Giáp lá cà với virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên
Đó là câu chuyện dài cách đây 3 tháng, và giờ những nhân viên xét nghiệm ở Trung tâm cúm quốc gia phía Nam thuộc Viện Pasteur TP.HCM vẫn miệt mài với hàng ngàn lô bệnh phẩm từ 22 tỉnh thành đổ về.
Trung tâm Cúm quốc gia phía Nam, Viện Pasteur TP.HCM là nơi thực hiện xét nghiệm phát hiện Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Hiếu Thảo |
23 giờ 30 phút ngày 22/1 (tức ngày 28 Tết âm lịch), Viện Pasteur TP.HCM bắt đầu nhận 2 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Li Ding và Li ZhiChao từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bác sĩ trong phòng thí nghiệm bắt đầu truy tìm, giáp lá cà với con virus corona khi thông tin chỉ được manh nha bên Vũ Hán, Trung Quốc. 15 giờ ngày 23/1 (nhằm 29 tết), ê-kíp xác định 2 bệnh nhân người Trung Quốc đã nhiễm virus corona chủng mới (nCoV).
Căn phòng đầu tiên chính là nơi thu nhận mẫu bệnh phẩm của 22 tỉnh phía Nam đổ về lưu trữ tiến hành xét nghiệm. Ảnh: Hiếu Thảo |
Sau 3 tháng Việt Nam có dịch Covid-19, lượng mẫu bệnh phẩm từ sân bay và 22 tỉnh đổ về Trung tâm lên đến cả ngàn. |
Căn phòng chiết xuất RNA của virus. Ảnh: Hiếu Thảo |
Bác sĩ Cao Minh Thắng, trưởng khoa Vi sinh miễn dịch nhớ lại: “Mẫu bệnh phẩm của 2 cha con người Trung Quốc Li Ding và Li ZhiChao qua 2 bước thử đều cho kết quả dương tính virus nCoV.
Các lãnh đạo cũng nhận định 2 ca đầu tiên chắc chắn dương tính nhưng vì thiếu sinh phẩm không thể làm được bước khẳng định thứ 3. Tôi liên hệ qua mail cho đại diện WHO nhờ xác minh lại. Họ đã giới thiệu cho chúng ta một chuyên gia người Đức, ông này bảo chắc chắn dương tính rồi, nhưng cũng khuyên nên làm đủ 3 bước xét nghiệm.
Thú thật bên mình đang thiếu sinh phẩm, cận Tết nhà máy đóng cửa nên nhờ bên Đức gửi hỗ trợ. Mùng 4 Tết âm lịch, sinh phẩm mới về Việt Nam, kết quả xét nghiệm lần 3 khẳng định dương tính 100%”.
Căn phòng bất hoạt virus corona (SARS-nCOv-2). Ảnh: Hiếu Thảo |
Bác sĩ Thắng chia sẻ ông rơi vào trạng thái “không cảm xúc” khi đối diện với kết quả 2 ca dương tính Covid-19 đầu tiên. "Thật sự khi nhìn thấy con virus đội vương miện qua kính hiển vi, lúc đó tôi không thể nghĩ gì nữa, tôi lo lắng thật sự, những ngày Tết đầu năm, dịch bệnh tại thời điểm đó còn quá mới nhưng đã chạm cửa nhà ta rồi”, bác sĩ Thắng nhớ lại.
Máy chiết xuất RNA. Ảnh: Hiếu Thảo |
Chiều cùng ngày, các chuyên gia dịch tễ và lâm sàng của viện họp, đến tối Bộ Y tế công bố 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus nCoV và nhanh chóng thực hiện các biện pháp tránh lây lan. Việt Nam chính thức có dịch Covid-19.
Đến nay sau 3 tháng chống dịch, Viện Pasteur TP.HCM chưa một ngày nghỉ ngơi, nơi đây như 1 trung tâm chỉ huy chỉ đạo tuyến cho 22 tỉnh, thành phía Nam lên phương án phòng chống Covid-19.
Căn phòng chạy máy REAL-TIMES là nơi cuối cùng cho kết quả dương tính hay âm tính với Covid-19 của mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Hiếu Thảo |
1 tuần sau ca đầu tiên, Viện đã chuyển giao quy trình xét nghiệm bắt “virus corona” cho Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và Viện vệ sinh Dịch tễ Nha Trang. Qua 1 tháng ê-kíp đã tập huấn cho 12 tỉnh thành nắm vững cách lấy mẫu bệnh phẩm chuẩn nhất. Theo BS Nguyễn Thanh Long, giám đốc Trung tâm Cúm quốc gia phía Nam, quan trọng nhất là khâu lấy mẫu, nếu không chuẩn sẽ sai lệch kết quả xét nghiệm và sẽ gây khó khăn cho dịch tễ điều tra nguồn lây cũng như lâm sàng điều trị.
Trong căn phòng bất hoạt virus nCoV
Phóng viên VietNamnet được “đột nhập” vào căn phòng có hàng ngàn mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm Covid-19. Chúng tôi được khử trùng và được bảo hộ bằng bộ đồ “phi hành gia” mới được phép “đột nhập” giáp lá cà với virus.
Cho mẫu để chuẩn bị chạy máy xác định mẫu âm hay dương tính với Covid-19. Ảnh: Hiếu Thảo. |
Tại đây, BS Long chỉ dẫn và tóm tắt một quy trình hoàn thiện để các nhân viên xét nghiệm tìm ra con virus corona. Có 5 bước gồm: nhận mẫu – bất hoạt vi virus – thu thập RNA (di truyền) – cho mẫu – chạy máy REAL-TIMES.
Công việc có vẻ tẻ nhạt, song đây chính là khâu cuối cùng, gấp rút chính xác và không được phép sai sót. Kết quả chính xác sẽ giúp dịch tễ điều tra được nguồn lây, khoanh vùng cách ly, bác sĩ lâm sàng có thể triển khai điều trị.
Khâu đưa mẫu vào chạy máy REAL-TIMES, đây là bước cuối cùng để phát hiện virus nCoV. Ảnh: Hiếu Thảo. |
Khi ổ dịch Châu Âu bùng phát, 1 đội phản ứng nhanh của viện trực tiếp ra sân bay lấy mẫu, mỗi ca như vậy có thể lấy từ 700-1000 mẫu đem về xét nghiệm.
Thời điểm hiện tại, công việc tại phòng thí nghiệm mỗi lúc dồn dập chạy đua hơn đợt Tết, vì con số người nhiễm Covid-19 đã vượt qua con số 100 ca. Theo quy trình chuẩn bộ kit (chuẩn WHO) Việt Nam đang có, sau 4 tiếng sẽ cho ra kết quả của 96 mẫu.
Công đoạn cuối cùng để phát hiện Covid-19 mang tính quyết định để có những chiến lược, phương án dập dịch. Ảnh: Hiếu Thảo |
Khi chúng tôi rời khỏi phòng xét nghiệm, ngoài cửa nhân viên xếp hàng trên tay với những thùng bệnh phẩm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của 22 tỉnh thành đang réo kết quả.
Kết quả xét nghiệm sẽ được gửi từ phòng thí nghiệm về các Trunng tâm kiểm soát bệnh tật và các bệnh viện triển khai kế hoạch dập dịch Covid-19. Ảnh: Hiếu Thảo |
Nếu như ở bên ngoài những "chiến sĩ" đang ngăn chặn dịch, phần luồng cách ly phải chạy đôn chạy đáo thì trong phòng thí nghiệm, các bác sĩ trong bộ đồ "phi hành gia" mướt mồ hôi đang giáp lá cà với virus nCoV. Đó là 1 cuộc đấu trí cam go không kém phần quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 đang bước vào gia đoạn căng thẳng nhất.
Phan Nhơn - Hiếu Thảo
Việt Nam công bố phác đồ mới chẩn đoán và điều trị Covid-19
- Bộ Y tế đã cập nhật phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh Covid-19 lần 3, trong đó bổ sung thêm nhiều điểm mới.