Nhiều F0 không tiếp cận được túi thuốc C

Ngày 14/11, một số người dân chung cư Flora Fuji (Phước Long B, TP. Thủ Đức) cho biết, không nhận được tư vấn hay chăm sóc từ y tế phường dù đang cách ly tại nhà. 

Chị Th.T chia sẻ, từ lúc cách ly đến nay, không có nhân viên nào xuống căn hộ test lại Covid-19 cho gia đình chị, không một túi thuốc nào được cấp phát.

{keywords}
Chung cư Flora Fuji hiện ghi nhận một số ca F0 đang cách ly tại căn hộ. 

Theo quy trình, khi F0 báo kết quả dương tính, trạm y tế sẽ đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm F0 (nếu cần) và những người liên quan. F0 đủ điều kiện sẽ cách ly tại nhà, được hướng dẫn và cấp phát túi thuốc A,B.

Bên cạnh đó, F0 được tư vấn về gói thuốc C – Molnupiravir, hay còn gọi là thuốc kháng virus. Người bệnh phải ký cam kết để được sử dụng.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, gói thuốc C được dành cho F0 có triệu chứng nhẹ, nhịp thở dưới 20 lần/ phút, nồng độ SpO2 cao hơn hoặc bằng 96%. Gói thuốc C có lượng thuốc đủ dùng trong 5 ngày.

Thế nhưng, nhiều F0 của TP.HCM hiện rất khó khăn khi tiếp cận thuốc kháng virus. Chị Phạm Thị Lan, phường Thạnh Lộc, quận 12 cùng 2 người nhà mắc Covid-19. Trạm y tế cấp túi thuốc A-B kèm theo hướng dẫn. Trong 14 ngày cách ly, chị Lan không hề sử dụng.  

“Tôi tưởng có thuốc đặc trị Covid-19 nên mới nhận về. Mở ra thì thấy có C sủi, vitamin, paracetamol. Những loại này lúc nào trong nhà cũng có. Thuốc vẫn còn nguyên kia!”, chị Lan bức xúc.

{keywords}
Hộp thuốc kháng virus anh Phạm Thanh Bình (quận Gò Vấp) được cấp phát.

Còn anh Phạm Thanh Bình (quận Gò Vấp) được xem là may mắn khi nhận được 1 hộp Molnupiravir 20 viên dùng trong 5 ngày. Anh phải ký giấy cam kết theo quy định của Bộ Y tế.   

“Thuốc Molnupiravir muốn mua cũng không được, chúng tôi chỉ có thể chờ vào trạm y tế. Vậy mà bạn bè tôi rất nhiều người không được tư vấn và cho thuốc này”, anh Bình bày tỏ.

Một bác sỹ tại quận 12 cho biết, hiện trạm lưu động này chỉ được cấp thuốc A và B. Nếu muốn sử dụng thuốc C, người bệnh phải đăng ký với trạm y tế. Trạm y tế sẽ liên hệ phường để xin cơ số thuốc về cấp cho người dân. F0 phải ký giấy đồng ý tham gia chương trình sử dụng thuốc.

Do đó, để có thuốc kháng virus, cả người bệnh và nhân viên y tế đều mất thời gian hơn so với các túi thuốc A và B.

Trước đó, Bộ Y tế đã cấp cho TP.HCM 50.000 túi thuốc C – thuốc kháng virus. 28.583 túi đã cấp phát, còn lại 21.417 túi tính đến ngày 8/11.

Trạm lưu động chia lửa cho y tế cơ sở

Bác sĩ Huỳnh Tiến Phú, Bệnh viện Y học cổ truyền vừa được điều động về Trạm y tế lưu động phường Tân Thới Nhất, quận 12. Không có phút ngơi nghỉ, anh bắt tay vào nhiệm vụ.

“Mỗi ngày, có thể có 80-100 F0 phát hiện qua test nhanh tại phường”, Bác sĩ Phú cho biết. Con số này tương đương với lượng F0 tối đa mà 1 trạm y tế lưu động có thể quản lý.

{keywords}
Trạm lưu động xét nghiệm cho người có triệu chứng tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM

Số ca bệnh vẫn đang có xu hướng tăng vì địa bàn có nhiều doanh nghiệp sản xuất, giáp các khu công nghiệp Tân Bình, Vĩnh Lộc, Bà Điểm. Yếu tố nguy cơ này khiến tình hình thêm căng thẳng. Vừa xét nghiệm, tiếp nhận F0, vừa tư vấn điện thoại, cấp cứu - các nhân viên y tế địa phương và tăng cường đều đuối sức.

Thêm vào đó, các bác sĩ thường xuyên rơi vào cảnh không tìm thấy nhà người bệnh. “Số nhà ở phường Tân Thới Nhất rất khó tìm. Người dân đưa địa chỉ 10 nhà thì mình chỉ tìm được 3”, Bác sĩ Phú chia sẻ.

Gần đây nhất, 1 F0 tại nhà cần phải nhập viện vì trở nặng. Xe cấp cứu xuất phát ngay nhưng không tìm thấy nhà dù đã gọi điện hướng dẫn. Các bác sĩ phải xuống tận nơi để dẫn đường. Phường đã hỗ trợ dân quân, tình nguyện viên nhận nhiệm vụ này, đặc biệt là vào ban đêm.

{keywords}
Một trạm y tế lưu động vừa được tăng cường cho quận 12, TP.HCM.

Tại phường Thạnh Lộc, tình hình cũng căng thẳng không kém. Bác sĩ Phạm Văn Được, Trưởng trạm y tế cho biết, trạm chỉ có 4 nhân sự. Khi lực lượng quân y rút đi, 4 người làm mọi công việc liên quan đến gần 1.000 F0 trên địa bàn.

Vì thiếu người, nhiều F0 được hướng dẫn lên nhận thuốc tại Trạm y tế thay vì được cấp phát tận nơi. “Bất đắc dĩ mới phải để người nhà lên nhận thuốc. Chúng tôi cũng phải linh hoạt và nghĩ nhiều cách lắm”, bác sĩ Được thẳng thắn chia sẻ.

Hiện quận 12 đang có hơn 10.000 F0 tại nhà, cao nhất TP.HCM. Sở Y tế phải điều động 20 trạm y tế lưu động hỗ trợ quận 12 ngay trong tuần qua. Bao gồm các y bác sĩ từ Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện da liễu, Bệnh viện quận 12.

Trên địa bàn toàn TP, 250 trạm y tế lưu động được bổ sung lực lượng chia lửa với 310 trạm y tế phường, xã chăm sóc F0 tại nhà. Nhưng thiếu nhân lực y tế cơ sở, là vấn đề đã nhìn thấy từ rất lâu.

Theo khảo sát của Ban văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM, xã Vĩnh Lộc B  (huyện Bình Chánh) hiện có 180.000 dân nhưng chỉ có 7 nhân viên y tế. Trung bình mỗi nhân viên quản lý 25.000 dân, nhưng trạm không có ai là bác sĩ.

“Nghe rất là sốc!” Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP phát biểu.

Còn tại quận 4, chỉ 1/13 trạm y tế phường có trạm trưởng. 12 trạm còn lại để trống vì không có nhân sự đáp ứng theo tiêu chí của ngành y tế. Xét trên tổng số 310 trạm y tế toàn TP, hơn 50% cơ sở đang không có trạm trưởng!

Theo Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, tỷ lệ nhân viên y tế trên 10.000 dân của TP.HCM là 2,3. Con số vô cùng thấp so với yêu cầu thực tế và với trung bình cả nước (7,4/10.000 dân). Hậu quả có thể nhìn thấy sau đợt dịch lần 4 và khi F0 tại nhà tăng cao những ngày vừa qua.

“Đợt dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ nhiều điểm yếu cố hữu của y tế cơ sở. Trước đây, TP luôn tự hào về y tế chuyên sâu nhưng bây giờ nhìn lại, mới thấy những điểm yếu chết người khi dịch bùng phát", lãnh đạo Sở Y tế nhìn nhận.

Để giải quyết tình thế, TP đã thành lập các tổ phản ứng nhanh, đội đặc nhiệm kiểm dịch, kích hoạt mạng lưới Thầy thuốc đồng hành… trước tình hình F0 tăng lên.

Ngành y tế thường xuyên khuyến cáo người dân không được chủ quan dù đã tiêm đủ vắc xin Covid-19, nghiêm túc thực hiện 5K và các quy định kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

>>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Linh Giao

F0 ở TP.HCM than bị 'ngó lơ', y tế phường đuối sức

F0 ở TP.HCM than bị 'ngó lơ', y tế phường đuối sức

Nhiều F0 tại TP.HCM cách ly tại nhà rơi vào cảnh không được quan tâm do một số trạm y tế quá tải khi lực lượng chi viện không còn như trước đây.