Ông Diệt nhìn về phía con trai đang nằm trên giường bệnh, ánh mắt đầy hy vọng.
“Con cười bố xem nào”.
Cậu bé nháy nháy mắt, nhoẻn miệng cười rạng rỡ
“Đấy cô xem. Cháu nó hiểu và cười được rồi kìa.” - Ông Diệt không giấu được niềm hạnh phúc trong ánh mắt, khóe miệng cũng bất giác rạng rỡ. Sau 2 năm, đến tận bây giờ, người đàn ông 58 tuổi ấy mới được vui như vậy.
Ông Diệt rất hạnh phúc vì sự tiến triển tốt của con trai - Ảnh: Nguyễn Liên |
Tháng 10/2017, con trai ông Bùi Văn Diệt (Kim Bôi, Hòa Bình) là cháu Bùi Ngọc Th. đột ngột mắc viêm não Nhật Bản và rơi vào trạng thái sống thực vật. Ngày ấy, cháu mới chỉ 14 tuổi.
Th. bị liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp và phổi gần như không hoạt động được, mắt mở vô hồn. Cháu phải sống phụ thuộc vào máy thở từ ấy.
Sau 6 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương, tới tháng 3 năm 2018, Th. được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để tiếp tục theo dõi, điều trị.
“Trong suốt hơn 1 năm qua, chúng tôi cố gắng điều trị, phục hồi chức năng tối đa nhất cho cháu Th. như phục hồi vận động chân tay, đảm bảo dinh dưỡng cho cháu, đảm bảo chống nhiễm trùng, chống loét và tập cai máy thở”, TS Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết.
2 tháng trở lại đây, cháu Th. dần có những chuyển biến tích cực. Mắt cháu đã có thể đưa đi đưa lại linh hoạt, miệng thỉnh thoảng nhấp nháy và ngáp. Tới những ngày gần đây, cháu đã có những lúc đáp ứng rất tốt các câu hỏi của bác sĩ, thậm chí đã bắt đầu nuốt được nước tuy không nhiều.
“Tôi bảo há miệng, cháu há miệng được. Tôi lại bảo cháu thè lưỡi hay nhìn sang trái phải, cháu cũng làm rất tốt. Tới khi tôi nói cháu hãy cười đi, các bác sĩ cùng vỗ tay để động viên thì cháu cười rất tươi. Những phản xạ của cháu cho thấy hệ thần kinh trung ương đang có dấu hiệu hồi phục.” Bác sĩ Tình chia sẻ.
Cháu bé mỉm cười rất tươi khi bác sĩ yêu cầu - Ảnh: Nguyễn Liên |
Những tiến triển tích cực của Th. là niềm vui rất lớn đối với đội ngũ y bác sĩ đồng hành cùng cháu trong suốt thời gian qua.
“Vì đặc thù nghề nghiệp, chúng tôi luôn phải giữ cái đầu “lạnh”, ít bộc lộ cảm xúc ra ngoài. Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi rất hạnh phúc. Dù chưa thể khẳng định chắc chắn được điều gì nhưng tôi hi vọng tới đây cháu sẽ bỏ được máy thở, nói được và sớm được trở về nhà với gia đình”, bác sĩ Bùi Thanh Tuấn, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chia sẻ.
Người hạnh phúc nhiều nhất trong những ngày vừa qua có lẽ là ông Diệt. Suốt 2 năm, người đàn ông chưa từng rời con trai nửa bước. 2 năm qua, ông cũng chưa từng có giấc ngủ nào trọn vẹn.
“Vừa nhớ, vừa thương, vừa lo. Sức khỏe tôi gần như kiệt quệ trong những tháng đầu con bị bệnh”, ông Diệt bảo.
Ông Diệt có một cuốn sổ nhỏ đã ngả màu, mua từ lúc con trai nằm viện. Tất cả những thay đổi của con, dù là nhỏ nhất và sự giúp đỡ của mọi người, ông đều cẩn thận ghi chép lại. Những ngày này, cuốn sổ có thêm nhiều chữ cùng với những biến chuyển tích cực của Th.
Cuốn sổ nhỏ được ông Diệt tỉ mỉ ghi chép về sự thay đổi của con cũng như các khoản giúp đỡ của mọi người - Ảnh: Nguyễn Liên |
Ông Diệt không giấu nổi niềm vui khi kể về con trai: “Bảo nó cười là cười tít mắt. Người quen đến, tôi nói cháu hãy nháy mắt 3 cái nếu nhận ra, vậy mà cháu làm rất tốt. Cháu cũng đã có thể chóp chép miệng để ra dấu khi đói nữa”.
Gia đình vốn thuộc diện khó khăn, kể từ khi con bị bệnh, vợ chồng ông Diệt gần như kiệt quệ về kinh tế. Số tiền đi vay mướn đã lên tới mấy trăm triệu. Mệt mỏi đủ đường, nhưng người đàn ông 58 tuổi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
“Tôi luôn nghĩ rằng, còn nước còn tát, phải cố gắng cứu con bằng mọi giá, dù có phải đánh đổi điều gì. Tôi không mơ ước điều gì quá cao xa, chỉ cần con sống, trở về nhà với bố mẹ…”, ông Diệt xúc động nói.
Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, di chứng của viêm não Nhật Bản rất nặng nề. Những trường hợp như của cháu Th. thường có rất ít hy vọng sống. Tuy nhiên, sự thay đổi gần đây của cháu mang tính đột phá.
“Suốt khoảng thời gian cháu điều trị, có rất nhiều giai đoạn thực sự khó khăn nhưng gia đình vẫn rất nghị lực, không nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Tôi cho rằng chính ý chí, sự quyết tâm gia đình đã đem đến kết quả tích cực ngày hôm nay”, ông Tình khẳng định.
Trong thời gian tới, các bác sĩ sẽ cố gắng hồi phục chức năng sống cho cháu, đặc biệt là chức năng về hô hấp và vận động kết hợp với liệu pháp tâm lý để kích thích hồi phục về não.
“Sẽ còn rất nhiều gian nan ở phía trước để giành giật sự sống cho cháu bé, nhưng chúng tôi vẫn đang hy vọng và sẽ nỗ lực hết sức mình”, bác sĩ Tình chia sẻ.
Nguyễn Liên
Chuyện người phụ nữ từng bị xa lánh vì lầm tưởng chuyên bán máu
39 tuổi, 82 lần hiến máu và 20 năm theo đuổi công việc vận động hiến máu, chị Nam lựa chọn gắn gần như cả cuộc đời mình với cái “nghề” phục vụ lợi ích cộng đồng.