARSCoV-2 ở các mức độ nguy cơ khác nhau lựa chọn nơi cư trú hoặc cơ sở điều trị phù hợp. Bảo đảm thực hiện các biện pháp cách ly an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho các đối tượng khác.

Theo hướng dẫn mới nhất này, nguyên tắc điều trị F0 là theo dõi, chăm sóc F0 không triệu chứng và các ca bệnh nhẹ ngay tại nhà nếu đủ điều kiện. Tập trung điều trị tốt ngay tại tầng 1, tầng 2 cho người bệnh, tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh nặng ở tầng trên.

Mỗi cơ sở thu dung bố trí ít nhất “2 tầng điều trị” và đảm bảo tỷ lệ giường bệnh hồi sức tích cực theo phân tầng điều trị. Đánh giá nguy cơ và theo dõi tình trạng bệnh chặt chẽ, chủ động tiên lượng các tình huống tăng nặng để điều trị phù hợp, can thiệp sớm.

“Cộng đồng, y tế tuyến cơ sở và các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 thực hiện nghiêm việc phân loại nguy cơ. Tuy nhiên căn cứ trên tình trạng lâm sàng của người bệnh và tính sẵn có của giường bệnh, cơ sở y tế (bác sỹ điều trị) có quyền quyết định chuyển người bệnh vào loại giường bệnh phù hợp với thực tế”, hướng dẫn nêu.

Cũng theo hướng dẫn này, các bệnh nền nguy cơ cao là: Đái tháo đường; Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác; Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Béo phì, thừa cân; Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim).

Ngoài ra các bệnh lý mạch máu não; Hội chứng Down; HIV/AIDS; Bệnh lý thần kinh, bao gồm sa sút trí tuệ; Bệnh hồng cầu hình liềm; Bệnh hen suyễn; Tăng huyết áp; Thiếu hụt miễn dịch; Bệnh gan; Rối loạn sử dụng chất gây nghiện; Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các loại bệnh hệ thống và các bệnh nền của trẻ em cũng được xếp vào nhóm bệnh nền nguy cơ cao.

Bộ Y tế cũng nêu 12 dấu hiệu, biểu hiện nhiễm SARS-CoV-2 bao gồm: Ho; Sốt (trên 37,5 độ C); Đau đầu; Đau họng, rát họng; Sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi; Khó thở; Đau ngực, tức ngực; Đau mỏi người, đau cơ; Mất vị giác’ Mất khứu giác; Đau bụng, buồn nôn; Tiêu chảy.

Bên cạnh đó, Bộ cũng hướng dẫn 5 dấu hiệu của người mắc Covid-19 trong tình trạng cấp cứu gồm: Rối loạn ý thức; Khó thở, thở nhanh > 25 lần/phút hoặc SpO2 < 94%; Nhịp tim nhanh > 120 nhịp/phút; Huyết áp tụt, huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg. “Bất kỳ dấu hiệu bất thường khác mà nhân viên y tế chỉ định xử trí cấp cứu”, hướng dẫn thông tin thêm.

Ngọc Trang – Hồng Phúc

Lưu ý đặc biệt trong chế độ ăn của người mắc Covid-19 có bệnh nền

Lưu ý đặc biệt trong chế độ ăn của người mắc Covid-19 có bệnh nền

Mỗi một bệnh nền, F0 sẽ có chế độ dinh dưỡng khác nhau. Ví dụ người bệnh đái tháo đường lựa chọn và sử dụng theo chỉ số đường huyết của thực phẩm, F0 có bệnh lý tăng huyết áp cần hạn chế sử dụng muối theo các mức độ...