Khi các nhà khoa học chạy đua để tìm hiểu tác động của biến thể Omicron, một trong những câu hỏi quan trọng nhất là liệu phiên bản virus SARS-CoV-2 mới có thể vượt qua biến thể Delta thống trị toàn cầu hay không.

{keywords}

Ảnh minh họa: Metro

Cuối tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Omicron vào nhóm "biến thể gây lo ngại" chỉ vài ngày sau khi biến thể này được ghi nhận lần đầu tiên ở nam châu Phi. WHO cho biết đang phối hợp với nhiều nhà khoa học trên toàn thế giới để hiểu rõ hơn về cách thức biến thể Omicron sẽ tác động đến đại dịch Covid-19.

Nhiều câu hỏi được đặt ra bao gồm liệu Omicron có trốn được sự bảo vệ của vắc xin và gây ra bệnh nghiêm trọng hơn hay không.

Một số chuyên gia cho biết đã có cơ sở vững chắc để tin rằng Omicron sẽ khiến vắc xin kém hiệu quả hơn. Omicron chia sẻ một số đột biến chính với hai biến thể Beta và Gamma, khiến chúng ít bị vắc xin ảnh hưởng hơn. Ngoài ra, Omicron còn có 26 đột biến duy nhất, nhiều đột biến trong đó ở các vùng được kháng thể vắc xin nhắm mục tiêu.

John Moore, Giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell (Mỹ), nói: "Vậy câu hỏi đặt ra là khả năng lây truyền của Omicron so với Delta. Đó là điều chính yếu mà chúng ta cần biết".

Trong vòng vài tháng, Delta đã lây lan nhanh hơn nhiều so với bất kỳ biến thể nào trước đó.

Các nhà khoa học sẽ theo dõi chặt chẽ liệu các ca nhiễm Omicron có bắt đầu thay thế các ca nhiễm Delta hay không. Điều đó có thể mất từ ​​3 đến 6 tuần.

“Trong vòng 2 tuần, chúng tôi sẽ hiểu rõ hơn mức độ nghiêm trọng của căn bệnh. Chúng tôi đang tiếp nhận các báo cáo khác nhau - một số cho hay đó là một căn bệnh rất nhẹ và một số ghi nhận các ca nghiêm trọng trong bệnh viện ở Nam Phi", Tiến sĩ Peter Hotez, chuyên gia về vắc xin tại Đại học Y Baylor (Mỹ), thông tin.

Trong khoảng thời gian tương tự, các nhà nghiên cứu mong đợi sẽ có câu trả lời liệu Omicron có tránh được miễn dịch có từ vắc xin hay không.

David Ho, Giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch học tại Đại học Columbia (Mỹ), tin rằng Omicron sẽ cho thấy mức độ kháng thuốc đáng kể, dựa trên vị trí của các đột biến trong protein gai của virus.

Những người khác lưu ý rằng các biến thể trước đó, như Beta, cũng có các đột biến làm cho vắc xin kém hiệu quả hơn, nhưng vắc xin vẫn ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Họ cho biết, ngay cả khi các kháng thể trung hòa do vắc xin tạo ra kém hiệu quả hơn, các thành phần khác của hệ miễn dịch là tế bào T và tế bào B sẽ có khả năng bù đắp.

John Wherry, Giám đốc Viện Miễn dịch học Penn (Mỹ) cho biết: “Việc tiêm phòng vẫn có thể giúp bạn không phải đến bệnh viện”.

An Yên (Theo Reuters)

Tín hiệu lạc quan về biến thể Omicron

Tín hiệu lạc quan về biến thể Omicron

Những bệnh nhân đầu tiên nhiễm Omicron có dấu hiệu nhẹ, các nhà khoa học đánh giá vắc xin hiện nay vẫn có tác dụng ngăn ngừa bệnh nặng.

Bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm biến thể Omicron

Bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm biến thể Omicron

Người đàn ông 30 tuổi mệt mỏi, đau nhức cơ thể nhưng không bị đau họng, ho, mất vị giác.