“Dành trọn trái tim cho TP.HCM”

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khi làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu, dự báo những khốc liệt xảy ra tại TP.HCM. Khi đó, bệnh viện đã có sẵn các khu điều trị Covid-19.

Trong đó, khu vực hồi sức đặt tại khu E do Khoa Bệnh nhiệt đới làm chủ lực có công suất cao nhất với 200 giường. Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới giàu kinh nghiệm chịu trách nhiệm quản lý.

{keywords}
Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quốc Hùng trong những ngày thiết lập khu Hồi sức tại Khoa Bệnh nhiệt đới.

“Ban đầu, chỉ sử dụng lầu 2 khu E, sau đó mở rộng thành 3 tầng lầu với 200 giường hồi sức cấp cứu. Tất cả đều rất căng thẳng, phải chạy theo dịch nhưng dịch đi nhanh quá”, TS Lê Quốc Hùng nhớ lại.

Bên cạnh nội lực của bệnh viện, các tổ chức xã hội và Mạnh Thường Quân từ khắp nơi đã hỗ trợ trang thiết bị y tế, gấp rút triển khai khu điều trị. Chỉ sau 1 tuần, tất cả hoàn thiện để tiếp nhận bệnh nhân nặng.

Với 200 bệnh nhân hồi sức, yêu cầu phải từ 300-400 nhân viên y tế chăm sóc. Vì vậy, bệnh viện điều động toàn lực các khoa phòng hỗ trợ Khoa Bệnh nhiệt đới bước vào cuộc chiến.

“Lượng bệnh nhân thực tế vượt dự kiến rất nhanh. Mỗi 1 tầng chỉ 1 ngày là đầy ắp bệnh nhân khi biến thể Delta xuất hiện”, Tiến sĩ Lê Quốc Hùng cho biết.

Virus lây lan nhanh, bệnh nặng dồn dập nhưng khó khăn hơn cả là tình trạng phức tạp của các bệnh nhân Covid-19 tại đây. Có 3 nhóm bệnh nhân Covid-19 chính:

Thứ nhất,  người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền. Khi mắc Covid-19, các bệnh nền bùng lên, thời gian điều trị kéo dài, từ 4 tuần trở lên. Bệnh nhân nằm viện càng lâu, các biến chứng càng nặng hơn, viêm phổi, bội nhiễm, nhiễm trùng nấm khiến việc điều trị rất khó khăn.

Thứ hai, bệnh nhân có bệnh nền mạn tính như bị suy thận hay ung thư giai đoạn cuối. Khi mắc thêm Covid-19, tình trạng cực kỳ nặng, tiên lượng rất xấu.

Thứ ba, nhóm bệnh cấp tính như chấn thương sọ não, nhồi máu cơ tim, các tai nạn cần phẫu thuật… khi cấp cứu phát hiện thêm mắc Covid-19, nên vừa phải săn sóc ngoại khoa, vừa điều trị Covid-19. 

{keywords}
Khu Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Chợ Rẫy vào tháng 8/2021.

“Điều trị Covid-19 chỉ có 1 phác đồ, nhưng bệnh nhân ở đây phải điều trị rất nhiều bệnh nguy kịch. Giống như một bài toán quá khó và phức tạp, chúng tôi giải được chuyên khoa này lại phát sinh thêm một chuyên khoa khác, liên tục, luẩn quẩn. Rất thách thức”, vị trưởng khoa tâm tư.

Trong 4.000 ca Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 80% là bệnh nặng. Những người già, nhiều bệnh nền, phải thở máy, tỷ lệ cứu sống chỉ khoảng 10%. Hơn 1.400 bệnh nhân đã tử vong, để lại những tiếc thương và day dứt cho người bác sĩ. Nhưng cũng có không ít người cận kề cửa tử, được họ giành giật trở về bên gia đình.

Đó là chiến sĩ công an P.C.D (quận Tân Phú, TP.HCM), nhiễm Covid-19 khi làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch.

Ngày 8/6, chiến sĩ D. chuyển nặng. Anh được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới về Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Đây là ca đầu tiên trong đợt dịch 4 phải đặt ECMO. Bệnh nhân dư cân, tăng huyết áp, có những rối loạn nặng nề, gây ra suy thận, suy gan, tổn thương phổi, suy hô hấp.

Bệnh nhân trải qua quá trình lọc máu liên tục, thở máy kéo dài. Khi lọc máu không đáp ứng, bệnh nhân phải chuyển sang ECMO. Sau đó tiếp tục bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi. Đã có nhiều thời điểm, ê-kíp điều trị tưởng như vô vọng.

“Tổn thương phổi của bệnh nhân này trắng xóa, giống như trường hợp phi công số 91. Khi chạy ECMO thấy anh ấy tụt huyết áp, lên cơn sốt, chúng tôi nghĩ thôi xong rồi! Thế nhưng cứ cố gắng rồi cơ hội sống đã quay lại. Sau 3 tháng, bệnh nhân phục hồi”, tiến sĩ Lê Quốc Hùng chia sẻ.

{keywords}
Chiến sĩ công an mắc Covid-19 hồi phục sau 3 tháng điều trị tích cực.

Ông còn nhớ mãi, khi tỉnh dậy, bệnh nhân day dứt và lo lắng vì có thể lây nhiễm cho đồng đội, gia đình. Cho đến khi biết được điều đó không xảy ra, anh D. mới thở phào và trút được gánh nặng tâm lý.

Khi dịch ngày càng phức tạp, Bệnh viện Chợ Rẫy trở thành “vùng trũng”, bệnh nhân Covid-19 đủ mọi mức độ đổ dồn về nhưng không tiếp nhận hết. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân nặng không thể chuyển viện vì nguy cơ tử vong trên đường đi.

“Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo chúng tôi phải lên xe cấp cứu, xuống cơ sở để giúp người bệnh qua cơn nguy kịch”, Tiến sĩ Hùng nhớ lại. 

Theo Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, riêng khu E, Bệnh viện Chợ Rẫy, từ tháng 7 tới tháng 10/2021, đã nhận 1.300 bệnh nhân Covid-19, tỷ lệ tử vong chung là 28%. Trên 70% bệnh nhân được cứu thành công. Còn Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu được trên 2.300 ca bệnh Covid-19. 

“Đây là con số khích lệ với hàng trăm nhân viên y tế đã 6-7 tháng qua chưa được đoàn tụ gia đình đúng nghĩa”, ông cho biết.

Mặt trận phía Đông thành phố

Giữa tháng 7/2021, trước yêu cầu của TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy song song thiết lập thêm Trung tâm hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường ở ngoại thành. Cơ sở đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, bác sĩ Huỳnh Quang Đại… thuộc nhóm chuyên gia đầu tiên có mặt, thiết lập hệ thống máy móc, giường hồi sức, trang thiết bị. Từ một cơ sở y tế thô, trống trơn, các bác sĩ gấp rút hoàn thành Trung tâm hồi sức để có thể đón bệnh nhân sớm nhất.

Bác sĩ Huỳnh Quang Đại chia sẻ: “Khoa này vừa hoàn thành 60 giường thì 2 ngày sau kín bệnh nhân. Chúng tôi lại mở thêm khoa mới và lại đầy. Tiếp tục, cứ tiếp tục như vậy". Bốn ngày đầu tiên, 260 bệnh nhân đã nằm kín, đa số là nặng và nguy kịch.

{keywords}
60% bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở tình trạng nặng. 

Theo Bác sĩ CKII. Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, bệnh viện đã huy động 3.100 nhân sự (trong đó có 616 bác sĩ, 1.511 điều dưỡng, 176 kỹ thuật viên; 797 nhân viên khác). 15 khoa điều trị và 1 khu cấp cứu hoạt động đêm ngày trong suốt thời gian đỉnh điểm của dịch Covid-19.

Hàng nghìn con người quay cuồng trong guồng bệnh nặng và nguy kịch.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chia sẻ giữa tâm dịch: “Chúng tôi không biết hôm nay là thứ mấy. Ngày nào cũng làm như vậy, cũng lao vào cứu bệnh nhân. Có những lúc, tin nhắn động viên của gia đình còn không kịp đọc.

Điện thoại reo lên là chỉ biết sẽ nhận bệnh nhân. Chúng tôi động viện nhau cố gắng, cứ cố gắng!”

Khi đại dịch tràn đến thành phố quê nhà, họ đều chung tâm niệm, phải gắng sức thật nhiều. Trong đợt dịch thứ 4 (bắt đầu từ ngày 27/4), Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử 8 đoàn chi viện cho TP.HCM, bao gồm 211 bác sĩ, 408 điều dưỡng, chủ lực tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Thời gian đầu, 3 máy ECMO được chuyển đến ngay lập tức phải chạy hết công suất và tiếp tục phải điều động thêm. Đến nay, 19 bệnh nhân Covid-19 tại đây được can thiệp ECMO, chưa kể các trường hợp hỗ trợ ECMO tại các bệnh viện khác.

Ngày 28/8, số ca mắc mới của TP.HCM lên đến 17.403 ca. TP phải chăm sóc cho hơn 104.000 F0, gần 40.000 F0 nặng. Cao điểm, số tử vong lên đến 2.105 ca/tuần. Sự khốc liệt của dịch bệnh càng rõ nét hơn ở mặt trận phía Đông thành phố, mỗi ngày mất đi 10-20 sinh mệnh, bất chấp mọi nỗ lực của nhân viên y tế.

Ngày 15/9, bệnh viện ghi nhận đỉnh điểm 30 ca tử vong trong ngày!

Khi hệ thống điều trị thu dung và các Trung tâm Hồi sức Covid-19 của TP hoạt động nhịp nhàng, mức độ tổn thất cũng được kiểm soát. Sự sống lan tỏa ngay từ trong nơi khốc liệt nhất.

{keywords}
Bé gái chào đời tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 và được đưa về Bệnh viện Từ Dũ theo dõi. 

Ngày 12/9, sản phụ T.T.D. (34 tuổi) nhập Bệnh viện hồi sức Covid-19 trong tình trạng viêm phổi nặng vì Covid-19 và mang thai 31 tuần. Bệnh nhân suy hô hấp diễn tiến rất nhanh, với bệnh nền đái tháo đường thai kỳ và teo thận phải bẩm sinh.

Theo Thạc sĩ Bác sĩ Phạm Minh Huy, chỉ trong vòng 1 ngày, bệnh nhân từ thở oxy qua mặt nạ sang thở oxy dòng cao, đồng thời bị cơn bão Cytokine tấn công. Bệnh nhân được tiến hành lọc máu hấp phụ, đặt nội khí quản, thở máy, tuy nhiên không cải thiện.

Ngay lập tức, Bệnh viện Từ Dũ được mời hội chẩn và thống nhất tiến hành mổ lấy thai. “Phương án này vừa cứu bé, vừa giải quyết suy hô hấp cho bệnh nhân”, bác sĩ Huy giải thích.

Ngày 26/9, bé gái chào đời và được đưa về Bệnh viện Từ Dũ chăm sóc. Người mẹ tiếp tục được hồi sức tích cực. Đến này 28/9, tình trạng hô hấp của sản phụ D. đã tương đối ổn định. May mắn, cháu bé âm tính với nCoV. Những sự sống nhỏ bé này đã tiếp sức mỗi ngày cho hàng nghìn y bác sĩ tiếp tục cuộc chiến. 

Một trong những chiến lược được đề ra ngay từ ngày đầu thiết lập Bệnh viện, là không chờ bệnh nhân chuyển nặng mới can thiệp. Khi bệnh nhân được chuyển tuyến đúng lúc, kịp thời, tỷ lệ cứu sống và phục hồi rất khả quan. 

"Cần phải tập trung hiệu quả vào tầng 1 tầng 2, phải 'đánh chặn từ xa', không để bệnh nhân chuyển nặng mới chuyển đến tầng 3. Nếu để bệnh nhân phải thở máy hay chạy ECMO thì tỷ lệ cứu sống là rất thấp", TS Nguyễn Tri Thức, Giám độc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh.

{keywords}
Một trong những bệnh nhân nguy kịch vì Covid-19 trong ngày xuất viện.

Tính đến ngày 23/11, bệnh viện đã tiếp nhận 4.282 bệnh nhân, với 60% bệnh nặng và 19 ca chạy ECMO. Gần 3.000 bệnh nhân đã hồi phục, được xuất viện hoặc chuyển xuống tầng nhẹ hơn để điều trị.

"Như là từ cõi chết trở về", bệnh nhân Nguyễn Hữu Hoàng Nhân chia sẻ trong ngày xuất viện. 

Cho đến nay, khi đỉnh dịch đã tạm đi qua, Bệnh viện được thu hẹp quy mô theo yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, còn 150 giường hồi sức với 166 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang bám trụ cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho đến khi hoàn thành sứ mệnh với TP.HCM.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM được thành lập từ giữa tháng 7/2021 do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách chính về chuyên môn. Bệnh viện có 3.100 nhân sự, trong đó có 616 bác sĩ, 1.511 điều dưỡng, 176 kỹ thuật viên, 797 nhân viên khác.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có sự tham gia của lực lượng y tế tại TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu… và các y, bác sĩ được luân phiên từ các bệnh viện thuộc TP. Ngoài ra, còn có lực lượng y tế từ các tỉnh và Trung ương do Bộ Y tế điều động. 

Linh Giao

Ký ức đại dịch Covid-19 qua lời kể của người báo tin bệnh nhân tử vong

Ký ức đại dịch Covid-19 qua lời kể của người báo tin bệnh nhân tử vong

“Chị ơi, chị bình tĩnh nhé chị…Em xin báo tin buồn…người nhà mình mất vào lúc…”.  Cuộc gọi đứt đoạn bởi tiếng nấc. Bên kia đường dây, thân nhân đứt ruột. Bên này, người nhân viên y tế cũng xé lòng.